Thêm cơ hội cho người bệnh thận mãn

Cập nhật, 13:04, Thứ Sáu, 05/05/2017 (GMT+7)

Với 70 máy chạy thận hiện có, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) TP Vĩnh Long là cơ sở y tế có số máy móc chuyên dụng phục vụ bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính về thận nhiều nhất so với bệnh viện các tuyến ở ĐBCSL.

Toàn tỉnh có trên 700 bệnh nhân mắc các bệnh về thận cần chạy thận nhân tạo và nhiều nhu cầu trong số này sẽ được đáp ứng.
Toàn tỉnh có trên 700 bệnh nhân mắc các bệnh về thận cần chạy thận nhân tạo và nhiều nhu cầu trong số này sẽ được đáp ứng.

Ngoài 20 máy đã được đầu tư hỗ trợ trước đó, 50 máy mới vừa đưa vào hoạt động hồi cuối tháng 4 qua với kinh phí từ nguồn ngân sách tỉnh (20 máy) và tài trợ của Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long (30 máy) cùng hệ thống xử lý nước.

Theo ước tính của ngành y tế tỉnh, khoảng 700 bệnh nhân trong tỉnh mắc các bệnh mãn tính về thận có nhu cầu chạy thận nhân tạo.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền- Phó Giám đốc BVĐK TP Vĩnh Long- cho biết, bộ phận thận nhân tạo trực thuộc Khoa Cấp cứu- Hồi sức tích cực và chống độc chính thức hoạt động ngày 29/10/2014 với quy mô 20 máy Dialog+.

Với cơ số đó, bệnh viện tổ chức lọc thận 2 ca/ngày hiện cho 98 bệnh nhân suy thận mãn ở Vĩnh Long và các tỉnh lân cận. Tính từ khi đưa vào hoạt động hệ thống 20 máy trên, bộ phận thận nhân tạo đã lọc được cho 20.975 lượt bệnh nhân.

Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền, hiện đơn vị đã và đang đưa vào vận hành được 55 máy trong số 70 máy được đầu tư.

“Từ từ đơn vị sẽ tổ chức xét hồ sơ của bệnh nhân để khai thác hết hệ thống máy lọc thận. Hiện có hàng trăm hồ sơ có nhu cầu chạy thận nhân tạo, bệnh viện sẽ xét theo quy trình trong đó ưu tiên cho người nghèo, hoàn cảnh khó khăn”- bác sĩ Nguyễn Thanh Truyền thông tin.

Được biết, mỗi ngày đơn vị sẽ lọc thận cho hơn 100 bệnh nhân trong 2 ca lọc. Còn chia theo thứ 2-4-6 và 3-5-7, mỗi bệnh nhân sẽ có 3 lượt lọc thận trong tuần với hàng trăm lượt tính trên tổng số bệnh nhân đã được duyệt.

Theo bác sĩ Đoàn Văn Hùng- Giám đốc BVĐK TP Vĩnh Long, hệ thống máy lọc thận nhân tạo đến nay đã giải quyết cơ bản nhu cầu lọc thận của bệnh nhân.

Đơn vị sẽ tiếp tục triển khai hiệu quả toàn bộ hệ thống máy chạy thận nhân tạo hiện có để phục vụ tốt nhu cầu bệnh nhân.

Bên cạnh đó là thu thêm bệnh nhân; phối hợp đào tạo nâng cao chuyên môn, kỹ năng của cán bộ, nhân viên y tế khu thận nhân tạo; khai thác các kỹ thuật mới trong lọc thận nhân tạo...

Ông Nguyễn Văn Ràng- người nhà một bệnh nhân đang chạy thận- nói vợ ông lúc trước chạy thận ở TP Hồ Chí Minh, nay chuyển về BVĐK TP Vĩnh Long chạy thận và “được vậy rất mừng, vì gần nhà, tiết kiệm nhiều chi phí”.

“Chúng tôi mong bệnh viện tiếp tục phát triển thêm hoạt động này để giúp nhiều bệnh nhân tương tự nhà tôi”- ông Ràng nhắn gửi.

Giám đốc Sở Y tế cho hay, ngành rất phấn khởi vì yêu cầu cần thiết phải có hệ thống máy lọc thận nhân tạo và đã được đầu tư, trang bị từ ngân sách và từ xã hội hóa công tác y tế như hôm nay tại BVĐK TP Vĩnh Long. Đó cũng là phát triển y tế kỹ thuật cao, trong đó có chạy thận nhân tạo, ở bệnh viện hạng III (tuyến huyện).

“Giảm thời gian khi phải đi điều trị ở tuyến trên, đỡ tốn kém chi phí, bệnh nhân được đảm bảo sức khỏe hơn khi không phải đi xa, người nhà gần gũi chăm sóc bệnh nhân tốt hơn.

Chạy thận nhân tạo cũng giúp giảm tải y tế tuyến trên...”- bác sĩ Trần Văn Út nhắc lần nữa về lợi ích hoạt động y tế có tính sẻ chia này, trước nhu cầu ngày một cao trong cộng đồng địa phương hiện nay.

Tỉnh có 2 đơn vị gồm BVĐK tỉnh Vĩnh Long và BVĐK TP Vĩnh Long có tổ chức hoạt động chạy thận nhân tạo, trong đó BVĐK tỉnh là đơn vị đầu tiên được đầu tư hỗ trợ với khoảng 20 máy và BVĐK TP Vĩnh Long hiện có 70 máy. Tuy nhiên theo thời gian và qua quá trình hoạt động, được biết một số máy chạy thận nhân tạo ở BVĐK tỉnh đã cũ, xuống cấp.

Bài, ảnh: MINH THÁI