Số ca tử vong do bệnh dại gia tăng đột biến

Cập nhật, 21:14, Thứ Năm, 25/04/2024 (GMT+7)
Tiêm vaccine phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long.
Tiêm vaccine phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long.

Từ đầu năm tới nay, cả nước đã ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại. Con số này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại đang có xu hướng gia tăng. Thống kê từ đầu năm 2024 đến ngày 16/4, Việt Nam ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại tại 17 tỉnh, thành phố. Con số này tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Hoàng Minh Đức, thời gian cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè, tập trung vào các tháng 8-9 trong năm. Song, năm nay, ngay từ những tháng đầu, số ca dại đã có sự gia tăng đột biến. Nguyên nhân có thể liên quan trực tiếp đến sự gia tăng các ca bệnh dại trên động vật từ năm 2023 đến nay.

Đặc biệt gần đây, xuất hiện các trường hợp mắc bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Long, quý I/2024, có trên 6.100 lượt người đến tiêm vaccine phòng ngừa dại do bị chó, mèo cào, cắn, tăng hơn 700 lượt so với cùng kỳ năm 2023.

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền từ động vật (chủ yếu là chó, mèo) sang người thông qua vết cào, cắn, liếm. Bệnh thường tăng cao vào mùa nóng hàng năm. Các biểu hiện lâm sàng điển hình của bệnh dại trên người là: sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, co giật, liệt, tăng tiết. Khi đã lên cơn dại, tỷ lệ tử vong gần như 100% (đối với cả người và động vật). Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người dân cần đến ngay các cơ sở y tế tiêm ngừa khi bị động vật cào cắn, đề phòng tử vong do bệnh dại.

Các trường hợp tử vong do bệnh dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn nhưng không tiêm ngừa huyết thanh kháng dại và không tiêm vaccine phòng dại hoặc tiêm muộn, tiêm không đủ liều, không đúng chỉ định. Tỷ lệ tiêm vaccine phòng dại trên động vật còn thấp, chỉ đạt gần 50% tổng đàn chó, mèo. Thậm chí có nơi, tỷ lệ này chỉ đạt khoảng 10%.

Do đó, để phòng tránh bệnh dại, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, người dân cần chấp hành nghiêm quy định tiêm phòng, không để chó, mèo thả rông. Khi đưa chó, mèo ra nơi công cộng, khu dân cư, chung cư phải rọ mõm, có dây xích, có người dắt. Các địa phương phải tổ chức tiêm vaccine phòng bệnh dại cho chó, mèo, bảo đảm tối thiểu trên 80% tổng đàn trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Các địa phương phải bảo đảm đủ và tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại.

Theo ông Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, khi bị chó mèo cắn, cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà bông, cồn hoặc rượu. Đây là bước sơ cứu hiệu quả nhằm hạn chế virus dại xâm nhập vào cơ thể. Không nặn máu hay khâu- băng kín vết thương, sau đó, đến ngay trung tâm y tế để được tư vấn và tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại. Tuyệt đối không tự điều trị bệnh dại bằng thuốc Nam.

“Bệnh dại có thể phòng ngừa được bằng vaccine. Vaccine phòng dại không gây hại cho người tiêm. Vaccine phòng dại được sản xuất từ virus dại đã bất hoạt do đó không có khả năng gây bệnh, không ảnh hưởng đến trí nhớ và các vấn đề thần kinh khác. Chủ động tiêm vaccine phòng dại trước phơi nhiễm đầy đủ, đúng lịch cho cả trẻ em và người lớn, đồng thời tích cực tiêm phòng dại cho đàn chó, mèo, vật nuôi là phương pháp phòng dại hiệu quả đến 100%”- BS Huỳnh Thanh Tân khuyến cáo.

Bài, ảnh: MAI ANH

 

 

Các tin khác: