Bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật

Cập nhật, 07:51, Thứ Sáu, 18/08/2023 (GMT+7)
Đại biểu Trịnh Minh Bình (thứ hai từ trái sang) chất vấn Bộ Trưởng Bộ Tư pháp.
Đại biểu Trịnh Minh Bình (thứ hai từ trái sang) chất vấn Bộ Trưởng Bộ Tư pháp.
Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, ở lĩnh vực tư pháp, các đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Tư pháp nhiều nội dung rất thiết thực, có tác động trực tiếp đến việc quản lý, điều hành, đến hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Chính phủ, của các bộ, ngành và địa phương.
 
Qua đó đưa ra các giải pháp khả thi, khắc phục kịp thời các yếu kém, hạn chế trước mắt, tạo được chuyển biến thực chất, căn cơ và lâu dài, góp phần nâng cao hiệu quả công tác điều hành lĩnh vực quản lý, đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng của cử tri, nhân dân cả nước.
 
Tại phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội đã chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long về nhóm các vấn đề liên quan đến việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; các giải pháp đảm bảo tiến độ, chất lượng và hồ sơ thủ tục các dự án, dự thảo Chính phủ trình Quốc hội; giải pháp nâng cao chất lượng hệ thống pháp luật, giải pháp kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật thuộc trách nhiệm của Chính phủ. Thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)...
 
Đại biểu Trịnh Minh Bình- đơn vị tỉnh Vĩnh Long, chất vấn: Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, hiện nay còn một số nơi có cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh công việc trong tham mưu xây dựng thể chế. Bên cạnh, quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra văn bản chưa thật sự rõ ràng, hợp lý.
 
Xin cho biết nguyên nhân và giải pháp khắc phục trong thời gian tới để nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản QPPL, góp phần hoàn thiện và tránh tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản trong hệ thống pháp luật nước ta. 
 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cùng các bộ, ngành liên quan đã có phần trả lời, giải trình từng nội dung chất vấn của các đại biểu tại hội trường; đồng thời Bộ Tư pháp cũng có báo cáo bằng văn bản để giải trình cụ thể các nội dung chất vấn. 
 
Về thực trạng và giải pháp nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản QPPL, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, thực hiện theo các quy định, nghị định đã ban hành thì bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm, thẩm quyền tự kiểm tra, xử lý văn bản QPPL do mình ban hành; kiểm tra và kiến nghị xử lý văn bản QPPL trái pháp luật do bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành về nội dung liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phụ trách; kiến nghị khắc phục hậu quả do văn bản gây ra (nếu có) và xem xét trách nhiệm đối với cơ quan, người đã ban hành văn bản trái pháp luật. 
 
Cùng với nhiệm vụ tương tự như các bộ trưởng khác, Bộ trưởng Bộ Tư pháp còn được giao giúp Thủ tướng Chính phủ kiểm tra và kiến nghị xử lý văn bản trái pháp luật của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
 
Việc kiểm tra văn bản được thực hiện khi văn bản QPPL có dấu hiệu trái pháp luật (Điều 165, Điều 166 Luật Ban hành văn bản QPPL). Nội dung kiểm tra gồm: thẩm quyền ban hành văn bản; tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản; căn cứ ban hành; thể thức, kỹ thuật trình bày; trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản.
 
Thời gian qua, tại các bộ, ngành và địa phương, công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL đã được lãnh đạo các bộ, ngành, UBND cấp tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nên ngày càng được nâng cao hơn về chất lượng, hiệu quả. Phần lớn văn bản sau khi có kết luận kiểm tra của Bộ Tư pháp đã được cơ quan ban hành xử lý kịp thời, đúng pháp luật trên tinh thần cầu thị, vì lợi ích chung của xã hội.
 
Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường kiểm tra văn bản QPPL bằng nhiều phương thức khác nhau.
 
Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện các văn bản có sai sót, vi phạm quy định về thể thức, nội dung, thẩm quyền; đồng thời kết hợp với các giải pháp tăng cường theo dõi, đôn đốc các chủ thể kịp thời xử lý văn bản theo kết luận kiểm tra nên đã giúp tăng cao số lượng văn bản được xử lý so với giai đoạn trước, góp phần bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác kiểm tra văn bản QPPL vẫn còn một số hạn chế như công tác kiểm tra văn bản QPPL theo thẩm quyền tại một số cơ quan cấp bộ và cấp tỉnh chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, thường xuyên; chất lượng tự kiểm tra và kiểm tra theo thẩm quyền còn hạn chế; vẫn còn một số trường hợp văn bản chậm được xử lý theo quy định.
 
Năng lực, trình độ và số lượng công chức làm công tác kiểm tra văn bản QPPL thiếu ổn định, chưa tương xứng với tầm quan trọng, tính chất khó khăn, phức tạp của các công tác này; quy định về thẩm quyền, trách nhiệm trong kiểm tra văn bản chưa thực sự rõ ràng, hợp lý.
 
Qua đó, Bộ Tư pháp cũng đề ra các giải pháp để thời gian tới nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra văn bản QPPL. Trước tiên phải tiếp tục xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thi hành pháp luật và thực hiện nghiêm luật, nghị định của Chính phủ và các chỉ thị, kết luận của Thủ tướng Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế và thi hành pháp luật.
 
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về thẩm quyền, trách nhiệm kiểm tra văn bản QPPL của Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan ngang bộ tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đầu tư, củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác kiểm tra, rà soát văn bản. 
 
Đồng thời, tăng cường công tác tự kiểm tra văn bản của các bộ, ngành, địa phương, xác định rõ đây là một trong những nhiệm vụ cần được quan tâm trong tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật của các bộ, ngành, địa phương.
 
Tăng cường cơ chế giám sát của Quốc hội, cơ chế phản biện xã hội đối với công tác xây dựng, ban hành văn bản QPPL. Thực hiện việc kiểm điểm, xử lý nghiêm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan đến việc xây dựng, ban hành văn bản QPPL trái pháp luật theo quy định.
 
Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tham dự trực tuyến phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25.
Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long tham dự trực tuyến phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, phiên chất vấn sẽ là dịp để chúng ta nhìn nhận, đánh giá chính xác các hạn chế, vướng mắc; đề ra những giải pháp thiết thực để nâng cao chất lượng công tác lập pháp, xây dựng, triển khai hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm; hoàn thành các nhiệm vụ lập pháp tại Kết luận 19 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với Chương trình xây dựng pháp luật toàn khóa.
 
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, hoạt động chất vấn, trả lời chất vấn cũng giúp nâng cao chất lượng giám sát, kiểm tra văn bản QPPL, góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật.
 
Bảo đảm sự ổn định, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, góp phần hoàn thiện thể chế phát triển, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Nghị quyết số 27 Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương Đảng khóa XIII.
Bài, ảnh: HẢI YẾN
 
 
Các tin khác: