"Giải cứu" môn Lịch sử!

Cập nhật, 15:30, Thứ Tư, 11/05/2016 (GMT+7)

Có rất nhiều ý kiến khác nhau của chuyên gia về môn Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay, hầu hết mọi người đều muốn trả môn Lịch sử về đúng vị trí của nó. Bởi, Lịch sử không chỉ là môn học mà còn là cách truyền lại cho thế hệ sau lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc,… Giá trị tinh thần đó sẽ là ngọn đuốc soi đường cho thế hệ trẻ.

Chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát bỏ túi tại 5 huyện- thị trong tỉnh Vĩnh Long. Có 281 học sinh lớp 12 tham gia trả lời phiếu khảo sát này. Kết quả, có khoảng 48% học sinh không thích môn học này.

Kỳ 1: Môn Lịch sử đang... bị “lạnh lùng”

Thầy Nguyễn Văn Mười và học sinh trong giờ học môn Lịch sử.
Thầy Nguyễn Văn Mười và học sinh trong giờ học môn Lịch sử.

Thầy Hiệu trưởng Lê Hữu Rí- Trường THPT Nguyễn Hiếu Tự (Vũng Liêm) nói: “Hồi thầy còn đứng lớp, học trò mê sử lắm, nghe nói thi tốt nghiệp môn sử là học sinh mừng…” Còn bây giờ…“Chưa bao giờ môn Lịch sử lại đìu hiu như hiện nay”- thầy nói.

Là một giáo viên dạy môn Lịch sử hơn 30 năm nay, thầy cũng như nhiều giáo viên dạy môn học này không khỏi chạnh lòng. Cứ nhìn con số học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT quốc gia môn Lịch sử, thì biết được vị trí của nó: nhiều trường không có em nào, có thì một vài em!

 

Ba chữ “quá” từ cuộc khảo sát bỏ túi

Có 5 trường phổ thông được chọn tham gia vào cuộc khảo sát bỏ túi của chúng tôi là THPT Nguyễn Hiếu Tự (Vũng Liêm), THPT Bình Minh (TX Bình Minh), THPT Tân Lược (Bình Tân), THPT Phan Văn Hòa (Tam Bình), THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn).

Từ đây, ý kiến của chính người học- học sinh đã đủ sức nặng để thấy tình hình dạy và học môn Lịch sử hiện nay.

Phiếu có 6 câu hỏi, trong đó câu 1 yêu cầu điền lớp và trường học sinh đang học, không phải ghi tên để các em tự do thể hiện ý kiến của mình.

Các câu 2, 3, 4, 5 ghi nhận ý kiến học sinh về môn Lịch sử: có thích môn học, nội dung như thế nào, thích học môn Lịch sử như thế nào, triều đại cuối cùng của Việt Nam do ai làm vua và ý kiến khác. Đối với các câu 3, 4, học sinh có quyền chọn nhiều đáp án.

Trong đó, có 179 lượt cho rằng môn Lịch sử “quá dài, quá nhiều chi tiết và quá nhàm chán” và 92 lượt ý kiến cho rằng thời gian học Lịch sử ít mà kiến thức lại quá nhiều. Đáng lưu ý là trong 150 ý kiến thích môn Lịch sử thì có đến 143 ý kiến không đồng tình với nội dung môn Lịch sử.

Có 131/281 ý kiến “không thích lắm”, “không thích” và “ghét” trả lời cho câu hỏi “Bạn có thích môn Lịch sử không?” Về lý do không thích, học sinh chủ yếu đề cập đến vấn đề quá dài và quá nhiều chi tiết.

Một số học sinh cho rằng thời gian học môn Lịch sử trong lớp sau khi kiểm tra bài đầu giờ thường là một chuỗi đọc, chép. Một học sinh lớp 12 ghi: “Nhiều bài dài quá, thầy đọc em chép còn không kịp giờ lấy đâu thời gian mà giảng bài được”.

Nhiều giáo viên Lịch sử cũng khẳng định chương trình rất dài, các bài cũng dài với nhiều dữ liệu khác nhau, không thể bỏ qua được. Giáo viên cố gắng giảng và cho học sinh xem hình ảnh nhưng bù lại khi chép bài phải thật nhanh và đôi khi cháy giáo án, lấn giờ giáo viên khác 5- 10 phút.

Hơn 100/281 ý kiến cho rằng bài học Lịch sử có quá nhiều số liệu, quá nhiều mốc thời gian và có những mốc thời gian nhỏ, rất khó nhớ.

Cụ thể như đại thắng mùa xuân 1975 là một loạt sự kiện khác nhau, kéo dài từ đầu năm 1975 đến giải phóng. Không chỉ có ngày giải phóng Sài Gòn, Buôn Mê Thuột, Xuân Lộc,… mà những ngày điều quân ở cánh nào,… cũng được đưa vào bài học.

Thầy Đinh Hồng Khanh- giáo viên dạy Lịch sử Trường THPT Bình Minh cho rằng: “Chi tiết học sinh thường mắc phải là hay quên ngày tháng, con số địch thương vong ở các trận đánh..”

Chương trình dạy và học môn Lịch sử còn nhiều bất cập.
Chương trình dạy và học môn Lịch sử còn nhiều bất cập.

Thừa mà thiếu

Hơn 100/281 ý kiến cho rằng: “Lịch sử thế giới còn nhiều hơn lịch sử Việt Nam, trong đó có nhiều kiến thức lặp lại và thừa”. Trong 3 năm lớp 10, 11 và 12 thì lịch sử thế giới được dạy ở học kỳ I, học kỳ II dạy lịch sử Việt Nam. Thời gian cho môn Lịch sử học kỳ 1 là 2 tiết/tuần, học kỳ 2 là 1 tiết/tuần. Chương trình Lịch sử thế giới được học từ cổ đại, trung đại, hiện đại và một số nước lớn, học về các châu lục.

Có ý kiến cho rằng “chương trình lộn xộn kiểu này thì học sử thế giới lại mập mờ sử Việt Nam, học sử Việt Nam thì lại quên sử thế giới”. Chính vì cái sự “lộn xộn” trên mà nhiều học sinh không hiểu nổi môn Lịch sử cũng không yêu nổi môn này.

Một học sinh viết trong phiếu khảo sát: “Lớp 4, 5 đã học qua chương trình đó 1 lần, lên cấp II tiếp tục một lần nữa, rồi lên cấp III đảo lại lần nữa, thấy học nhiều mà nhồi nhét không hiệu quả”.

Nhiều em thẳng thắn cho rằng: Lịch sử không có điểm nhấn, ví dụ như anh hùng dân tộc, sự kiện lớn,… cứ như là đủ câu chữ và chi tiết sự kiện nào cũng như nhau.

Nhiều giáo viên dạy Lịch sử cũng không hiểu sao “Chương trình học thì cao siêu đến một cách khó tưởng tượng như để cho sinh viên chuyên ngành hay các nhà nghiên cứu xem”. Giáo viên ví dụ: Chương trình tiểu học, lại đưa ra các khái niệm: Chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa tư bản,… Với đầu óc non nớt, chắc các em chỉ học thuộc lòng “như anh chị lớp trên” chứ làm sao hiểu nổi.

Theo học sinh, học lịch sử thế giới thì nhiều mà không hiểu được bao nhiêu, còn lịch sử địa phương thì nhiều khi mù tịt. Trong chương trình học, mỗi học kỳ có một tiết lịch sử địa phương, thông thường giáo viên cho học sinh học ngoại khóa 1 buổi hoặc học tiểu sử anh hùng dân tộc ở địa phương đó.

Thầy Lê Hữu Rí nói: “Lịch sử địa phương rất nhiều chi tiết, nhiều con người nói trong 1-2 tiết làm sao hết được. Cứ hỏi học sinh rằng Nguyễn Hiếu Tự, Hoàng Thái Hiếu là ai? Tôi chắc không mấy em biết được”.

Không ít phiếu khảo sát không có ý kiến gì, chỉ khoanh các đáp án không thích vì quá dài dòng,… kết luận là có thể bỏ… môn Lịch sử đi (?) Những người yêu nước, yêu lịch sử- đặc biệt là lịch sử Việt Nam- niềm tự hào của dân ta- không khỏi chạnh lòng. Song, đừng trách môn học hay học sinh vì các em đang gồng mình với gánh nặng quá lớn!

Biểu đồ: Trả lời câu hỏi “Bạn có thích môn Lịch sử không?”
Biểu đồ: Trả lời câu hỏi “Bạn có thích môn Lịch sử không?”

Bao nhiêu học sinh biết về vị vua cuối cùng của Việt Nam?

Với câu hỏi “triều đại cuối cùng của Việt Nam là triều đại nào, do ai làm vua và thoái vị năm nào?”, đã có 145 học sinh trả lời sai (chiếm 51,6%) và 136 học sinh trả lời đúng (chiếm 48,4%). Trong chương trình lớp 12, học kỳ 2 các em có học phần kiến thức này. Đáng lưu ý là có nhiều học sinh trả lời sai một cách khó chấp nhận như: Vua Nguyễn Bảo Đại, vua Nguyễn Ánh hoặc năm thoái vị là 1968, 1975, 1926!

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- KHÁNH DUY