Nhiều nguy cơ mắc bệnh học đường

Cập nhật, 13:39, Thứ Tư, 05/10/2016 (GMT+7)

Hiện cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, trong đó vẫn còn nhiều nguy cơ từ các loại bệnh học đường như cận thị, cong vẹo cột sống, bệnh về răng miệng, rối loạn tâm lý…

Ngoài giải pháp tuyên truyền, nhà trường cần mạnh dạn tổ chức các hoạt văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao.
Ngoài giải pháp tuyên truyền, nhà trường cần mạnh dạn tổ chức các hoạt văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao.

Rất nhiều loại bệnh học đường

Thông tin từ Bộ Y tế mới đây cho thấy, trung bình mỗi năm, y tế trường học phát hiện khoảng 700.000 học sinh mắc tật khúc xạ (cận thị), 2,6 triệu em mắc các bệnh răng miệng, trên 40.000 em bị cong vẹo cột sống, trên 100.000 em bị béo phì…

Không chỉ lo về các bệnh học sinh mắc nhiều như kể trên, các chuyên gia y tế còn cảnh báo nguy cơ mắc bệnh lâu dài với tình trạng học sinh hút thuốc lá chiếm 4,7%, từng uống rượu chiếm 22,5%.

Đặc biệt, tỷ lệ học sinh ít vận động thể chất là 42%, và chỉ có 18,3% là thường xuyên ăn rau trong ngày… Đây là các yếu tố nguy cơ chính gây nên các bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư, tâm thần khi trưởng thành.

Với áp lực học tập ngày càng tăng cùng tác động tiêu cực của xã hội, tình trạng học sinh bị rối loạn tâm lý cũng đang gia tăng từ 7- 25%. Gần đây, còn nổi lên nạn bạo lực trong nhà trường, và số học sinh có ý định tự tử tăng cao tới hơn 10%. Do đó, can thiệp y tế sớm trong trường học là điều rất cần thiết.

Thầy Võ Thành Long- Hiệu trưởng Trường Tiểu học A thị trấn Long Hồ (huyện Long Hồ) cho biết, nhìn mặt bằng chung ở tiểu học, tỷ lệ học sinh bị cận thị và béo phì chiếm tỷ lệ cao so với các bệnh học đường khác.

Các bệnh này có rất nhiều nguyên nhân, trong đó, nhà trường có vai trò quan trọng trong việc phát hiện bệnh sớm, chăm sóc sức khỏe thường xuyên cho các em.

Theo thầy: “Các bệnh học đường ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em, đó là chưa kể ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi trưởng thành. Do đó cần phải có nhiều giải pháp để hạn chế các loại bệnh trong môi trường giáo dục”.

Tuy nhiên, cũng theo thầy Võ Thành Long, hiện nay có khá nhiều trường mà cán bộ y tế kiêm nhiệm hoặc cơ sở vật chất của phòng y tế kém sẽ rất khó trong việc chăm sóc sức khỏe cho các em.

Do đó, nhắc đến y tế trường học vẫn còn nhiều vấn đề để giải quyết. Cụ thể là phòng y tế của nhà trường chưa có đầy đủ cơ sở vật chất, dẫn đến việc chăm sóc y tế cho học sinh còn nhiều hạn chế.

Tạo môi trường lành mạnh, năng động

Một điều dễ nhận thấy hiện nay là tỷ lệ trẻ mắc bệnh học đường ngày càng cao, nhất là cận thị và béo phì. Do đó, giải pháp để giảm tỷ lệ bệnh và giúp các em có một môi trường học tập tốt là điều rất cần thiết.

Thầy Võ Thành Long chia sẻ, hiện nay hầu hết các trường đều áp dụng hình thức tuyên truyền là chính. Với Trường Tiểu học A thị trấn Long Hồ, hàng tháng đều có 2 buổi tuyên truyền lồng ghép với sinh hoạt đầu tuần, hàng năm đều lập kế hoạch khám sức khỏe cho các em:

Thầy Đặng Hoàng Dũng chia sẻ: Tạo môi trường học tập tốt là giúp các em phát triển đầy đủ về cả thể chất, tinh thần, kiến thức. Ngoài tuyên truyền, nên mạnh dạn tổ chức lồng ghép nhiều các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao.

“Quan trọng nhất là phối hợp với phụ huynh để góp sức phòng tránh các bệnh học đường cho các em. Các bệnh béo phì, cận thị rất cần một chế độ ăn uống hợp lý; góc học tập phải thông thoáng, đủ sáng… Từ đó giúp các em có được một môi trường học tập lành mạnh…”

Võ Hồng Thảo- cán bộ y tế Trường THCS Hòa Thạnh (Tam Bình) cho biết: Nhà trường thường tổ chức khám sức khỏe mỗi năm ít nhất một lần, tổ chức tuyên truyền hàng tháng. Qua đó sớm phát hiện những em mắc các bệnh học đường, từ đó có hướng tư vấn để điều trị kịp thời.

Theo Hồng Thảo: “Mỗi em học sinh ở trường đều có một quyển sổ riêng để theo dõi. Tuy nhiên, biện pháp thường xuyên nhất hiện nay vẫn là tuyên truyền trong trường và đến từng phụ huynh, từ đó có những giải pháp phòng chống bệnh. Tuy nhiên, đầu tư cơ sở vật chất sẽ rất quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe học đường”.

Trong khi đó, theo thầy Đặng Hoàng Dũng- Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Long, một số bệnh về béo phì, cận thị hầu hết đều ở cấp tiểu học, THCS. Một trong những nguyên nhân chính là cơ sở vật chất chưa đảm bảo, lớp học còn quá đông, ý thức từ phía học sinh, phụ huynh còn kém… Do vậy, biện pháp cơ bản duy nhất hiện nay vẫn dừng lại ở mức độ tuyên truyền.

Hiện nay, ngoài tuyên truyền, một số trường còn có nhiều hình thức giáo dục khác nhau, làm sao để các em có một môi trường học tập tốt.

Theo thầy Đặng Hoàng Dũng, nhà trường luôn chú trọng các kỹ năng mềm, duy trì các hoạt động thể thao, đội nhóm, các câu lạc bộ, từ đó các em có thể vui chơi, giải trí, lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần… Điều này có thể hạn chế rất nhiều một số bệnh học đường từ tâm lý, bạo lực, mê games,…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY