Lưu ý khi thi năng khiếu ngành giáo dục mầm non

Cập nhật, 13:40, Thứ Tư, 18/05/2016 (GMT+7)

Giáo dục mầm non là ngành đang có nhu cầu nhân lực cao. Để thi và học ngành này, thí sinh phải thi môn năng khiếu (hát, kể chuyện, thẩm âm, tiết tấu hoặc đọc diễn cảm). Dưới đây là một số lưu ý của Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long dành cho các bạn thí sinh thi năng khiếu ngành giáo dục mầm non.

Mỗi đợt thi năng khiếu, có từ 5- 8 học sinh được gọi vào thi. Các bạn sẽ có thời gian chuẩn bị từ 15- 20 phút. Khi giám khảo gọi tên theo số báo danh, các bạn có từ 5- 7 phút thể hiện khả năng của mình. Với cách sắp xếp này các bạn sẽ có thể rút kinh nghiệm từ người thi trước. Vì thế hãy chú ý quan sát để rút kinh nghiệm cho bản thân.

Không như thi viết, khi thi năng khiếu các bạn sẽ đối diện trực tiếp với giám khảo. Vì thế cảm giác trực quan rất quan trọng. Các bạn nên biết cách ăn mặc, trang điểm sao cho phù hợp.

Trong bài thi năng khiếu có 2 phần: nhạc và văn. Ở phần nhạc, thí sinh sẽ hát bài hát thiếu nhi tự chọn hoặc theo yêu cầu. Mục đích của phần thi này để kiểm tra chất giọng của thí sinh có phù hợp để trở thành giáo viên mầm non không, nên các bạn sẽ hát không có nhạc đệm.

Phần thi văn, các bạn sẽ đọc diễn cảm một bài thơ, đoạn văn, kể một câu chuyện. Giám khảo cũng có thể đặt một vài câu hỏi để kiểm tra khả năng cảm thụ, diễn đạt bằng lời nói trong phần thi này. Phần thi này các bạn chú ý đừng để mắc lỗi từ địa phương cũng như để ý phát âm “nặng” và “nhẹ” như ch, tr, s, x… 

Những lỗi này sẽ bị trừ điểm. Nhiều bạn có thói quen trong lúc ngồi chờ trò chuyện với các bạn xung quanh để tăng tự tin, song lúc thi năng khiếu, điều đó không nên chút nào vì nó có thể làm mất chất giọng của bạn.

Khi đến lượt thi của mình các bạn phải chào ban giám khảo, sau đó thực hiện phần thi. Trong quá trình hỏi đáp, bạn phải trả lời lễ phép và luôn tươi cười.

Mọi thắc mắc liên quan đến tuyển sinh, quý phụ huynh học sinh vui lòng liên hệ với chúng tôi qua địa chỉ tuvantsbvl@gmail.com

CAO HUYỀN