Quy định về tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân phải sát thực tế hơn

Cập nhật, 19:04, Thứ Ba, 22/03/2016 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi), nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội đề nghị luật cần quy định cụ thể hơn để đảm bảo tính khả thi trong thực hiện, đặc biệt là quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân.    

ĐB đề nghị nên xem thẻ nhà báo là thẻ hành nghề và đề nghị bỏ quy định về thời hạn 5 năm phải đổi thẻ một lần vì không cần thiết.
ĐB đề nghị nên xem thẻ nhà báo là thẻ hành nghề và đề nghị bỏ quy định về thời hạn 5 năm phải đổi thẻ một lần vì không cần thiết.

* Quy định về tự do báo chí phải sát thực tế hơn

Về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí của công dân, luật quy định “công dân được góp ý kiến phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và thành viên của các tổ chức đó”.

Theo ĐB Tô Văn Tám (tỉnh Kon Tum), việc sử dụng các quyền này là một kênh quan trọng để công dân thực hiện quyền của mình được Hiến pháp quy định.

Theo đó, công dân không chỉ góp ý, phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trên báo chí đối với các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước mà còn có quyền này đối với cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước và trong các cơ quan Đảng, tuy nhiên dự thảo luật lại không thấy quy định quyền này của công dân.

Đề nghị bổ sung đối tượng là cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước, trong các cơ quan Đảng vào đối tượng góp ý phê bình, kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân trên báo chí.

Mặt khác, dự thảo cũng chỉ mới đề cập đến tổ chức xã hội và các thành viên của các tổ chức đó, như thế chưa đủ, bởi vì ngoài các tổ chức xã hội còn có các tổ chức chính trị- xã hội, tổ chức chính trị, xã hội- nghề nghiệp, ĐB đề nghị bổ sung các tổ chức này vào dự thảo.  

Về trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân tại điều 12 dự thảo luật quy định, cơ quan báo chí có trách nhiệm đăng, phát, kiến nghị, phê bình tên, bài, ảnh và tác phẩm báo chí khác của công dân.

Trường hợp không đăng phát sóng phải trả lời và nêu rõ lý do khi có yêu cầu trả lời hoặc yêu cầu tổ chức, người có chức vụ trả lời bằng thư hoặc trên báo chí về kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến.

Với quy định này, nhiều ĐB cho là không có tính khả thi và hầu như cơ quan báo chí nào cũng khó thực hiện, vì báo chí không thể đăng hoặc phát mọi kiến nghị, phê bình tin, bài, ảnh và tác phẩm khác của công dân, đồng thời, cũng không có khả năng trả lời cho từng công dân và nêu rõ lý do nếu không đăng phát sóng.

Theo ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng): Báo chí không thể đăng phát sóng khiếu nại, tố cáo mà chưa qua xác minh, trong khi đó cơ quan báo chí không đủ người để xác minh mà thường có văn bản chuyển đến các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Còn tâm lý người dân khi gửi cơ quan báo chí thì rất mong được đăng phát sóng nhằm tạo sức ép cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xem xét, vì thực tế không ít trường hợp người dân kiến nghị nhiều lần vẫn không được xem xét, nhưng khi sự việc được báo đăng, đài đọc thì rất sốt sắng vào cuộc.

Do đó, nếu không đăng phát sóng thì người dân rất muốn biết lý do nên sẽ có yêu cầu trả lời. Vậy thì, cơ quan báo chí có đảm bảo thực hiện được vấn đề này hay không? Tôi đề nghị quy định lại Điều 12 cho sát với thực tế để bảo đảm tính khả thi, để quyền này của công dân được thực hiện.

* Nên có cơ chế để cơ quan báo chí chủ động tạo nguồn thu

Theo nhiều ĐB, trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ truyền thông trên thế giới, hiện báo chí truyền thống đang đứng trước sức cạnh tranh rất lớn từ mạng thông tin xã hội. Các cơ quan báo chí sẽ ngày càng khó khăn hơn về cạnh tranh thông tin và vấn đề tài chính.

Dự thảo Luật báo chí sửa đổi cần phải được xây dựng trên thực tiễn này. Vấn đề đặt ra là nhà nước sẽ tiếp sức gì cho các cơ quan báo chí trước tình hình trên.

ĐB Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc sửa đổi luật lần này, các cơ quan báo chí mong chờ nhà nước sẽ có chính sách phù hợp để tạo điều kiện cho báo chí phát triển không phải bằng việc bao cấp mà bằng một cơ chế để các cơ quan báo chí có thể tự chủ và năng động hơn trong việc tạo ra nguồn thu.

Các hình thức tạo nguồn thu cho kinh tế báo chí tại Điều 21 cần có quy định mở để phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ truyền thông và kinh tế thị trường trên cơ sở nghiên cứu thêm các hình thức tạo nguồn thu cho cơ quan báo chí.

Chẳng hạn cho phép các cơ quan báo chí đăng tải thông tin trên môi trường giao tiếp hoặc liên kết với cơ quan báo chí nước ngoài để khai thác quảng cáo và phát hành. 

Ngoài ra, ĐB còn đề nghị luật cần đơn giản các thủ tục hành chính đối với cơ quan báo chí. Cụ thể, luật cần bỏ quy định phải xin phép khi thay đổi giao diện trang chủ của báo điện tử và chuyên trang như quy định tại Khoản 3, Điều 20 vì tốn nhiều công sức cho các cơ quan báo chí.

Trong thực tế, việc thay đổi này thường xuyên diễn ra khi các cơ quan báo chí muốn làm mới giao diện báo điện tử để thu hút sự chú ý của độc giả.

Một số ý kiến đề nghị luật cần bổ sung quy định về việc xử lý vi phạm đối với các trường hợp tổ chức, cá nhân cản trở hoạt động báo chí, hoặc né tránh không cung cấp thông tin cho báo chí đúng theo quy định của pháp luật, hoặc cung cấp thông tin sai sự thật cho báo chí.

ĐB Huỳnh Văn Tính (tỉnh Tiền Giang) đề nghị luật cần quy định xem xét trách nhiệm hình sự đối với các trường hợp hành hung, truy sát nhà báo trong tác nghiệp, nhằm tạo hành lang pháp lý bảo vệ tốt an toàn tính mạng của nhà báo khi tác nghiệp, góp phần không nhỏ trong phát hiện và đưa ra ánh sáng các vụ tiêu cực trong xã hội hiện nay, phát huy vai trò phản biện xã hội của báo chí.

Nên đưa mạng xã hội vào phạm vi điều chỉnh của luật 

Trao đổi về việc có nên đưa vào dự thảo Luật báo chí sửa đổi việc quản lý mạng xã hội hay không, ĐB Nguyễn Văn Thanh (tỉnh Vĩnh Long) cho rằng, nên đưa mạng xã hội vào phạm vi điều chỉnh của luật. Bởi vì, mạng xã hội là hệ thống thông tin cung cấp cho người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin. Nếu những thông tin đăng tải trên mạng xã hội thiếu trung thực, không đúng, và thậm chí có những vi phạm khác thì quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân sẽ bị ảnh hưởng rất là nhiều. Mặc dù hoạt động của mạng xã hội đang được điều chỉnh bởi 2 Nghị định của Chính phủ nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp thời so thực tế. 

T.TÂM (ghi) 

 

Bài, ảnh: THANH TÂM