Nhộn nhịp mùa mứt tết

Cập nhật, 15:18, Thứ Năm, 23/01/2014 (GMT+7)

Về thăm lại làng mứt những ngày giáp tết, chúng tôi có cảm giác nôn nao khó tả. Trước sân nhà ở làng mứt, từng thau mứt được nắng, chuyển màu đỏ au hòa với mùi thơm của đường xên khiến lòng không khỏi chộn rộn trước thềm năm mới.

Me được chăm chút, phơi nắng cẩn thận trước khi đóng gói.

Sản lượng tăng gấp đôi

Đến thăm Cơ sở sản xuất mứt Minh Đăng (Khóm 2, phường Cái Vồn, TX Bình Minh), các nhân công đang tất bật với phần việc theo “dây chuyền” của mình. Tay liên tục cầm sạn xên mứt mãng cầu, chị Đỗ Thị Út (ấp Đông Bình, xã Đông Bình) cười thật tươi: “Tui thì ngồi xên mứt tết, tính đến nay đã hơn chục năm. Cứ mỗi chảo vầy xên được 1kg mứt. Mỗi ngày tui xên khoảng 30- 40kg mứt mãng cầu”.

Mỗi năm, cứ đến cuối tháng 9 âl thì bắt đầu nhộn nhịp vào mùa làm mứt me, sau đó đến mùng 10/11 lại chuyển qua xên mứt mãng cầu và làm suốt đến ngày 25- 26 tháng Chạp mới nghỉ. Vừa quấn mứt mãng cầu, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ (ấp Đông Bình) cho biết: “Trước đây tui chỉ lột me, mới chuyển qua quấn mứt mấy ngày nay nên làm hơi chậm, chỉ khoảng 10 kg/ngày. Nhờ có việc này nên có thêm tiền chi tiêu cho gia đình vào dịp tết”.

Là người có “thâm niên” quấn mứt lâu năm, chị Trần Thị Hai (Khóm 9, phường Cái Vồn) chia sẻ: “Tui làm từ lúc chị Ba, chủ cơ sở này ra làm mứt tới bây giờ. Mỗi ngày tôi quấn được gần 20kg, giá 6.000 đ/kg”. Chị Nguyễn Thị Ánh (Khóm 2, phường Cái Vồn) cho biết, chị có thể làm hết tất cả các công đoạn từ lúc lột vỏ me, lấy hột đến quấn mứt thành phẩm. Thu nhập mỗi ngày cũng khoảng 80.000đ.

Chị Bùi Thị Thu Ba- chủ cơ sở Minh Đăng cho biết, chị đã có trên 20 năm theo nghề này. Mỗi dịp tết, cơ sở chị làm 4 loại: mứt me, mứt dừa, mãng cầu và chùm ruột, cung cấp cho các đại lý ở TP Sa Đéc (Đồng Tháp), Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh. Năm nay, với 20 nhân công phụ việc, chị làm khoảng 10 tấn mứt, tăng gấp đôi năm rồi.

Chị cười vui: “Năm nay làm nhiều, vì tui chấp nhận làm mứt lời ít một chút cũng được mà phải chất lượng và đảm bảo vệ sinh, nên nhiều mối quen giới thiệu với nhau đến lấy hàng”.

Nghề làm mứt me tạo việc làm cho nhiều lao động nhàn rỗi tại địa phương.

Mứt “vào” siêu thị

Ngoài chất lượng, các hộ làm mứt đã chú trọng đến việc tạo uy tín và thương hiệu, những hộ làm lớn thì đăng ký nhãn hiệu riêng, những hộ làm nhỏ lẻ thì “hùn” nhau để tạo cho mình một thương hiệu. Điều này giúp các hộ sản xuất có đầu ra thuận lợi và ổn định hơn. Với giá mứt dừa 55.000 đ/kg, mứt me 75.000 đ/kg, chùm ruột 85.000 đ/kg, mãng cầu 80.000 đ/kg, các sản phẩm nơi đây đã “tiến vào siêu thị” vừa trực tiếp vừa qua
trung gian.

Tại nhà chị Trương Thị Huệ (ấp Thuận Thới), trước thềm ba có 5 nhân công vừa làm vừa nói cười rôm rả, không khí tươi vui. Gia đình chị theo nghề làm mứt gần 20 năm nay, ngoài tạo thu nhập cho gia đình, còn giải quyết một phần lao động nhàn rỗi ở địa phương. Chị cho biết: “Năm nào cũng vậy, gia đình chị cung ứng ra thị trường khoảng 500kg mứt, lời chừng 7- 8
triệu đồng”.

Nhãn hiệu Tấn Phát của chị Huệ khá “có tiếng” ở xóm mứt này, nhãn hiệu của chị đã tạo được uy tín nhiều năm nay trên thị trường, nhất là tại Cần Thơ. Sản phẩm của chị luôn được chọn lựa có mặt tại các siêu thị và cửa hàng bánh mứt lớn tại thành phố này. Chị cho biết: “Từ khi có thương hiệu riêng, nhiều năm nay, các siêu thị luôn đặt hàng vì bán chạy, được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Lò mứt của chị Thu Ba cũng phấn khởi không kém vì sản phẩm gần đây đã có mặt tại các siêu thị trong và ngoài tỉnh, sản phẩm được ưa chuộng và được đặt hàng nhiều hơn, điều đó là động lực để chị duy trì nghề truyền thống này.

Tuy làm mứt me chỉ có công thức chung là ngâm muối và xên đường nhưng mỗi người lại có “cái khéo” riêng, nên hương vị vì thế cũng đa dạng, và mứt me ở đây thì “không chê vào đâu được”.

Bài, ảnh: YẾN XUÂN