Chắp cánh ước mơ đến giảng đường

Cập nhật, 13:39, Thứ Tư, 02/10/2019 (GMT+7)

Khó khăn, thiếu thốn về vật chất, tinh thần nhưng các em vẫn vượt khó, học tốt đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia. Dù đường đến giảng đường còn nhiều trắc trở nhưng với nghị lực bản thân, sự góp sức chung lòng của các tổ chức, cá nhân trong xã hội, hãy ước mơ và bay xa em nhé!

Những sinh viên Vĩnh Long nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”.
Những sinh viên Vĩnh Long nhận học bổng “Tiếp sức đến trường”.

Những tấm gương mồ côi học giỏi

Huỳnh Lê Đông Nghi (thị trấn Vũng Liêm, huyện Vũng Liêm) hiện là sinh viên (SV) ngành Văn hóa học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và nhân văn- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Đông Nghi là em gái của Huỳnh Lê Xuân Nghi- nhân vật tôi từng phỏng vấn 2 năm trước.

Lúc đó, Huỳnh Lê Xuân Nghi- SV ngành ngôn ngữ Anh, Trường ĐH Sài Gòn- từng nhận học bổng đặc biệt Tiếp sức đến trường của Báo Tuổi trẻ. Hai chị em mồ côi cả cha lẫn mẹ, đều học giỏi và dễ thương.

Nghi nhỏ giọng khi nói về gia đình mình: “Cha mất khi em vừa sinh được hơn một tháng, mẹ mất khi em còn đang học mẫu giáo; ba và mẹ đều mất vì tai nạn giao thông”. Cha mẹ không còn, chị em Nghi về sống với ông ngoại và dì.

Ông ngoại Đông Nghi nay đã 90 tuổi, Xuân Nghi vừa bước vào năm thứ 3 tại Trường ĐH Sài Gòn, mọi chi phí trong gia đình và chuyện học hành của Đông Nghi, Xuân Nghi đều dựa vào tiệm tạp hóa của dì.

Khi cha mất, Đông Nghi còn quá nhỏ chưa biết gì nhưng mẹ ra đi khi em lên 6 thì nỗi đau như gấp đôi vì “em trở thành đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ”.

Cảm nhận được sự mất mát của bản thân, kinh tế của gia đình cũng ngày càng khó khăn hơn. Vượt qua những thiếu thốn về vật chất, tinh thần, 12 năm liền Đông Nghi là học sinh giỏi, trúng tuyển vào ngành học mình yêu thích với điểm thi 23,05.

Thành Thông và mẹ.
Thành Thông và mẹ.

Nếu như Đông Nghi mồ côi cha mẹ từ nhỏ thì Nguyễn Thành Thông (xã Bình Phước-Mang Thít) hụt hẫng, bàng hoàng khi chứng kiến ba em ra đi một năm trước.

Thành Thông- tân SV ngành Tâm Lý học- Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh mồ côi cha vào cuối năm học lớp 11. Nỗi đau mất cha kèm theo đó là nỗi lo “em sợ mình không được đi học nữa vì ba là trụ cột trong nhà”.

Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm- mẹ của Thành Thông- tiếp lời con: “Chồng tôi làm thợ hồ và làm vườn, tôi thì ở nhà gội đầu làm móng”- nói rồi, cô Hồng chỉ tay về phía một góc nhỏ có ghế gội đầu cũ kỹ và mấy dụng cụ làm móng thô sơ mà “chỉ có mấy người quen thân lắm mới ủng hộ”.

Thông nói: “Cha mất, mẹ một mình nuôi 2 chị em đi học. Chị là SV năm cuối nên chi phí học tập rất nhiều, còn em vừa đậu ĐH nên cũng tốn rất nhiều chi phí học tập, sinh hoạt”.

Đi theo Thông ra 2 công vườn quanh nhà trồng bưởi nhưng em cho biết bưởi đang bị bệnh sâu đục trái nên thu nhập chẳng là bao.

Cô Hồng thở dài: “Chồng mất nên trong nhà không có người lao động. Tôi cũng chăm sóc nhưng sức yếu, không đủ khả năng nên mùa nào cũng sâu bệnh. Mới đợt học phí rồi tôi phải đi mượn vòng vòng mới đủ cho con”.

Dù hoàn cảnh khó khăn và sốc khi cha mất nhưng 3 năm liền, năm nào Thông cũng là học sinh giỏi nhất nhì khối ở Trường THPT Phạm Hùng (Long Hồ) với điểm trung bình các năm từ 9,1 trở lên. Thông cười thật tươi: “Em muốn học thật giỏi, làm giỏi để chăm sóc cho mẹ”.

Nuôi ước mơ xanh

Thạch Nhen ở xã Trà Côn (Trà Ôn) đang là SV ngành Ngôn Ngữ Khmer, Trường ĐH Trà Vinh, với điểm xét tuyển 21,5 khối C.

Nhen chậm rãi nói: “Em chọn học ngành này để về dạy chữ Khmer cho bà con đồng bào”. Theo Nhen thì bà con đồng bào Khmer đa phần chỉ biết nói tiếng Khmer, còn chữ viết vẫn hạn chế nên em muốn giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc.

Thạch Nhen là con lớn nhất trong gia đình thuộc diện hộ nghèo. “Nhà em không có đất sản xuất, ba là lao động chính nhưng làm thuê thu nhập không ổn định, mẹ thì bệnh lại giữ em nhỏ chưa đầy tuổi nên đời sống khó khăn”- Nhen nói.

Bước vào giảng đường ĐH, Nhen không ở trọ mà tá túc ở chùa tại thị trấn Châu Thành, cách trường 8km. Nhen cười nhẹ: “Mỗi ngày em mượn xe đạp ở chùa đạp đi học, ở chùa không tốn tiền trọ học, ba mẹ đỡ lo hơn”. Nhận được 10 triệu học bổng “Tiếp sức đến trường”, Nhen rất vui.

Em cười thật tươi: “Lúc nộp hồ sơ, em lo lắng lắm vì nhiều người cũng khó khăn mà. Có được học bổng này, ba mẹ em đỡ lo cho em cả năm rồi!”

Cha bị tai nạn mất sức lao động, Nguyễn Hiếu Tấn (Long Hồ)- SV ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- ngày ngày cùng mẹ và em gái đan thảm, làm lông mi giả trang trải cuộc sống.

“Ngày thường, em phụ cha mẹ đan lát, nghỉ hè thì đi phụ hồ kiếm thêm để trang trải chi phí đầu năm thường rất nhiều tiền”- Hiếu Tấn nói. Số tiền có được, cả nhà ưu tiên cho 2 em đi học nên “thường xuyên thiếu hụt hay ăn cơm với nước mắm, đầu mỗi năm học là ba mẹ lại chạy đi mượn tiền cho 2 anh em”.

Chọn học ngành công nghệ kỹ thuật ô tô theo sở thích của mình với điểm thi là 21,5, ước mơ của Hiếu Tấn là ra trường có việc làm phù hợp với ngành nghề, thu nhập ổn định để lo cho cha mẹ và em gái đi học.

Con đường phía trước có thể khó khăn nhưng với niềm tin và nghị lực, tin rằng các bạn tân SV sẽ vượt qua tất cả để thành công trong tương lai. Hơn thế nữa, bên cạnh các bạn còn có những tổ chức, cá nhân những suất học bổng nghĩa tình sẵn sàng chắp cánh ước mơ cho những SV vượt khó.

Năm 2019, Báo Tuổi trẻ phối hợp với Công ty CP Phân bón Bình Điền tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” 2019, cho 167 tân SV của 11 tỉnh- thành vùng ĐBSCL. Chương trình dành 12 suất học bổng đặc biệt, trị giá 15 triệu đồng/suất cho tân SV có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 155 suất học bổng trị giá 10 triệu đồng/suất cho tân SV có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên trong học tập.

Tổng giá trị 167 suất học bổng là 1,73 tỷ đồng do quỹ “Đồng hành cùng nhà nông” tài trợ. Tỉnh Vĩnh Long có 15 tân SV được nhận học bổng này. Trong đó GS Phan Lương Cầm- phu nhân cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt- đã hỗ trợ chương trình 100 triệu đồng, tài trợ 10 suất học bổng cho tân SV tỉnh Vĩnh Long.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN