Xử trí tốt nhiều ca chấn thương chỉnh hình phức tạp

Cập nhật, 14:00, Thứ Sáu, 25/08/2017 (GMT+7)

Gãy xương chân, tay do tai nạn giao thông, tai nạn lao động, đến biến chứng do tai nạn giao thông rồi đắp thuốc Nam làm lệch cơ, xương... phải được bệnh viện phẫu thuật sắp xương, cơ lại. 

Mới đây, một bệnh nhân nữ là cán bộ y tế hưu trí bị tai nạn giập nát cơ, gãy xương được bệnh viện can thiệp đặt khung, điều trị đưa cẳng chân về tình trạng bình thường.

Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long điều trị chấn thương chỉnh hình trường hợp gãy cẳng chân, giập nát cơ của bệnh nhân.
Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long điều trị chấn thương chỉnh hình trường hợp gãy cẳng chân, giập nát cơ của bệnh nhân.

Tại Bệnh viện Đa khoa TP Vĩnh Long và nay là Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, lĩnh vực chấn thương chỉnh hình thời gian qua được triển khai nhiều do các tai nạn trên chuyển đến rất đa dạng.

Bệnh nhân Lê Thị Kim Hồng (cán bộ hưu trí ngành y tế) bị tai nạn giao thông chuyển đến Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long hôm 17/8 vừa qua, được bác sĩ chẩn đoán: gãy hở độ 3 xương chày/mác trái, giập nát cơ cẳng chân trái, đánh giá rất nặng...

Tiến hành phẫu thuật, trực tiếp là bác sĩ Đoàn Văn Hùng- Giám đốc Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long và ê kíp phẫu thuật cắt lọc cơ giập, dẫn lưu ổ gãy, đặt khung cố định ngoài cho cẳng chân bệnh nhân...

Theo Điều dưỡng trưởng Phạm Võ Hoàng Thương (Khoa Ngoại tổng quát), đây là trường hợp chấn thương chỉnh hình với vết thương gãy hở, can thiệp cố định khung ngoài.

Khác các ca tai nạn tương tự, tùy mức độ và tình huống, bác sĩ sẽ cố định đinh, nẹp trong xương bệnh nhân.

Theo điều dưỡng viên Trần Quốc Thành tại Khoa Ngoại, chăm sóc hậu phẫu cho ca bệnh như vậy phải kỹ càng hơn, tránh nhiễm trùng khung cố định vào tay/chân, hạn chế nhiễm trùng có thể lây vào vết thương. Tiếp xúc tại bệnh viện, bệnh nhân Lê Thị Kim Hồng đã ổn, cử động được nhẹ cẳng chân bị tai nạn. Hiện bệnh nhân được tiếp tục theo dõi, điều trị hồi phục.

Trước đó, đầu tháng 6 năm nay, Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long đã can thiệp sắp lại xương, nắn cơ cho một nam bệnh nhân 31 tuổi ở xã An Khánh (huyện Châu Thành- Đồng Tháp).

Bệnh nhân này bị tai nạn giao thông nhưng thay vì đến bệnh viện có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình điều trị, thì chỉ để nằm nhà đắp thuốc theo chỉ dẫn dân gian.

Kết quả mấy tháng sau vẫn còn đau nhức, ngồi xe lăn, nên đến Bệnh viện TP Vĩnh Long can thiệp. Sau hơn 2 tuần, bệnh nhân xuất viện với tình trạng ổn định.

Theo bác sĩ Đoàn Văn Hùng, phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là 3 kỹ thuật y tế cao mà bệnh viện thực hiện các năm qua với hàng ngàn bệnh nhân được phục vụ.

3 kỹ thuật trên là kỹ thuật y tế vượt tuyến huyện, thuộc bệnh viện tuyến tỉnh (hạng II) mà đơn vị (hạng III) đã làm được tính đến nay.

Cụ thể với nhiều trường hợp phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, bệnh viện đã cải tiến quy trình duyệt mổ nhanh chóng, giúp các ca gãy xương không phải chờ lâu và rút ngắn thời gian nằm viện.

Theo Phòng Kế hoạch- Tổng hợp thuộc Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long, từ tháng 1-7 năm nay, bệnh viện tiếp nhận trên 2.100 trường hợp các loại tai nạn thương tích.

Trong đó, tai nạn giao thông chiếm đa số (976 ca), kế đến là tai nạn sinh hoạt (647 ca), tai nạn lao động (118 ca), rồi chém- đánh- đâm (79 ca)... Phần đông trong đó liên quan đến can thiệp, điều trị chấn thương chỉnh hình, nhất là tai nạn giao thông.

Qua các vụ việc trên, bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân nên được đưa đến bệnh viện nhanh chóng để đánh giá tình hình và can thiệp. Trong đa số ca tai nạn giao thông, thương tích gây gãy xương, bệnh nhân nên được sơ cứu cầm máu, băng ép rồi đưa đến bệnh viện.

Bệnh nhân không nên tự ý điều trị bằng đắp thuốc, đắp lá theo truyền miệng. Bởi có thể gây nguy cơ biến chứng, tình trạng phức tạp, điều trị khó khăn hơn.

Phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình là 3 kỹ thuật y tế cao mà bệnh viện thành phố thực hiện các năm qua với hàng ngàn bệnh nhân. 3 kỹ thuật trên là kỹ thuật y tế vượt tuyến huyện, thuộc bệnh viện tuyến tỉnh (hạng II) mà đơn vị (hạng III) đã làm được.


Bài, ảnh: MINH THÁI