Góc nhìn

Nguy cơ mất thương hiệu toàn cầu

Cập nhật, 07:09, Thứ Ba, 29/01/2013 (GMT+7)

Để trái cây đặc sản đạt chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP, không hề đơn giản. Mỗi tỉnh chỉ có vài loại trái có được chứng nhận toàn cầu này.

Chẳng hạn, Vĩnh Long chỉ có bưởi Năm Roi Mỹ Hòa thuộc huyện Bình Minh (công nhận vào tháng 9/2008) và hồi năm ngoái là chôm chôm Java của Hợp tác xã (HTX) Chôm chôm Tân Khánh (xã Tích Thiện- Trà Ôn). Diện tích được công nhận cũng rất hạn chế, chỉ vài chục hecta với vài chục hộ dân.

Để nhận được chứng chỉ đã khó, giữ tiêu chuẩn càng khó hơn. Bởi giấy chứng nhận chỉ có giá trị trong một năm và để được tái chứng nhận, tốn kém ít thì cũng từ 6.000- 8.000USD. Do đó, từ năm 2010, HTX Bưởi Năm Roi GlobalGap Mỹ Hòa đã phải chạy đôn chạy đáo kiếm tiền, xin hỗ trợ để có kinh phí nộp tái chứng nhận.

Đến nay, không chỉ bưởi Năm Roi lo lắng trước nguy cơ không có tiền nộp xin tái chứng nhận mà còn có thêm HTX Chôm chôm Java Tân Khánh đang bắt đầu hết hạn. Để được tái công nhận, HTX phải trả khoảng 100 triệu đồng, trong khi không có kinh phí.

Thời gian qua cũng như hiện nay, ngành nông nghiệp và địa phương luôn quan tâm hỗ trợ, nhưng kinh phí chắc chắn không thể mỗi năm mỗi cấp, trong khi đó, giấy chứng nhận toàn cầu thì “một lần cấp một lần khó”.

Để nông sản đủ sức cạnh tranh và vươn xa trên thị trường quốc tế, chứng nhận tiêu chuẩn toàn cầu là việc cần thiết, song, với cách làm hiện nay của các HTX xem ra chưa đáp ứng được yêu cầu về kinh tế để tự lo cho bản thân.

Do đó, rất cần có một cuộc ngồi lại để cùng tìm cách giải quyết, định hướng sắp tới, v.v… Nếu không, nông dân ngày càng bớt mặn mà và các nhà vườn GlobalGAP “tự giải tán” thì nguy cơ mất giấy chứng nhận là rất cao.

NGUYÊN CHƯƠNG