KỶ NIỆM 31 NĂM NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM (20/11/1982-20/11/2013)

Soi sáng sự nghiệp “trồng người”

Cập nhật, 13:09, Thứ Ba, 19/11/2013 (GMT+7)

Truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo là nét đẹp văn hóa ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy thể hiện bằng thành tích học tập, tình cảm, sự kính trọng, lòng biết ơn của lớp lớp thế hệ học trò dành cho người thầy và còn được đúc kết thành tục ngữ, thành ngữ lưu giữ suốt chiều dài lịch sử dân tộc “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, tức một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy.

Cha ông ta đã đúc kết “Không thầy đố mày làm nên”. Thầy giáo, cô giáo là người truyền dạy kiến thức, giúp hình thành thái độ và cách ứng xử đúng đắn, bồi dưỡng cho tâm hồn chúng ta thêm trong sáng và phong phú để mỗi người chúng ta có nhân cách phát triển, có năng lực và phẩm chất giúp ích cho xã hội.

Từ đó, góp phần quan trọng chuẩn bị hành trang cho chúng ta vào đời và vững bước trên con đường đi lên phía trước. Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy được khắc sâu trong tâm tưởng của mỗi người chúng ta. Và câu ca dao “Muốn sang thì bắc cầu Kiều/ Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy” đã và mãi mãi đồng hành cùng chúng ta đi dọc theo năm tháng.

Sinh thời, Bác Hồ rất quý trọng và vinh danh các nhà giáo, Người nói: “Người thầy giáo tốt- xứng đáng là thầy giáo là người vẻ vang nhất…”.
 
Người căn dặn “Nhiệm vụ của các cô giáo, thầy giáo rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Muốn làm tròn nhiệm vụ đó thì phải luôn luôn gương mẫu về mọi mặt, không ngừng bồi dưỡng đạo đức cách mạng, lập trường chính trị, phải ra sức đoàn kết giúp đỡ nhau cùng tiến bộ”.

Với truyền thống văn hóa Việt Nam, người thầy là người đạo cao, đức trọng, là người rất có uy tín và luôn được xã hội tôn trọng. Khi nói về vai trò của người thầy, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:
 
“Nếu không có thầy giáo dạy dỗ cho con em nhân dân thì làm sao mà xây dựng chủ nghĩa xã hội được. Vì vậy, nghề thầy giáo rất là quan trọng, rất là vẻ vang” và  “Về giáo dục, chế độ khác thì giáo dục cũng phải khác… Bây giờ nhiệm vụ giáo dục khác trước. Các cô chú có nhiệm vụ rất quan trọng: bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này. Làm tốt thì thế hệ sau này có ảnh hưởng tốt, làm không tốt sẽ ảnh hưởng không tốt tới thế hệ sau. Mục đích giáo dục bây giờ là phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, đào tạo lớp người, lớp cán bộ mới”.

Để thực hiện điều đó, biết bao thế hệ nhà giáo Việt Nam đã nỗ lực không ngừng đóng góp công sức, trí tuệ cho sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.

Qua đó, các thế hệ nhà giáo đã tạo dựng nên những truyền thống tốt đẹp của nhà giáo Việt Nam, đó là: nhà giáo Việt Nam có lòng yêu nước nồng nàn, có cuộc sống thanh bạch, liêm khiết, không màng danh lợi, luôn gắn bó với sự nghiệp trồng người, tận tụy hy sinh, sống gần gũi với dân, có mối quan hệ mật thiết với dân…

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, chúng ta có thể thấy thấp thoáng trong từng trang của lịch sử dân tộc hình ảnh người học trò nghèo đêm đêm bắt đom đóm bỏ vào vỏ trứng làm đèn để đọc sách, hình ảnh những người vợ, người mẹ, tảo tần sớm hôm lo cho chồng, cho con nấu sử sôi kinh, và đặc biệt là những lớp học xưa với hình ảnh ông đồ ngồi dạy học.

Người thầy được tôn vinh bởi người thầy không chỉ là người dạy chữ thánh hiền mà còn là người tượng trưng cho những gì chuẩn mực nhất, cao đẹp nhất.
 
Trong lịch sử dân tộc ta, đã có biết bao người thầy như thầy Chu Văn An (1292- 1370), người dạy học cho thái tử, cũng là người đã dâng “Thất trảm sớ” xin vua chém lũ gian thần rồi cáo quan về quê sống cuộc đời thanh bạch; cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu (1822- 1888), vừa dạy học vừa bốc thuốc chữa bệnh cho dân, đồng thời cũng là nhà thơ lớn- tác giả của nhiều bài thơ, văn bất hủ tràn đầy nhiệt huyết và thấm đẫm tấm lòng yêu nước thương dân; tiếp đó là các bậc thầy cao quý Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Tất Thành- Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp... đã mang lại vinh quang cho đất nước và là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.

Trong những cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, lớp lớp thầy giáo trẻ theo tiếng gọi của lý tưởng cách mạng cao đẹp đã ra trận, cống hiến sức lực và trí tuệ của mình cùng các thế hệ cha anh viết nên bản hùng ca bất tử, khắc ghi tên mình vào trang sử vẻ vang của dân tộc.

Ở hậu phương, các thế hệ người thầy tiếp tục truyền lửa đến học trò, để rồi từ bục giảng, chính các thầy cô lại nhen nhúm, khơi dậy lòng yêu nước, chí căm thù giặc, nuôi dưỡng lý tưởng sống cao đẹp cho nhiều thế hệ học sinh, sinh viên.
 
Mỗi bài giảng của thầy như thôi thúc học trò tiếp bước cha anh, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, xếp bút nghiên lên đường “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, thực hiện lý tưởng cao đẹp “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Những người thầy cầm súng đã góp một phần không nhỏ tạo nên “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ”.

Hội nghị lần thứ 8 BCH Trung ương Đảng khóa XI đã ra Nghị quyết về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD- ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” nhấn mạnh: “… GD- ĐT nước ta còn nhiều yếu kém, bất cập.
 
Giáo dục vẫn chưa thực sự là quốc sách hàng đầu…”. Nhiều hạn chế, yếu kém của GD- ĐT đã được nêu ra từ Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII song chậm được khắc phục, có mặt còn nặng nề hơn. Khoa học giáo dục còn lạc hậu.

Chất lượng giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội; chưa tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ về nhân lực của nước ta so với các nước trong khu vực và trên thế giới, chưa tích cực chủ động góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc. Quản lý giáo dục còn nhiều bất cập…

Làm theo Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn ngành giáo dục đang phấn đấu thực hiện sứ mệnh cao đẹp là tham gia tích cực sự nghiệp “trồng người”, đào tạo thế hệ trẻ thành lớp người “vừa hồng vừa chuyên”, đáp ứng ước vọng nung nấu của Bác Hồ ghi trong thư nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập (tháng 9/1945): non sông Việt Nam có vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai với các cường quốc năm châu hay không, điều đó phụ thuộc vào công lao học tập của các cháu.
 
Những lời tâm huyết ấy của Bác càng nhắc nhở đội ngũ nhà giáo và các cán bộ quản lý giáo dục cần đề cao trách nhiệm làm gương, ý chí vượt lên mọi khó khăn và sự cám dỗ vật chất đời thường, không ngừng bồi dưỡng ý thức “Tất cả vì học sinh thân yêu”- cội nguồn nảy sinh sự tâm huyết, sáng tạo trong chuẩn bị từng trang giáo án cũng như khi đứng trên bục giảng.

Những cuộc vận động của ngành giáo dục trong thời gian qua như: “Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương sáng về tinh thần học tập và sáng tạo”… đã được xã hội hưởng ứng, nâng cao vị thế của ngành giáo dục.

Hiện nay, nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ nhà giáo đóng vai trò then chốt để tạo nên nguồn nhân lực dồi dào cho đất nước, do đó sự nghiệp GD- ĐT càng trở nên quan trọng.

Trước những đòi hỏi đó, vai trò của người thầy càng có ý nghĩa; sứ mệnh, nhiệm vụ của những nhà giáo hơn lúc nào hết rất nặng nề và người thầy cần phải tạo dựng cho mình những phẩm chất và năng lực nhằm cống hiến nhiều hơn nữa cho Tổ quốc nói chung, sự nghiệp GD- ĐT nói riêng. 

Ngạn ngữ Việt Nam có câu: “Cái khó không bó cái khôn; trong cái khó lại ló cái khôn”. Đảng ta, nhân dân ta gửi gắm tin yêu và hy vọng vào đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp đang suy nghĩ và hành động theo phương châm đó, nỗ lực phấn đấu cùng với toàn xã hội, góp sức tích cực và có hiệu quả vào mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục nước nhà. 

Truyền thống nhà giáo Việt Nam mãi mãi sẽ là những giá trị vô giá, hun đúc các thế hệ thầy cô giáo luôn phấn đấu trở thành người thầy chân chính trong xã hội.

NGUYỄN THANH HOÀNG