Thời tiết thất thường, thị trường bất thường

Cập nhật, 12:36, Thứ Sáu, 10/06/2016 (GMT+7)

Tình hình hạn, mặn đến nay đã gây nhiều thiệt hại nặng nề, có thể nhìn thấy qua những con số (hoặc chưa thống kê được), không chỉ tác động trực tiếp đến thu nhập, sinh kế của nông dân, ngành nông nghiệp; mà còn khiến nhiều ngành sản xuất, chế biến bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nguyên liệu. Đặc biệt là ngành chế biến gạo xuất khẩu, từ đầu năm đến nay, nỗi lo này luôn thường trực.

Miền Tây đã có mưa. Những cơn mưa đầu mùa gây nhiều giông lốc ảnh hưởng đời sống người dân, đồng thời khiến diện tích lúa Hè Thu đổ ngã giảm năng suất, chất lượng do ẩm ướt, khó thu hoạch và phải bán với giá thấp.

Vô hình trung, những người làm ra nông sản hàng hóa đang phải gánh chịu “thiệt hại kép” khi vừa ứng phó với thiên tai, vừa lo ngay ngáy những bất thường của thị trường.

Thị trường nông sản vẫn vô cùng bấp bênh, do đa phần hàng nông sản của ta xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc. Thị trường này dễ tính và không yêu cầu cao về chất lượng.

Tuy nhiên, việc quá phụ thuộc vào một thị trường trong nhiều trường hợp đã gây rối loạn cho sản xuất trong nước, chưa kể các thủ đoạn ép giá, không thanh toán... gây thiệt hại lớn cho thương nhân và nông dân Việt Nam.

Khó mà quên được những bài học đã từng xảy ra với khoai lang, dừa, dưa hấu,… đã khiến nông dân lao đao. Trong khi đó, gần đây, Bộ Công thương cũng đã có đề nghị cảnh báo thông tin rủi ro về xuất khẩu heo sang Trung Quốc, do thịt heo Việt Nam chỉ xuất qua đường tiểu ngạch mà chưa có tên trong danh sách xuất thịt heo vào quốc gia này…

Trong vô vàn khó khăn đó, ngành nông nghiệp, nông dân phải nhanh chóng chuyển đổi, tìm cách thích nghi với biến đổi khí hậu. Để không quá phụ thuộc vào một thị trường, cách duy nhất là phải sản xuất theo quy chuẩn và phải tìm cách tiếp thị, quảng bá để từng bước xâm nhập nhiều thị trường khác nhau.

Bido2_40.com