Một số dạng thuốc cần uống nguyên vẹn

Cập nhật, 07:22, Thứ Sáu, 20/03/2020 (GMT+7)

Thường khi cho trẻ uống thuốc, cha mẹ hay bẻ nhỏ thuốc hoặc cà nhuyễn. Xin bác sĩ cho biết, làm như vậy có làm giảm hiệu quả của thuốc không?

Nguyễn Trần Như Ngọc

(Mỹ An- Mang Thít)

Trả lời:

Thực tế có nhiều trường hợp khi dùng thuốc viên nén không được phân nhỏ hoặc mở viên nang chỉ để lấy bột,... đem sử dụng. Làm như vậy, không chỉ làm giảm chất lượng điều trị mà còn có thể gây tai biến do thuốc. Sau đây là một số dạng thuốc cần uống nguyên vẹn hoặc giữ nguyên dạng viên cho đến khi xử lý đặc biệt trong sử dụng.

Thuốc bao tan ở ruột: Giúp thuốc không tan rã ở dạ dày mà chỉ tan rã ở đầu ruột non và phóng thích được chất ở ruột. Mục đích của thuốc là ngăn ngừa dược chất phóng thích ở dạ dày gây hại cho niêm mạc dạ dày; ngăn ngừa dược chất bị hủy hoại bởi axít dịch vị.

Như vậy, cần uống nguyên vẹn cả viên thuốc không được bẻ nhỏ, kể cả nhai, ngậm.

Thuốc phóng thích dược phẩm kéo dài: Đây là dạng thuốc có bao một lớp màng mỏng đặc biệt sẽ phóng thích dược chất trong suốt thời gian di chuyển trong ống tiêu hóa để cho tác dụng kéo dài (phóng thích dược chất suốt 12 hoặc 24 giờ). Đặc biệt dạng thuốc này chứa liều cao hơn dạng thuốc thông thường nên phải dùng đúng số viên, số lần trong ngày theo chỉ định. Không được nhai, bẻ nhỏ hoặc mở viên nang.

Thuốc ngậm dưới lưỡi: Thuốc này không được nghiền, bẻ nhỏ mà phải giữ nguyên vẹn để đặt dưới lưỡi và ngậm cho tan bởi nếu bẻ nhỏ, nghiền nát sẽ phá vỡ và làm hỏng dạng thuốc.

Dạng thuốc sủi bọt: Đây là dạng thuốc phải giữ nguyên viên, thậm chí phải bảo quản thật tốt, tránh hút ẩm. Không được bẻ nhỏ hoặc bỏ nguyên viên vào miệng uống.

Chứa dưỡng chất rất đắng hoặc gây hại khi tiếp xúc: Phải uống nguyên vẹn viên, nếu bẻ nhỏ, nghiền nát, bệnh nhân sẽ không chịu được vị đắng khó chịu của dược chất. Một số thuốc nếu cà nhuyễn hoặc mở viên nang bột thuốc sẽ phân tán, tiếp xúc với da hoặc niêm mạc gây kích ứng, gây ngứa ở da.

BS Phan Gia Hoàng

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)