Chế độ ăn uống để phòng ngừa bệnh nhồi máu cơ tim

Cập nhật, 09:37, Thứ Sáu, 07/06/2019 (GMT+7)

Xin bác sĩ cho biết, chế độ ăn uống như thế nào để phòng ngừa nhồi máu cơ tim?

Trần Minh Tuấn

(Tân Mỹ - Trà Ôn)

Trả lời:

Để phòng ngừa nhồi máu cơ tim, nên chọn dùng các loại chất béo không bão hòa đơn và axit béo omega-3 có trong dầu mè, dầu nành, dầu ô liu, dầu hạt cải, quả bơ, hạt óc chó, hạt hạnh nhân… và trong các loại cá béo như cá hồi, cá mồi, cá trích… giúp giảm lượng triglycerides trong máu, ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim.

Chọn dùng các loại lương thực còn lớp vỏ lụa như gạo lứt, gạo không chà quá trắng, ngũ cốc còn nguyên cám, yến mạch, bánh mì đen, các loại đậu sẽ giúp giảm lượng cholesterol đưa vào cơ thể.

Dùng nhiều rau xanh vừa cung cấp cho cơ thể các chất chống oxy hóa (vitamin C, beta-carotene…), vừa nhận đủ chất xơ có vai trò đào thải cholesterol dư thừa trong bữa ăn.

Sữa tách bớt chất béo, sữa chua, các loại trái cây tươi ít năng lượng (dưa hấu, lê, táo, thanh long…) hoặc nước trái cây không thêm đường là các món ưu tiên chọn dùng cho bữa phụ, cũng có thể dùng một ít hạt không tẩm muối.

Thực phẩm cần tránh là các loại bánh ngọt, nước ngọt, nước trái cây có đường, sinh tố có thêm đường hoặc sữa đặc có đường, các món chiên ngập dầu, bơ, kem, sữa nguyên kem và phô mai.

Hạn chế tối đa các món thịt nguội, thịt hộp và không ăn nhiều hơn 50g thịt đỏ mỗi ngày; loại bỏ phần da gà, da, mỡ heo, nội tạng động vật trong khẩu phần ăn; giảm ăn mặn.

Ngoài ra, cùng với chế độ ăn hợp lý cần phải vận động thể lực ít nhất 30 phút mỗi ngày, ít nhất 5 ngày trong tuần; duy trì cân nặng hợp lý; không hút thuốc lá; hạn chế rượu, bia; kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý liên quan đến cơn nhồi máu cơ tim như tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường…

BS Phan Gia Hoàng

(Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Vĩnh Long)