Y tế học đường

Cẩn trọng với sâu bàng!

Cập nhật, 06:04, Thứ Tư, 08/02/2017 (GMT+7)

Hiện nay đang là thời điểm cây bàng đang ra lá non. Theo đó, có một loại sâu xuất hiện khá nhiều trên cây bàng để ăn lá. Điều đáng nói là khi chúng ta tiếp xúc với phấn hoặc lông của con sâu này sẽ bị nổi mẩn ngứa trên da.

Như chúng ta biết, cây bàng là một loại cây phổ biến được trồng để che bóng mát ở các sân trường học. Hàng ngày, học sinh thường ngồi dưới gốc cây bàng để trò chuyện, vui chơi cùng với nhau.

Vì thế, việc phấn hoặc lông của con sâu rơi trúng vào người của các em gây nổi mẩn ngứa trên da là điều khó tránh khỏi.

Thực tế có nhiều em bị nổi mẩn ngứa trên da do lúc chơi đùa, không may con sâu bàng rơi trúng vào người. Nhân viên y tế một trường tiểu học ở huyện Long Hồ, cho biết:

Ngày đầu tiên học sinh đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, trường của cô có tới 3 học sinh bị nổi mẩn ngứa do bị sâu trên cây bàng rơi trúng người.

Hiện tại, trên cây bàng ở sân trường của cô có rất nhiều sâu. Sự việc này đã được cô trình báo với Ban Giám hiệu trường để tìm biện pháp giải quyết.

Theo cô, thực tế có nhiều cách để sơ cứu khi gặp phải trường hợp bị nổi mẩn ngứa do sâu bàng gây ra. Tuy nhiên, không nên xức dầu gió vào vết thương, mà dùng cồn 700C thấm vào bông gòn, rồi thoa nhẹ lên vết thương; thoa đi thoa lại nhiều lần sẽ khỏi.

Hoặc, dùng nước vôi loãng rửa nhẹ nhàng phần da đã lấy hết lông sâu. Nếu không có nước vôi thì có thể sát trùng bằng xà phòng. Sau đó dùng khăn lạnh đắp lên chỗ ngứa để giảm sưng và giảm đau…

Do đó, để bảo vệ sức khỏe cho học sinh (nhất là học sinh bậc tiểu học và mầm non) tránh bị sâu bàng gây nổi mẩn ngứa trên da, nhà trường cần sớm phát hiện và tìm ra biện pháp thích hợp để xử lý.

Đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở các em cần quan sát kỹ lưỡng khi vui chơi, tránh trường hợp các em vô tình tiếp xúc phải sâu và nếu cần nên hạn chế vui chơi dưới gốc cây bàng trong thời gian sâu bàng sinh sản, phát triển nhiều như hiện nay.

NGUYỄN VĂN DÔ (Long Hồ)