Phòng rủi ro đau bệnh, nên tham gia BHYT

Cập nhật, 05:27, Thứ Ba, 22/08/2017 (GMT+7)

Bài, ảnh: MINH THÁI

Theo Thông tư 02 (ngày 15/3/2017) của Bộ Y tế, từ ngày 1/6/2017 các cơ sở y tế công lập chính thức áp dụng giá viện phí mới cho trên 1.900 dịch vụ y tế đối với nhóm đối tượng không có thẻ BHYT. Như vậy, lỡ ốm đau bệnh tật, đối tượng này sẽ khó khăn hơn khi phải trả 100% chi phí dịch vụ y tế.

Bệnh nhân có BHYT “dễ thở” hơn khi lỡ đau bệnh vào bệnh viện với chi phí điều trị cao.
Bệnh nhân có BHYT “dễ thở” hơn khi lỡ đau bệnh vào bệnh viện với chi phí điều trị cao.

Rủi ro đau bệnh, tốn kém khi không có BHYT

Ông Nguyễn Hoàng Minh (51 tuổi, xã Phước Hậu- Long Hồ) bị tai nạn thương tích vỡ gan và một số chấn thương về xương được chuyển vào bệnh viện tỉnh hôm 3/8/2017. Qua phẫu thuật và điều trị, hơn 2 tuần sau, ông mới tạm ổn, tuy nhiên vẫn ở bệnh viện theo dõi.

Gia đình đã ứng trước với bệnh viện hơn 30 triệu đồng, đến nay tiền thuốc men điều trị đã tròm trèm số đó, chưa tính tiền giường bệnh và các chi phí lặt vặt khác.

Ông Minh lại không có tham gia BHYT. Bà Hồ Thị Út- vợ ông Minh- nói: “Lúc trước, tôi đòi mua BHYT cho ông ấy nhưng ổng không chịu”, rồi bà kể nguyên cớ xui rủi tai nạn mà ông nhà phải vô bệnh viện và gia đình bà Út phải xuất tiền túi chi trả một khoản lớn viện phí.

Điều dưỡng trưởng Khoa Ngoại tổng quát Nguyễn Minh Hiền cho biết, ca ông Minh là trường hợp nặng, tốn chi phí điều trị cao. Nếu có BHYT, tạm tính với các thủ thuật, thuốc men điều trị thời gian trên, ông chỉ tốn khoảng 6 triệu trong mức 30 triệu đồng tạm ứng.

Quả thật, các trường hợp có BHYT sẽ “dễ thở” hơn khi đến bệnh viện. Bệnh nhân Nguyễn Văn Hoàng (52 tuổi, xã Tân Hưng, huyện Cái Bè- Tiền Giang) điều trị viêm tụy cấp tại Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long từ 13/8.

Đến hôm 18/8 xuất viện, tổng chi phí đợt điều trị là hơn 10 triệu đồng. Theo thông tin bảng chi phí khám chữa bệnh, số tiền quỹ BHYT thanh toán bằng với tổng chi phí điều trị trên. Tức bệnh nhân không phải trả đồng nào.

Bà Út- vợ ông Minh- nói “oải” khi phải tốn khoản viện phí khá lớn cho cả đợt điều trị dài ngày nói trên.
Bà Út- vợ ông Minh- nói “oải” khi phải tốn khoản viện phí khá lớn cho cả đợt điều trị dài ngày nói trên.

Bệnh nhân Lê Văn Bé Hai (64 tuổi, Phường 8- TP Vĩnh Long) điều trị tại bệnh viện tỉnh theo chẩn đoán bệnh gan từ 14/8 và 5 ngày sau đó xuất viện thì tổng chi phí gần 1,8 triệu đồng. Có BHYT, bệnh nhân chỉ chi trả khoảng 400.000đ, còn lại quỹ BHYT thanh toán.

Trao đổi với bác sĩ, điều dưỡng, hầu hết đều nói khi bệnh nhân đến bệnh viện sẽ được tiếp nhận thông tin có BHYT hay không, và sẽ khuyên họ nên tham gia nếu chưa có BHYT, phòng rủi ro bệnh tật, chi phí tốn kém.

Theo điều dưỡng Nguyễn Minh Hiền, trường hợp ông Minh sau xuất viện sẽ tái thăm khám và cũng sẽ tốn kém. Khi đó nếu đã có BHYT thì đỡ phần nào chi phí tái khám,
thuốc men.

 

Áp mức giá theo Thông tư 02, lỡ rủi ro ốm đau bệnh tật nhóm đối tượng không có BHYT sẽ gặp khó khăn, khi mức giá nhiều dịch vụ y tế sẽ tăng 2- 3 lần so giá cũ và sẽ do người bệnh chi trả 100%.

Nên tham gia BHYT trước khi áp viện phí mới

Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, hiện nay các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh đã áp dụng Thông tư liên tịch 37/2015/TTLT-BYT-BTC của Bộ Y tế- Bộ Tài chính quy định thống nhất giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và đã có cơ cấu chi phí trực tiếp và chi phí lương vào dịch vụ khám chữa bệnh.

Còn với Thông tư 02 của Bộ Y tế quy định mức tối đa khung giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán BHYT tại các cơ sở y tế nhà nước.

Theo BHXH tỉnh Vĩnh Long, bao phủ BHYT toàn dân tỉnh hiện đạt hơn 73%. Nhóm đối tượng chưa có thẻ BHYT đa số thuộc hộ trong diện không bắt buộc mua thẻ BHYT hoặc chưa thấy hết quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Đây là đối tượng sẽ bị tác động khi áp dụng thông tư này.

Hầu hết bệnh viện công lập đều nêu yêu cầu này với người dân khi đến khám chữa bệnh, nhằm đảm bảo quyền lợi tham gia BHYT của họ.
Hầu hết bệnh viện công lập đều nêu yêu cầu này với người dân khi đến khám chữa bệnh, nhằm đảm bảo quyền lợi tham gia BHYT của họ.

Được biết, hiện nhiều cơ sở khám chữa bệnh tuyến trung ương, tuyến cuối ở các tỉnh- thành lớn đã bắt đầu áp dụng Thông tư 02, tức đã áp giá tăng hơn 1.900 dịch vụ y tế với bệnh nhân không có BHYT.

Theo Sở Y tế Vĩnh Long, Thông tư 02 sẽ được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc và kết cấu chi phí trong giá dịch vụ khám chữa bệnh theo Thông tư 37, nhằm đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt trong thanh toán giá dịch vụ khám chữa bệnh giữa 2 đối tượng BHYT và không có BHYT. Tỉnh Vĩnh Long sẽ triển khai thông tư mới này dự kiến vào tháng 12/2017.

Trước khi giá hàng loạt dịch vụ y tế sẽ áp dụng tăng đối với đối tượng không có BHYT, thì đối tượng này nên ý thức được rằng nên tham gia BHYT. Mục tiêu trước tiên là chia sẻ cộng đồng. Sau đó là lỡ rủi ro đau bệnh, điều trị cũng không phải mất nhiều tiền hơn so không tham gia BHYT.

Bạn cần biết?

 

Tôi muốn tham gia BHXH tự nguyện. Vậy mức đóng, hình thức đóng và chế độ được hưởng như thế nào?

 

N.V.V. (TP Vĩnh Long)

 

BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức thực hiện. Người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH. Theo đó, điều kiện là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên; không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc (không giới hạn tuổi trần).

 

Mức đóng của người tham gia BHXH tự nguyện hàng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ (thời điểm tháng 9/2016 là 700.000 đ/tháng theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều cho giai đoạn 2016- 2020) và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

 

Cụ thể, mức thấp nhất là 700.000đ x 22% = 154.000 đ/tháng; mức cao nhất là 24.200.000đ x 22% = 5.324.000 đ/tháng. Phương thức đóng là hàng tháng, 3 tháng, 6 tháng, 12 tháng, đóng 1 lần cho nhiều năm (không quá 5 năm). Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Mức lương hưu hàng tháng được tính bằng tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng nhân với mức bình quân thu nhập tháng đóng BHXH.

BT