Nhận biết và phòng bệnh viêm hô hấp trên cho trẻ

Cập nhật, 14:21, Thứ Sáu, 15/09/2017 (GMT+7)

 

Khi thời tiết thay đổi, trẻ nhỏ dễ bị ho, sổ mũi, khò khè...

Trẻ nhỏ dễ mẫn cảm với sự thay đổi của thời tiết và mắc các bệnh đường hô hấp trên.


Khi thời tiết thay đổi, trẻ nhỏ dễ bị ho, sổ mũi, khò khè... Tuy phổ biến nhưng là bệnh lành tính, song các phụ huynh cần hiểu rõ căn bệnh này và có cách chăm sóc, phòng ngừa bệnh khoa học và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe trẻ.

Bệnh xảy ra quanh năm đối với trẻ

Viêm hô hấp cấp là căn bệnh có thể xảy ra quanh năm ở trẻ nhỏ với biểu hiện thông thường nhất là sốt, ho, sổ mũi, đau họng làm cho trẻ bỏ bú, biếng ăn và bệnh thường hay tái đi tái lại. Nguyên nhân đa số bệnh là nhiễm siêu vi.

Có mặt tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long) vào đầu tháng 9, thấy có khá đông trẻ em nằm viện để điều trị bệnh do nhiễm siêu vi như hô hấp, tiêu chảy.

Theo các bác sĩ, độ tuổi trẻ bị bệnh nhiều nhất là từ sơ sinh đến dưới 5 tuổi. Trẻ càng nhỏ càng dễ bị các bệnh này, ngoại trừ trong 6 tháng đầu đời, khi trẻ vẫn còn kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang trong thai kỳ và khi đa số trẻ vẫn còn được hưởng miễn dịch từ sữa mẹ.

Tính trung bình, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi bị khoảng 6-12 lần viêm đường hô hấp trên một năm.

Nếu ở độ tuổi này đi mẫu giáo, không ít trẻ có thể bị tới 14 lần. Đây là độ tuổi mà sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện, chưa dễ dàng thích nghi với diễn biến thất thường của thời tiết.

Bé Lý Bảo An (3 tuổi, xã Hiếu Nhơn- Vũng Liêm) bị sốt do viêm hô hấp nhập viện 2 ngày ngồi ngoan cho bác sĩ thăm khám bệnh.

Mẹ bé- chị Trần Thị Phương- cho biết: “Con bị sốt 3 ngày, ho khò khè uống thuốc ở trạm y tế xã không hết. Tui đưa bé lên đây khám rồi nhập viện luôn”.

Nằm chung giường bệnh với bé An là bé Yến Vy (8 tháng tuổi) bị sốt ho, được chẩn đoán viêm hô hấp. Xoa xoa bàn tay bé xíu của con, chị Ngọc Yến (Phường 8- TP Vĩnh Long) thở dài: “Sổ mũi miết hà, con bệnh có mấy bữa mà “sò” luôn”.

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Thị Thu Hương- Trưởng Khoa Nhi: Hiện nay, do thời tiết nắng nóng thất thường kèm theo mưa, tạo điều kiện cho những bệnh lây truyền như tiêu hóa, viêm hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết gia tăng.

Đối tượng thường gặp là trẻ nhỏ, nhất là các trẻ đi mẫu giáo tiếp xúc với môi trường tập thể thì bệnh lây lan rất nhanh. Trẻ hắt hơi, ho mà không biết che miệng, nước bọt văng ra dính vô đồ chơi mà trẻ thường dùng tay tiếp xúc hay trẻ đưa tay quẹt mũi mà không được rửa, tay bị dính siêu vi.

Sau đó, trẻ vô tình đưa tay lên miệng, dụi mắt hay ngoáy mũi thì sẽ đưa siêu vi vào người và nhiễm bệnh.

Tính trung bình, trẻ nhỏ dưới 2 tuổi bị khoảng 6-12 lần viêm đường hô hấp trên một năm. Nếu ở độ tuổi này đi mẫu giáo, không ít trẻ có thể bị tới 14 lần.

 

Đây là độ tuổi mà sức đề kháng của trẻ chưa hoàn thiện, chưa dễ dàng thích nghi với diễn biến thất thường của thời tiết.

 

Các cách phòng bệnh

Tuy các bệnh do nhiễm siêu vi là bệnh nhẹ, không gây nguy hiểm hay ảnh hưởng sức khỏe cho trẻ.

Song cũng khiến không ít phụ huynh lại lo. Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Trí Đoàn- Giám đốc Y khoa Hệ thống Phòng khám Quốc tế Victoria Healthcare (TP Hồ Chí Minh) cho biết, theo thống kê có đến 99% trẻ bị bệnh do nhiễm siêu vi.

Còn một số rất ít bệnh do vi khuẩn gây ra có triệu chứng chảy mũi sẽ kéo dài, biểu hiện bệnh nặng hơn và kèm nhiều triệu chứng khác như đau người, sốt, đừ. Nếu trẻ bị viêm hô hấp do siêu vi sẽ tự khỏi sau 2 tuần.

Song, nếu trẻ bị viêm hô hấp do vi khuẩn, thì cần dùng kháng sinh điều trị. Do vậy, ba mẹ cần theo dõi sát diễn tiến của bệnh, để phát hiện bội nhiễm vi khuẩn thứ phát nếu có, để điều trị kịp thời.

Giai đoạn đầu của đợt cảm trẻ sẽ ho khan. Sau 4-5 ngày, hệ thống niêm mạc trong đường thở, trong cổ họng, phế quản... sẽ tiết ra những chất nhầy đờm để tiêu diệt siêu vi và cường độ ho sẽ tăng rất nhiều.

Theo bác sĩ Trí Đoàn, để làm giảm cơn ho cho trẻ, nên khuyến khích trẻ uống nhiều nước; trẻ 2 tuổi trở lên thì có thể dùng mật ong để giảm các triệu chứng ho. Giảm nghẹt mũi nên dùng dụng cụ hút mũi cho trẻ, dùng nước muối sinh lý hoặc dùng chai xịt chứa nước biển sâu để nhỏ mũi.

Sốt cao hay sốt thấp không nói lên tình trạng bệnh nặng hay nhẹ mà hành vi cư xử của trẻ mới thể hiện ra bệnh nặng hay nhẹ.

Trẻ sốt cao nhưng có những biểu hiện như có chơi, lanh lợi thì không xem là nặng; trẻ có thể ỉu xìu, bỏ ăn nhưng vẫn uống nước được thì vẫn chưa gọi là đừ, ba mẹ nên khuyến khích trẻ uống nước và mặc đồ mát. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu con sốt trên 38,5 độ. Uống xong, trẻ hạ sốt, chơi bình thường là có thể yên tâm.

Mặc dù tỷ lệ trẻ mắc bệnh do vi khuẩn là rất thấp song vẫn có những trường hợp trẻ bị biến chứng nhanh. Do đó, phụ huynh cần theo dõi và đưa con đi khám ngay khi thấy con đừ, thở mệt hay sốt trên 38,5 độ...

 

Một số biện pháp phòng ngừa:

- Tránh để trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi.

- Rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ; rửa tay thường xuyên cho trẻ.

- Tránh hôn hít trẻ.

- Giữ cho môi trường sống của trẻ trong lành, tránh khói bếp, khói thuốc lá.

  • Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- MINH THÁI