Ý tưởng kinh doanh mới với đặc sản vùng miền

Cập nhật, 12:41, Thứ Sáu, 10/06/2016 (GMT+7)

Xuất phát từ nhu cầu thưởng thức đặc sản lạ, ngon ở từng địa phương, nhiều người đã mở ra các cửa hàng kinh doanh đặc sản, món ngon địa phương để thu hút khách và hơn hết là được giới thiệu được sản phẩm của địa phương.

Cửa hàng bánh pía Hải Sơn được nhiều người biết đến.
Cửa hàng bánh pía Hải Sơn được nhiều người biết đến.

“A lô là có liền!”

Nhận thấy nhu cầu mua, thưởng thức đặc sản địa phương có tiềm năng phát triển mạnh nên nhiều người đã mạnh dạn đầu tư mở cơ sở để kinh doanh sản phẩm của địa phương.

Theo một số cơ sở mà chúng tôi tiếp xúc, Vĩnh Long là nơi rất hút khách khi bán sản phẩm đặc trưng của vùng, miền.

Chỉ cần “alô” đặt hàng là chỉ trong vòng vài ngày, thậm chí vài giờ là đã có hàng đặc sản trong tay: Nào là hải sản từ Cà Mau, nông sản sấy Đà Lạt, mật ong rừng U Minh, khô hoặc mắm ở An Giang, bánh pía Sóc Trăng, dừa sáp Trà Vinh hay bánh nậm Huế được làm từ gia đình Huế, bánh bò thốt nốt, bánh tráng Tây Ninh, mận Mộc Châu, đào Hà Nội,...

Mở cửa hàng được 2 năm, hiện cửa hàng bán bánh kẹo Hải Sơn (Phường 1- TP Vĩnh Long) do anh Trần Văn Dũng quản lý đã được nhiều người biết đến và có không ít “mối ruột”.

Chia sẻ những khó khăn thuở ban đầu mới bước sang thị trường Vĩnh Long, anh Dũng nói: Năm đầu gặp khó khăn nhiều lắm, thương hiệu mới nên khách hàng còn lạ lẫm.

Thời gian đầu chủ yếu tư vấn cho khách hàng, giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đồng thời, qua những lần tích cực tham gia hội chợ ở địa phương nên giờ cũng được khách hàng ưa chuộng.

Anh Dũng phấn khởi: “Hiện cửa hàng đã có hơn 30 đại lý trong toàn tỉnh, mỗi đại lý lấy khoảng 70 cây bánh/tuần, mỗi ngày cửa hàng bán được 50- 70 cây bánh/ngày.

Cao điểm vào mùa Trung thu, của hàng bán được 1.000 cây/ngày, bỏ mối cho 18 trường học, mỗi trường khoảng 100 cây bánh.

Tôi nhận thấy Vĩnh Long là tỉnh có nhu cầu tiêu thụ cao và ổn định hơn so với các tỉnh khác”. Bên cạnh bánh pía, cửa hàng còn kinh doanh thêm một số bánh kẹo đặc sản của Bến Tre được gia công độc quyền là kẹo dừa, bánh phồng sữa Hải Sơn. Các mặt hàng này cũng khá hút khách.

Quê vợ ở Vĩnh Long nên cuối tuần nào anh Nguyễn Văn Nhanh- chuyên bán đặc sản An Giang cũng mang đặc sản đến bỏ mối. Những mặt hàng được khách hàng ưa chuộng như: “vũ nữ chân dài” (khô nhái), khô cá sặt, khô cá lóc, tum lò mò, khô rắn, khô trăn,...

Anh Nhanh cho biết: “Tôi bán đặc sản An Giang được 4- 5 năm rồi. Các quầy khô và khách hàng ở Vĩnh Long chuộng các mặt hàng này lắm, nhất là khô nhái, có khi bỏ mối, bán lẻ được 50 kg/tuần. Ngoài ra tôi còn bỏ mối ở nhiều nhà hàng, quán nhậu ở Sóc Trăng, Đồng Nai, Cà Mau, Bạc Liêu, TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ và miền Bắc... Chỉ cần khách hàng “alô” đặt hàng là ở đâu tôi cũng giao tới”.

Vào miền Nam được 20 năm nhưng gần 2 tháng nay gia đình anh Đại (Phường 1- TP Vĩnh Long) mới mở tiệm bán bánh bột lọc, bán nậm Huế để “lưu giữ chút hương vị cố đô Huế ở Vĩnh Long”. Anh Đại cười nói: “Cả nhà tôi ai cũng biết làm loại bánh này.

Tôi thấy ở Vĩnh Long không có bán nên muốn mở tiệm giới thiệu món ngon ở quê hương, thêm vào đó, thấy cũng đỡ nhớ quê hương hơn. Tuy chỉ mới bán nhưng thấy rất khả quan, nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khách hàng”.

Kênh quảng bá sản phẩm địa phương hiệu quả

Muốn được giới thiệu đặc sản của quê hương đến tỉnh- thành bạn, thêm kênh phân phối, nâng cao khả năng cạnh tranh là những lý do khiến thị trường Vĩnh Long xuất hiện ngày càng nhiều đặc sản vùng miền.

Theo nhiều chủ cửa hàng chia sẻ, đặc sản quê nhà sang các tỉnh khác mới hiệu quả nên luôn chọn những mặt hàng tiêu biểu nhất để giới thiệu cho khách hàng. Thêm vào đó, uy tín, chất lượng sản phẩm phải luôn được đặt lên hàng đầu để không làm “mất danh tiếng quê nhà”.

Anh Trần Văn Dũng chia sẻ: Có đại lý phân phối đã khó nhưng giữ chân khách hàng thì còn khó hơn. Do đó, tôi muốn khách hàng luôn được sử dụng những sản phẩm mới để giữ uy tín.

Theo đó, dù sản phẩm có hạn sử dụng 2 tháng nhưng khi bỏ mối đến đại lý nào bán không hết mà hạn sử dụng còn một tháng là tôi thu hồi lại và bỏ mối hàng mới sản xuất.

Có như vậy, bánh mới luôn mới, ngon, giữ được chất lượng. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ cao nên anh Dũng dự định sẽ mở thêm chi nhánh bán lẻ ở đường 1 tháng 5 (Phường 1- TP Vĩnh Long), nơi mà có nhiều khách du lịch đến tham quan để giới thiệu sản phẩm.

Anh Dũng nói thêm: Có nhiều khách du lịch nước ngoài cầm trên tay vỏ bánh của cửa hàng và tìm đến tận nơi để mua nên thấy rất phấn khởi. Sắp tới, tôi tính sẽ mở rộng thêm ngành hàng để đa dạng mặt hàng nhưng hơn hết các nơi chào hàng phải có nguồn gốc, xuất xứ đàng hoàng và đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với các cửa hàng, các gian hàng online cũng liên tục được lập nên để chào bán đặc sản vùng miền. Theo đó, nhiều người kinh doanh đặc sản trên mạng cho rằng để cạnh tranh tốt thì người bán phải có nguồn hàng ở quê để đảm bảo hàng đúng chất lượng.

Anh Nguyễn Văn Nhanh cũng nói: Bán đặc sản địa phương rất có tiềm năng phát triển. Tôi chủ yếu bán hàng qua mạng nên để bảo đảm hàng hóa đến được với người tiêu dùng giữ được chất lượng tốt nhất, các mặt hàng này đều được bao bọc, gói cẩn thận để giữ độ ngon, chất lượng cho khách hàng.

Bên cạnh đó, một trong những “chiêu” để giữ chân khách hàng là giữ đúng chất lượng sản phẩm. Anh Đại chia sẻ: “Có nhiều khách hàng góp ý chế biến phù hợp hơn với khẩu vị miền Nam, hay thêm rau, pha bột thêm... nhưng như vậy thì sẽ không giống hương vị bánh quê nhà nữa nên tôi luôn chế biến món ăn theo đúng hương vị quê hương”.

Có thể thấy, đặc sản vùng miền là mặt hàng được ưa chuộng trên thị trường, có tiềm năng và có thể mang lại lợi nhuận khá cao. Tuy nhiên, người bán cũng cần quan tâm hơn đến thương hiệu, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có như vậy, việc phát triển hình thức kinh doanh này mới lâu bền và mang lại hiệu quả lâu dài.

Tại Vĩnh Long, cửa hàng sản phẩm địa phương tỉnh (đường Hưng Đạo Vương- Phường 1- TP Vĩnh Long) của Hội Doanh nhân trẻ với nhiều sản phẩm, đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh như tương hột Phước Khang, nước mắm Gia Hỷ, chao Phước Hòa, kẹo Sơn Hải, cơm sấy Nhật Quỳnh, gạo Phước Thành,... cũng đã thu hút nhiều khách hàng, khách du lịch. Qua đó, đã góp phần mở rộng kênh quảng bá sản phẩm mang thương hiệu Vĩnh Long đến với người tiêu dùng.

Bài, ảnh: THẢO LY