Gút- bệnh phổ biến trong đời sống hiện đại

Cập nhật, 05:27, Thứ Bảy, 03/09/2016 (GMT+7)

Đây là một trong 3 biểu hiện của người mắc bệnh gút và cần đi đến bác sĩ chuyên khoa ngay, gồm: giữa đêm đột ngột khớp ngón cái (tay, chân) đau nhức dữ dội; người có 2 hoặc nhiều đợt viêm khớp ngón tay, ngón chân tái đi tái lại nhiều lần; người uống thường xuyên các loại thuốc điều trị đái tháo đường, tăng huyết áp,...

Thể dục thể thao là yêu cầu quan trọng trong cuộc sống hiện nay nhằm tăng cường sức khỏe. Ảnh minh họa
Thể dục thể thao là yêu cầu quan trọng trong cuộc sống hiện nay nhằm tăng cường sức khỏe. Ảnh minh họa

Đó là chia sẻ đơn giản nhất của bác sĩ chuyên khoa tại Khoa Khám cấp cứu thuộc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, về biểu hiện của bệnh gút.

“Ngồi khám ở khu cấp cứu, thấy bệnh nhân bị gút nhiều lắm!”- khẳng định thêm của bác sĩ Huỳnh Thị Tú Trinh- Phó Khoa Khám cấp cứu. Bác sĩ Trinh dẫn tài liệu cho biết, có khoảng 0,02-0,2% người dân mắc hoặc bị các dấu hiệu bệnh gút.

Do “thấy nhiều” nên theo bác sĩ Trinh, tỷ lệ bệnh này của người dân đến BVĐK tỉnh khám các bệnh lý và có kèm bệnh gút là nhiều, dù chưa có thống kê cụ thể nhưng theo phỏng khoảng 0,2% như đã nêu.

Theo bác sĩ Tú Trinh: gút là bệnh lý do tăng a xít u ríc (acid uric) trong máu, gây nên sự lắng đọng các tinh thể u rát trong khớp hoặc các mô. Đặc trưng của bệnh gút là những cơn viêm khớp cấp tái phát và viêm khớp mãn.

Về nguyên nhân của bệnh gút, theo bác sĩ Tú Trinh, có thể chia 2 nguyên nhân: bẩm sinh và do chế độ ăn uống. Nguyên nhân bẩm sinh do thiếu men, di truyền, cơ địa của mỗi người.

Gút trong trường hợp này cũng có thể thứ phát, đi kèm từ việc một người nào đó thiếu máu tán huyết, bệnh nhân đa hồng cầu, xạ trị bệnh ung thư.

Lòng động vật là món khoái khẩu, nó đồng nghĩa với việc khó kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh gút.  Trong ảnh: Cháo lòng.
Lòng động vật là món khoái khẩu, nó đồng nghĩa với việc khó kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh gút. Trong ảnh: Cháo lòng.

Tuy nhiên, nguyên nhân thứ hai mới phổ biến hơn, thường gặp trong đời sống hiện đại: đó là do chế độ ăn uống nguy cơ dẫn đến bệnh gút.

Theo bác sĩ Trinh, người ăn nhiều hải sản, lòng (heo, bò, trâu...), thịt đỏ, uống rượu bia, nước ngọt có ga, hay dùng một số loại thuốc trị bệnh kéo dài... thường khả năng mắc bệnh gút kèm theo cao.

Đối tượng mắc bệnh gút thường từ 30- 55 tuổi, ngoài những người có chế độ ăn uống như nói trên, còn có người bị béo phì và khoảng 95% ở nam giới khả năng mắc bệnh gút. Nữ giới có thể bị bệnh gút khi ở tuổi mãn kinh.

Triệu chứng của bệnh gút được chia theo 2 loại. Với gút cấp: bệnh nhân đột ngột đau 1 hoặc nhiều khớp về đêm, đau nhức dữ dội (sưng, nóng, đỏ, đau) ở vị trí khớp hoặc có nóng rát, cứng khớp.

Vị trí đau có thể ở một hoặc nhiều khớp, thường là đốt bàn của ngón chân cái, ngón tay cái hoặc có thể xảy ra ở khớp mắt cá chân, khớp ngón tay, ngón chân, gối, khuỷu tay, cổ tay,... Với người bị các dấu hiệu này, xét nghiệm a xít u ríc máu và bạch cầu máu sẽ tăng.

Với gút mãn tính, thể hiện ngoài việc người bệnh nhiều lần bị viêm khớp hoặc nhiều khớp, tái đi tái lại nhiều lần sau khi tự hết, tổn thương sụn bàn tay, bàn chân.

Ngoài ra qua chẩn đoán, người bị gút mãn còn nguy cơ bị hủy đầu xương, hẹp khe khớp, biến chứng suy thận mãn (buộc phải chạy thận nhân tạo), nguy cơ dẫn đến tử vong.

“Gút cấp có thể tự khỏi sau 1-2 tuần khi xuất hiện đồng loạt triệu chứng kể trên”- bác sĩ Trinh cho biết và nói thêm “sẽ tái phát lại và xuất hiện nhiều hơn ở các khớp khác, có thể nặng hơn”.

Vẫn theo bác sĩ, biến chứng của gút có đau khớp, hạn chế cử động, ảnh hưởng công việc, đi lại, nguy cơ tàn phế... Khi bệnh, cần kiểm soát a xít u ríc máu và tuân thủ điều trị.

Khuyến cáo, nhất là dành cho các ông hay ăn nhậu, bác sĩ cho là cần kiểm soát chế độ ăn uống: hạn chế ăn hải sản, lòng động vật (heo, bò, trâu) và uống ít rượu bia.

Khi bị gút thì nên đi khám chuyên khoa để được tư vấn phương án điều trị đặc hiệu. “Hạn chế uống rượu bia, ăn hải sản, các loại lòng và thịt đỏ, nên ăn nhiều rau xanh, uống nhiều nước.

Có chế độ thể dục thường xuyên. Kiểm soát những bệnh lý có yếu tố nguy cơ cao dẫn đến mắc bệnh gút như đái tháo đường, tăng huyết áp”- bác sĩ Tú Trinh chia sẻ cụ thể cách để dự phòng loại bệnh chuyển hóa do cuộc sống đem đến này.

Nguyên nhân phổ biến mắc bệnh gút, thường gặp trong đời sống hiện đại: đó là do chế độ ăn uống gây nên. Người ăn nhiều hải sản, lòng (heo, bò, trâu...), thịt đỏ, uống rượu bia, nước ngọt có gas, dùng một số loại thuốc trị bệnh kéo dài... thường khả năng mắc bệnh gút kèm theo cao. Bên lề của bệnh lý này, các bác sĩ nói người kinh doanh, cán bộ, nhân viên công sở có đối tác, bạn bè nhiều thì... nguy cơ bị bệnh gút cao hơn. Có thể hiểu do ăn nhiều đồ ăn thức uống nằm trong nhóm làm tăng khả năng bị bệnh gút.

Bài, ảnh: MINH THÁI