Những "cây cao bóng cả" giữ gìn truyền thống gia đình

Cập nhật, 15:19, Thứ Ba, 09/06/2015 (GMT+7)

Với vai trò là “cây cao bóng cả”, các cụ đã “tỏa bóng mát” cho gia đình và xã hội, gương mẫu giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, truyền thống gia đình để các thế hệ con cháu noi theo.

Vượt khó, dạy con nên người

Ở tuổi 74, ông Nguyễn Văn Tó (ấp Long Thuận A, xã Long Phước- Long Hồ) được nhiều người kính nể, bởi tác phong, đạo đức, lối sống chuẩn mực của nhà giáo về hưu. Vợ chồng ông có đến 9 người con, nên phải chắt chiu lắm mới lo cho con được ăn học đến nơi đến chốn, dạy con biết lễ nghĩa, hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Ông Tó cho biết: Quan trọng là mình biết uốn nắn con cháu mỗi khi chúng có lỗi. Cần giảng giải, thuyết phục để chỉ cho con biết cái nào đúng, cái nào sai và động viên con sửa đổi.

Cùng ngụ ấp Long Thuận A, vợ chồng ông Phan Văn Việt và bà Trần Thị Bích Ngọc cũng là giáo viên về hưu và sống trong gia đình có 3 thế hệ.

“Tuy tôi rất mong có con trai, nhưng chỉ sinh được 2 con gái. Song, con nào cũng là con nên tôi phải chăm dạy con cho tốt”- ông nói. Nhớ lại, trước đây đồng lương giáo viên rất ít ỏi, đời sống vô cùng khó khăn, nhưng vợ chồng ông vẫn quyết tâm theo nghề. Điều ông bà quan tâm là dạy con cháu hiếu thảo, biết kính trên nhường dưới, sống đạo đức, nề nếp, giản dị, không đua đòi, chăm lo học hành, lấy sự nghiệp làm quan trọng...

 Bà Hoa luôn chú trọng dạy con cháu lễ phép, chăm lo học hành.
Bà Hoa luôn chú trọng dạy con cháu lễ phép, chăm lo học hành.

Chồng mất cách nay 35 năm, bà Trịnh Thị Hoa (ấp Mỹ Thuận, xã Tân Hội- TP Vĩnh Long) phải một mình gồng gánh nuôi 3 con. “Đứa lớn nhất, lúc đó chỉ mới 10 tuổi, còn đứa nhỏ nhất thì 15 tháng tuổi”- bà Hoa kể. Lúc đó, ngoài thời gian làm việc tại Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ, bà còn nấu rượu để có thêm thu nhập trang trải cho gia đình.

“Mỗi khuya, tui dậy thật sớm để lo giặt giũ, cơm nước cho các con. Trước khi đi làm, tui nấu sẵn nồi canh để chừa cho các con ăn, còn mình ăn muối mắm cho qua ngày”- bà Hoa nhớ lại. Tuy vất vả, cực khổ, nhưng bà vẫn không quên làm gương để dạy dỗ các con, phân tích cho con hiểu để vâng lời, ráng lo học hành, phấn đấu vươn lên. Bà Hoa cho biết: “Nhìn các con thương yêu nhau, biết nghe lời. Tôi luôn mừng thầm trong bụng”.

Đứa cháu gái bà bước ra, nhìn đứa trẻ khoanh tay cúi đầu lễ phép chào, tôi cảm thấy thật ấm lòng. Ở tuổi xế chiều, điều bà mong mỏi nhất là “nhìn thấy con cháu ngoan ngoãn, chăm lo học hành để trở thành người hữu ích”.

Dạy con giữ gìn truyền thống

Sống trong gia đình có 3 thế hệ, nhờ sự mềm dẻo, nhẫn nại trong dạy dỗ mà giờ đây ông Tó “rất hài lòng vì nuôi dạy con cháu nên người”. Theo ông, ngày xưa, ông bà ta dạy lễ nghĩa rất nhiều. Tuy nay đời sống đã có nhiều thay đổi nhưng vẫn nên giữ lại những truyền thống tốt đẹp và tiếp thu những cái mới ngày nay.

Vợ chồng ông Việt (phải) luôn quan tâm cách đối nhân xử thế.
Vợ chồng ông Việt (phải) luôn quan tâm cách đối nhân xử thế.

Còn với bà Hoa: Xã hội bây giờ thoải mái hơn nhiều, không còn gò bó như ngày xưa. Tuy nhiên, khi thấy cái nào không được là bà nhắc nhở con cháu ngay. Phần lớn cũng do bản thân chúng nó nhận thức được và tự thay đổi. Không quá nghiêm khắc nhưng chúng ta cũng không nên “thoáng” quá mức”.

Bên tách trà hàn huyên, bà Bích Ngọc tâm sự: Thời buổi bây giờ, nuôi dạy con cháu rất khó. Lúc nhỏ nói nó nghe, nhưng lớn lên thì chúng nó có ý nghĩ khác, không vô khuôn khổ như ông bà ta ngày xưa. Điều quan trọng là mình phải biết sống dung hòa. Bởi giữa 2 thế hệ sẽ có lối suy nghĩ khác nhau. Điều đáng mừng là tới thời điểm này, các con không dám cãi vã, to tiếng với cha mẹ.

Theo bà Ngọc, cuộc sống thay đổi nên mình phải chấp nhận, vì mỗi thời đại, người ta sẽ có lối sống, suy nghĩ riêng, không thể bắt con cháu “quay ngược kim đồng hồ” để sống lại cuộc sống của ngày xưa. Tuy nhiên, dù xã hội có thay đổi đến đâu, cũng cần phải giữ lại lễ nghĩa và đạo đức.

Ông Việt thì cho rằng, những năm gần đây, lối sống thực dụng đã và đang manh nha xuất hiện ở nước ta. Tuy nhiên, với truyền thống dân tộc bao đời, con cháu phải biết hiếu kính với ông bà, cha mẹ. Do vậy, chúng ta phải biết nuôi dưỡng nhân cách, đạo đức ngay từ khi các con còn nhỏ. Khi con cháu không nghe lời thì chúng ta phải giữ vững lập trường, kiên trì khuyên bảo. Dạy con cũng phải có lúc cương, lúc nhu.

Ông Việt cho rằng: Hiện nay, các phương tiện truyền thông luôn nhắc nhở, cảnh báo những điều xấu và có luật pháp để răn đe, nhưng vẫn chưa đủ. Cha mẹ phải luôn mẫu mực, nhắc nhở con cháu thường xuyên. Dạy con cháu làm sao thì chúng ta phải sống như vậy để làm gương. Đời sống càng hiện đại thì căn bản nền tảng gia đình càng phải giữ, để nuôi dưỡng phẩm chất đạo đức con người.

Toàn tỉnh hiện có trên 105.500 hội viên Hội Người cao tuổi (NCT) trên tổng số hơn 116.000 NCT. Trong đó, có 9.250 NCT tham gia công tác Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp. Phong trào thi đua “Tuổi cao- gương sáng” giai đoạn 2011- 2014, có 373 tập thể và gần 1.300 cá nhân được Trung ương Hội NCT Việt Nam, UBND tỉnh, UBMTTQ Việt Nam tỉnh, Tỉnh hội và UBND cấp huyện tặng bằng khen và giấy khen. Với tinh thần “tuổi cao chí càng cao”, các cụ đã nêu gương sáng trong nuôi dạy con cháu, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội địa phương phát triển.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI