Y tế Vĩnh Long: Phát triển và những nỗi lo

Cập nhật, 15:47, Thứ Tư, 10/05/2017 (GMT+7)

Phát triển hài hòa y tế công, tư luôn là vấn đề quan trọng được đặt ra trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thời gian qua, điểm lại đã thấy bên cạnh y tế công đang ngày một chuyển mình và y tế tư cũng đã bắt đầu định hình và phát triển.

Để đa dạng hóa công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tốt hơn, đã đang có những vấn đề đặt ra trong tiến trình ấy để sao thêm hài hòa cho sự phát triển “song hành” giữa y tế công và y tế tư; vấn đào tạo, thu hút và ổn định nguồn nhân lực; đầu tư trang thiết bị y tế kỹ thuật cao...

Kỳ 1: Mạng lưới cơ sở điều trị từng bước chuyển mình

Mạng lưới y tế công lập của tỉnh đã và đang ngày càng phát triển. Đánh dấu bằng hệ thống chăm sóc điều trị từ tỉnh đến cơ sở không ngừng được củng cố từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, con người... trong những năm qua.

Y tế cơ sở ngày một hoàn thiện, y tế kỹ thuật cao và chuyên sâu đang dần mở ra đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Ảnh 1:Ký kết hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tim mạch giữa Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) với BVĐK tỉnh Vĩnh Long làm vệ tinh.
Ký kết hợp tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật tim mạch giữa Bệnh viện Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh) với BVĐK tỉnh Vĩnh Long làm vệ tinh.

Y tế các tuyến “chuyển mình”

Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Tam Bình một sáng đầu tuần tháng 5 này người dân đến khám bệnh đông nghịt.

Áp dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh, bắt đầu bằng lấy số tự động và hiển thị thông tin lượt khám, phòng khám, rồi vào khám nhập liệu và ra toa trên máy tính... đã giúp đơn giản thủ tục, thời gian chờ đợi của người dân khi đến cơ sở này.

Không chỉ riêng ở Tam Bình, hầu hết các bệnh viện trong 8 BVĐK tuyến huyện và các tuyến trên đều triển khai thực hiện quy trình như vậy.

Thêm nữa, liên thông trong khám chữa bệnh trong hệ thống bệnh viện tuyến huyện toàn quốc “đã làm tăng lượng người đến khám chữa bệnh tại tuyến này đáng kể so trước đây”.

Theo BS.CK II Bùi Thanh Tùng- Phó Giám đốc BVĐK huyện Tam Bình, hiện nay mỗi ngày cơ sở tiếp nhận khoảng 1.000- 1.200 bệnh nhân đến khám ngoại trú.

Điều trị nội trú thường xuyên dao động khoảng 200- 250 bệnh nhân.“Con số như vậy là đông, cao so với bệnh viện các huyện khác trong tỉnh, chỉ sau BVĐK TP Vĩnh Long”- bác sĩ Bùi Thanh Tùng cho biết. Biên chế 200 giường bệnh ban đầu, nay bệnh viện được Sở Y tế chấp thuận biên chế lên 250 giường bệnh để đáp ứng nhu cầu điều trị bệnh nhân.

Tại BVĐK TP Vĩnh Long, hiện mỗi ngày có trên dưới 1.500 lượt bệnh nhân đến khám và điều trị ngoại trú, còn cao điểm có khi lên tới 2.000 lượt bệnh/ngày. Bệnh điều trị nội trú cao điểm có lúc lên 250 bệnh, cao hơn số giường bệnh mà bệnh viện được giao.

Theo số liệu bệnh viện, khoa sản có lúc vừa sinh thường, vừa đẻ mổ trung bình 5-7 ca/ngày, còn cao điểm gấp đôi số đó; phòng mổ phẫu thuật trung phẫu cũng 5-7 ca/ngày, cao điểm 10-12 ca/ngày... do thu hút lượng lớn người dân trong và ngoài tỉnh đến từ Cái Bè (Tiền Giang), Châu Thành (Đồng Tháp), Chợ Lách (Bến Tre) đến khám điều trị.

Theo BS.CK II Đoàn Văn Hùng- Giám đốc BVĐK TP Vĩnh Long, sau 3 năm đi vào hoạt động, đến hôm nay “bệnh viện đã cơ bản đi vào nề nếp, tạo được lòng tin trong nhân dân trong và ngoài tỉnh”.

Với BVĐK tỉnh Vĩnh Long, trong bối cảnh gọi là “Năm y tế” theo tinh thần của Tỉnh ủy Vĩnh Long đặt ra năm nay, đã là một trăn trở cho toàn ngành nói chung và cho cơ sở y tế tuyến cuối của tỉnh phát triển.

Phó Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long- BS.CK II Văn Công Minh- nhìn nhận đó là thời cơ và cũng là áp lực để ngành, để đơn vị chuyển mình.

Chạy thận nhân tạo, một trong số kỹ thuật y tế tuyến trên, nay thực hiện đại trà ở BVĐK TP Vĩnh Long.
Khám chữa bệnh đông đúc ở BVĐK huyện Tam Bình. Thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện đã làm đa dạng sự chọn lựa của người dân khi khám điều trị, mặt khác tăng tính “cạnh tranh” giữa các cơ sở y tế.

Nói về các yếu tố để có thể “chuyển mình” ở  đơn vị, bác sĩ Văn Công Minh cho biết bệnh viện quán triệt sâu sắc và xuyên suốt tinh thần thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ nhân viên y tế đối với bệnh nhân.

‘Thay vì dành sự kính trọng qua lời chào câu nói với cán bộ quản lý, lãnh đạo, thì bộ phận điều dưỡng và nhân viên y tế hãy tăng cường dành điều đó cho bệnh nhân và thân nhân họ”- bác sĩ Văn Công Minh nói nôm na về tinh thần thái độ của nhân viên y tế bên cạnh y đức họ phải thấm nhuần để phục vụ người dân.

Đẩy mạnh phát triển y tế kỹ thuật cao

Theo bác sĩ Bùi Thanh Tùng, đề án nâng cấp bệnh viện từ những năm trước, đơn vị đã được đầu tư khá đồng bộ về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế phục vụ người dân.

“Hiện đơn vị chưa có máy MRI và chưa tổ chức kỹ thuật phẫu thuật nội soi lĩnh vực nội tổng quát, chạy thận nhân tạo, còn lại các kỹ thuật cơ bản và nâng cao khác hầu như bệnh viện đã làm được” - bác sĩ Bùi Thanh Tùng nói và kể kỹ thuật y tế hiện đại đơn vị đã làm thời gian qua có: siêu âm tim, siêu âm mạch máu 3D, 4D; X- quang kỹ thuật số; mổ bắt con lần 2; bó bột; sốc điện để cấp cứu bệnh nhân ngưng tim ngưng thở trước khi chuyển lên tuyến trên;...

Khám chữa bệnh đông đúc ở BVĐK huyện Tam Bình. Thông tuyến khám chữa bệnh tuyến huyện đã làm đa dạng sự chọn lựa của người dân khi khám điều trị, mặt khác tăng tính “cạnh tranh” giữa các cơ sở y tế.
Chạy thận nhân tạo, một trong số kỹ thuật y tế tuyến trên, nay thực hiện đại trà ở BVĐK TP Vĩnh Long.

Bác sĩ Đoàn Văn Hùng cho biết, đơn vị là bệnh viện hạng III (tuyến huyện), nhưng được chuyển giao và chấp thuận triển khai nhiều kỹ thuật y tế vượt tuyến bệnh viện hạng III.

Đến nay 3 năm đi vào hoạt động, cơ sở y tế này đã triển khai thành công 3 lĩnh vực y tế kỹ thuật cao thuộc tuyến trên, là: phẫu thuật nội soi, chạy thận nhân tạo, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình với quy trình duyệt mổ nhanh chóng trong ngày.

Hơn 1.000 ca phẫu thuật nội soi (ruột thừa, cắt túi mật, cắt túi thừa manh tràng, khâu lỗ thủng dạ dày, cắt u nang buồng trứng, mổ thai ngoài tử cung vỡ qua nội soi,...), hơn 20.000 lượt bệnh nhân được chạy thận nhân tạo và nhiều lượt bệnh nhân được phẫu thuật chấn thương chỉnh hình... là 3 điểm nhấn kỹ thuật cao mà BVĐK TP Vĩnh Long đã làm cho bệnh nhân trong thời gian qua.

“Đến nay có thể nói đó là các kỹ thuật y tế tuyến trên mà cơ sở y tế tuyến huyện như BVĐK TP Vĩnh Long triển khai được và bệnh viện hạng III duy nhất tỉnh triển khai được đến thời điểm này trong tỉnh” - bác sĩ Đoàn Văn Hùng nói trong một bài tham luận.

Ở góc độ chuyên môn, đến nay cơ sở y tế tuyến cuối của tỉnh đã triển khai có hiệu quả kỹ thuật chuyên khoa sâu lâm sàng và cận lâm sàng như: định lượng kép kháng nguyên, kháng thể vi rút bằng phương pháp miễn dịch tự động, phẫu thuật đặt Catheter ổ bụng để lọc màng bụng chu kỳ, quản lý bệnh hen trẻ em,... giúp đa dạng chăm sóc y tế kỹ thuật cao cho bệnh nhân và góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối.

Bên cạnh đó là Đề án Bệnh viện vệ tinh. Theo quyết định phê duyệt của tỉnh, BVĐK tỉnh Vĩnh Long sẽ làm cơ sở vệ tinh cho 4 bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối tại TP Hồ Chí Minh, tương ứng với từng lĩnh vực: Chợ Rẫy (ngoại chấn thương), Từ Dũ (sản khoa), Thống Nhất (tim mạch), Nhi đồng 1 (nhi khoa).Và dự kiến nguồn kinh phí đối ứng địa phương hơn 33 tỷ đồng để triển khai thực hiện đề án này.

Y tế công lập đã và đang thể hiện những bước chuyển mình. Tuy nhiên, trong quá trình vận động phát triển đó, cùng với công tác xã hội hóa y tế phát triển song hành như một yêu cầu cơ yếu, thì cũng có những vấn đề khó khăn đặt ra cho toàn ngành sắp tới, trong đó “nóng” khi y tế công đang “khát” nguồn nhân lực, thì đã bắt đầu xuất hiện vấn đề “chảy máu chất xám” khi một số bệnh viện tư chuẩn bị đi vào hoạt động.

Kỳ 2: “Nóng”  nguồn nhân lực 

Bài, ảnh: MINH THÁI- NGỌC TRẢNG