Từ xử trí ca vỡ gan, nói về chuyển tuyến

Cập nhật, 15:44, Thứ Sáu, 11/08/2017 (GMT+7)

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long vừa tiếp nhận mổ cấp cứu khẩn cấp, cứu sống trường hợp vỡ gan, mất nhiều máu và điều trị hậu phẫu sau đó mà không phải chuyển lên bệnh viện tuyến trên.

Nhân viên điều dưỡng Khoa Ngoại tổng quát chăm sóc bệnh nhân bị vỡ gan phức tạp sau phẫu thuật.
Nhân viên điều dưỡng Khoa Ngoại tổng quát chăm sóc bệnh nhân bị vỡ gan phức tạp sau phẫu thuật.

Bệnh nhân Nguyễn Hoàng Minh (51 tuổi, ngụ xã Phước Hậu- Long Hồ) đi xe máy bị tai nạn giao thông. Chuyển BVĐK tỉnh hôm 3/8, bệnh nhân trong tình trạng chấn thương nặng: sốc mất máu do vỡ gan, vỡ mạch máu trong gan...

Ghi nhận của Khoa Ngoại tổng quát, bệnh nhân còn bị gãy kín xương sườn và xương đòn, đa chấn thương.

Bác sĩ Trần Văn Nhiều- Trưởng Khoa Ngoại tổng quát cho biết, ê kíp khoa đã tiến hành phẫu thuật ngay, khâu gan cầm máu, vá lại mạch máu rách trong gan. “Trường hợp này vào cấp cứu đã choáng mất máu cấp, không có khả năng và thời gian chuyển tuyến trên. Nếu người nhà không lường được, để phải chuyển bệnh nhân đi thì vết thương sẽ chảy máu rất nhiều và khả năng tử vong trên đường chuyển viện”- bác sĩ Trần Văn Nhiều nói.

Bác sĩ Trần Văn Nhiều thông tin thêm thời gian qua, khoa đã phối hợp can thiệp cứu sống nhiều trường hợp thủng phổi, vỡ gan hay vết thương tim,... phức tạp do tai nạn giao thông hay tai nạn thương tích gây ra.

Vẫn theo bác sĩ Trần Văn Nhiều, cũng có trường hợp sau can thiệp phẫu thuật, người nhà bệnh nhân do vẫn còn tâm lý lo lắng nên xin chuyển người thân mình lên tuyến trên.

Trong trường hợp nếu chuyển lên tuyến trên, thì bệnh viện tuyến trên cũng sẽ theo dõi và hồi sức hậu phẫu. Trong khi tại BVĐK tỉnh, đội ngũ y bác sĩ ngoại khoa vẫn xử trí được các quy trình trên, đem lại sự ổn định cho bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bạch Yến- Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, trường hợp cấp cứu và phẫu thuật cứu sống ca vỡ gan nói trên là bước chuyển biến trong xử trí các trường hợp bệnh phức tạp thời gian qua.

Điểm đáng nói ở đây là bệnh viện đã huy động kịp thời từ cấp cứu, hồi sức, phẫu thuật bệnh nhân bị thương tích nặng. Trong đó có việc được chia sẻ kinh nghiệm từ phản hồi của bệnh viện tuyến trên sau giai đoạn cấp cứu, phẫu thuật và hậu phẫu để giải quyết tình trạng bệnh cho bệnh nhân.

Từ trường hợp trên, bác sĩ cho rằng vấn đề ở chỗ: thời gian, khả năng sống còn của bệnh nhân khi chuyển viện. Điều này liên hệ mật thiết với tâm lý người nhà khi người thân mình bị thương tích và tai nạn nghiêm trọng, là đa phần muốn chuyển đi lên tuyến trên để “yên tâm” hơn.

BVĐK tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2016-2020 sẽ là BV vệ tinh của các BV trung ương và tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh tương ứng từng lĩnh vực, gồm có: Thống Nhất (tim mạch- lão khoa), Từ Dũ (sản- phụ khoa), Chợ Rẫy (ngoại chấn thương), Nhi đồng 1 (nhi khoa). Sẽ có nhiều kỹ thuật y tế được các bệnh viện này chuyển giao và BVĐK tỉnh tiếp nhận.

Có thể nói, hiện BVĐK tỉnh bước đầu đã triển khai các kỹ thuật cao giúp bệnh nhân tại chỗ, giúp giảm áp lực tuyến trên, giảm chi phí di chuyển và điều trị cho bệnh nhân.

  • Bài, ảnh: MINH THÁI