Y tế từng bước chuyển mình

Cập nhật, 06:08, Thứ Sáu, 05/05/2017 (GMT+7)

Mạng lưới khám chữa bệnh và mạng lưới y tế dự phòng như “xương sống” gánh vác trách nhiệm cao cả trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, đó là: phòng chống dịch bệnh và khám điều trị bệnh.

“Xương sống” đó, từ hàng chục năm qua đã từng bước chuyển mình, từ chỗ khó khăn thiếu thốn để hôm nay từng bước xây dựng hoàn chỉnh và ngày thêm phát triển.

Ngành y chú trọng phát triển y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu. Trong ảnh: Lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất hướng dẫn kỹ thuật tim mạch chuyển giao cho BVĐK tỉnh Vĩnh Long làm vệ tinh.
Ngành y chú trọng phát triển y tế kỹ thuật cao, chuyên sâu. Trong ảnh: Lãnh đạo Bệnh viện Thống Nhất hướng dẫn kỹ thuật tim mạch chuyển giao cho BVĐK tỉnh Vĩnh Long làm vệ tinh.

Mạng lưới y tế đã nỗ lực chuyển mình

Bác sĩ Trần Văn Út- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế- cho biết, các năm qua ngành luôn nỗ lực duy trì, phát triển mạng lưới y tế dự phòng từ tỉnh đến 8 huyện- thị- thành và 109 xã- phường- thị trấn nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, quyết không để xảy ra các dịch bệnh lớn trong năm.

Nhiều năm qua, tỉnh không có dịch bệnh lớn xảy ra và các bệnh lưu hành tại địa phương đều được kiểm soát.

Với y tế cơ sở, nhiệm vụ trọng tâm là: luôn được củng cố và phát triển. Theo bác sĩ Trần Văn Út, đến nay 100% xã- phường- thị trấn triển khai đầy đủ các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, bố trí đảm bảo 100% trạm y tế có bác sĩ phục vụ.

Toàn tỉnh hiện đạt 6,13 bác sĩ/10.000 dân, 24,34 giường bệnh/10.000 dân và có 33,32 cán bộ y tế/10.000 dân. Tính riêng nhân lực y tế tuyến xã có 124 bác sĩ, 335 y sĩ, 170 dược sĩ, phủ kín tại 109 trạm y tế xã- phường- thị trấn.

Đến hết năm ngoái, 107/109 trạm y tế tuyến xã trong tỉnh được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn đến năm 2020 (tỷ lệ 98,16%), trong đó có 25 xã nông thôn mới. 

Đáng phấn khởi kết quả này đạt và vượt so chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2020 trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016- 2020.

Đến nay tỉnh có 13 bệnh viện công hạng II (tuyến tỉnh), hạng III (tuyến huyện), trong đó có 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh gồm: Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Mắt (thành lập và hoạt động đầu năm 2017) và Bệnh viện Y dược cổ truyền tỉnh Vĩnh Long (được củng cố, nâng từ bệnh viện hạng II lên bệnh viện hạng III).

5 bệnh viện đa khoa (BVĐK) tuyến huyện gồm: Long Hồ, Trà Ôn, Mang Thít, Bình Tân và Nguyễn Văn Thủ (Vũng Liêm) đã kiện toàn, sáp nhập vào 5 trung tâm y tế huyện. Sắp tới, 3 bệnh viện ở TX Bình Minh, TP Vĩnh Long và Tam Bình cũng hoàn chỉnh việc sáp nhập này.

Tính trong năm ngoái, tổng số lượt khám chữa bệnh ở BVĐK tỉnh Vĩnh Long là 3,095/2,564 triệu lượt bệnh nhân so kế hoạch (đạt hơn 120%), trong đó khám chữa bệnh BHYT gần 2,3 triệu lượt.

Cũng năm qua, kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh nội trú tại bệnh viện tỉnh đạt 95,4%, tăng so 87% của năm 2015. Các con số trên phản ánh: người dân ngày càng thể hiện sự tin tưởng vào cơ sở y tế tuyến cuối của tỉnh.

Năm 2016, ngành y tế đã ghi nhận “sự tiến bộ khả quan” về phát triển một số dịch vụ kỹ thuật chuyên khoa lâm sàng và cận lâm sàng tại bệnh viện các tuyến.

Tiêu biểu BVĐK tỉnh đã triển khai kỹ thuật: định lượng kép kháng nguyên, kháng thể vi rút bằng phương pháp miễn dịch tự động; phẫu thuật đặt Catheter ổ bụng để lọc màng bụng chu kỳ; quản lý bệnh hen ở trẻ em,...

Hay như kỹ thuật phẫu thuật nội soi (tiêu hóa, sản khoa, phẫu thuật chấn thương chỉnh hình) mà theo bác sĩ Đoàn Văn Hùng- Giám đốc BVĐK TP Vĩnh Long- là các kỹ thuật ở tuyến trung ương và tỉnh làm được thì nay BVĐK TP Vĩnh Long cũng đã làm được và “người bệnh, người nhà bệnh nhân khen ngợi, đánh giá
rất cao”.

Chuyển mình để ngày thêm hoàn chỉnh

Phòng dịch bệnh, khám chữa bệnh, tiêm chủng mở rộng ở y tế cơ sở đã đạt những kết quả đáng kể trong 25 năm qua. Trong ảnh: Cho trẻ uống vitamin A trong ngày vi chất dinh dưỡng.
Phòng dịch bệnh, khám chữa bệnh, tiêm chủng mở rộng ở y tế cơ sở đã đạt những kết quả đáng kể trong 25 năm qua. Trong ảnh: Cho trẻ uống vitamin A trong ngày vi chất dinh dưỡng.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long (Sở Y tế)- cho biết hệ thống y tế dự phòng phủ kín từ tỉnh đến cơ sở đã “giúp quản lý phòng chống dịch bệnh (giám sát ca bệnh, tình hình dịch bệnh, điều tra xử lý ổ dịch...) và triển khai thực hiện các dự án, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế (tiêm chủng mở rộng, đái tháo đường, tăng huyết áp...).

Theo ông, “vai trò của cán bộ chuyên trách y tế cơ sở là rất quan trọng”, bởi lẽ bộ phận này giúp “theo dõi tình hình dịch bệnh ở các địa bàn sát sao, để từ đó đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời”.

Đồng thời sẽ quản lý tình hình, kết quả hoạt động các dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia y tế. “Mạng lưới đó đưa đến hiệu quả là góp phần nâng cao kiến thức vệ sinh phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe người dân ở cộng đồng”.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Hoàng Tùng- Trưởng Trạm y tế xã Phú Quới (Long Hồ) phấn khởi cho biết năm ngoái trạm khám hơn 16.000 lượt bệnh, vượt so 13.000 lượt chỉ tiêu giao.

Theo ông, dù thông tuyến huyện và người dân có thể đi khám ở bất cứ bệnh viện tuyến huyện nào đó, nhưng có thể nói “niềm tin, sự hài lòng ở người dân với y tế cơ sở nói chung đã được khẳng định”.

Ngoài thăm khám bằng thuốc, nhiều bác sĩ ở cơ sở còn chữa bệnh bằng “tình” với mọi người dân xóm làng mình.

Bác sĩ chuyên khoa I Lê Bé Mười Hai- Trưởng Trạm y tế xã Thành Đông- ngoài khám cho thuốc các cụ cao niên trong ấp, đã trao đổi thêm cách phòng, hạn chế bệnh người già hay mắc như tăng huyết áp, tim mạch hay trẻ nhỏ thì bệnh dễ mắc khi giao mùa...

Từ thực tế cơ sở, chúng tôi thấy y tế từ dự phòng đến điều trị đã chuyển mình rất rõ, đi những bước dài trong 25 năm qua với sự phát triển, đổi mới không ngừng.

Và biết dẫu vẫn còn nhiều vấn đề cần được đầu tư, xây dựng về trang thiết bị lẫn nguồn nhân lực, nhưng có thể nói, ngành y tế tỉnh hôm nay đã có những bước đi rất đáng tự hào.

Đến dự với đội ngũ thầy thuốc, cán bộ y tế tỉnh nhân kỷ niệm 62 năm ngày “Thầy thuốc Việt Nam” (27/2/2017), đồng chí Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón cho biết: Tỉnh ủy, UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để ngành y tế tỉnh nhà phát triển, nhưng ngành cũng cần phải “chuyển biến một cách toàn diện” từ con người, cơ sở vật chất trang thiết bị y tế. Tỉnh nhà sẽ đồng hành cùng ngành trong chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tốt hơn.

Bài, ảnh: MINH THÁI

TIN LIÊN QUAN