Gặp khó khi “không cho điểm học sinh lớp 1”

Cập nhật, 13:00, Thứ Tư, 30/10/2013 (GMT+7)


Nhiều giáo viên thể hiện quan điểm đồng tình với chủ trương cho nhận xét thay vì cho điểm như trước đối với HS lớp 1. (ảnh minh họa)

Năm học 2013- 2014, chủ trương không cho điểm đối với học sinh (HS) lớp 1 của Bộ GD- ĐT bước đầu đã triển khai ở một số tỉnh. Tuy nhiên, để thực hiện được chủ trương này vẫn còn nhiều khó khăn, cần có hướng dẫn cụ thể, tránh “vấp” các quy định cũ chưa thay thế, mỗi trường mỗi kiểu, mỗi tỉnh mỗi cách,…

Đồng thuận chủ trương không cho điểm

Theo thầy Nguyễn Văn Liềm- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Ninh, việc cho điểm HS lớp 1 sẽ tạo ra áp lực tâm lý rất lớn, trong khi các em chỉ mới viết những nét chữ và đọc những âm đầu tiên. Việc không cho điểm ở lứa tuổi HS này thể hiện sự “giao quyền” chủ động cho giáo viên nhận xét, đánh giá. Qua đó sẽ động viên, khuyến khích, ghi nhận sự tiến bộ hàng ngày của HS trong hoạt động học tập.

Việc không cho điểm HS lớp 1, thay bằng nhận xét đã nhận được nhiều sự đồng thuận từ các giáo viên, cán bộ. Cô Đinh Thị Ngọc Dung- giáo viên Trường Tiểu học Hòa Phú A rất tán thành, vì chỉ kích thích, động viên các em cố gắng học tập nên sẽ hạn chế việc gây áp lực cho các em, ngay cả phụ huynh cũng không bắt con em mình học chữ trước khi vào lớp 1.

Trong khi đó, một giáo viên Trường Tiểu học thị trấn Cái Vồn B cho rằng, thực tế nhiều HS chịu áp lực rất lớn từ điểm số vì rất nhiều phụ huynh buộc con mình phải đạt điểm 10. Không phải trẻ nào cũng có tư duy nhanh, chữ viết đẹp được, nên cho điểm sẽ không phù hợp, chỉ khiến trẻ cảm thấy tự ti, áp lực, chán học, xấu hổ khi bị điểm kém.
 
Hơn nữa, một số nguyên nhân dẫn đến việc cho điểm sẽ thiếu chính xác, công bằng. Do đó, việc không cho điểm, thay bằng hình thức đánh giá sẽ có rất nhiều lợi ích, tình cảm của thầy trò cũng sẽ tốt hơn, HS đi học trong một môi trường thân thiện, tích cực.

Thầy Đỗ Thành Tám- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lộc Hòa A cho biết, tuy chủ trương không cho điểm, thay bằng hình thức đánh giá chưa được nhà trường áp dụng nhưng nhìn chung, vẫn nhận được nhiều ý kiến đồng tình, bản thân cũng tán thành chủ trương này.

Ở lứa tuổi lớp 1, phải đúng tinh thần với phương châm “vừa học- vừa chơi”, nên không cho điểm sẽ làm cho các em không quá tự ti, xấu hổ trước người bạn học tốt hơn với điểm cao. Ở lứa tuổi này, việc đánh giá, nhận xét sẽ phù hợp hơn nhiều đối với tâm lý các em…

Khó chồng khó

Theo Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD- ĐT), trong nhiệm vụ giáo dục bậc tiểu học năm học 2013- 2104, ngoài việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học thì đối với HS lớp 1, khuyến khích giáo viên chỉ nhận xét, không chấm điểm HS.

Hoặc nếu có chấm điểm, giáo viên không nên thông báo về gia đình, tuyệt đối không có biểu hiện so sánh giữa các HS. Qua đó đã thể hiện đúng với tinh thần, chủ trương của Bộ GD- ĐT.

Song, tuy có nhiều ý kiến đồng tình chủ trương nhưng để làm được việc này đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là chưa có hướng dẫn cụ thể từ Bộ GD-ĐT đến Sở GD- ĐT.


Tuy nhiên, những cái khó trước mắt vẫn chưa được giải quyết khi chưa có văn bản hướng dẫn từ Bộ GD- ĐT.

Theo một đại diện Sở GD- ĐT tỉnh Kiên Giang, hàng loạt câu hỏi từ phía phụ huynh, lãnh đạo, giáo viên như: Giáo viên sẽ thực hiện việc đánh giá ra sao? Nhận xét như thế nào để mang tính khuyến khích? Bằng cách nào để phụ huynh nắm bắt được năng lực của các em?...

Ngoài ra cũng còn khá nhiều băn khoăn của ngành giáo dục khi bỏ cho điểm có khả năng tạo cho các em sự ỷ lại, không cố gắng học tập,…

Mặt khác, hiện các trường tiểu học đang thực hiện theo thông tư cũ, để thực hiện chủ trương không chấm điểm HS lớp 1 thì Bộ GD-ĐT cần có hướng dẫn cụ thể bằng một thông tư mới. Việc này rất quan trọng để đảm bảo tính chính thức của văn bản, tránh “vấp” các quy định cũ chưa thay thế hay mỗi trường mỗi kiểu, mỗi tỉnh mỗi cách.

Theo thầy Đỗ Thành Tám, chưa có hướng dẫn cụ thể đang làm cho nhiều trường, nhiều giáo viên lúng túng, muốn thực hiện cũng không biết bắt đầu từ đâu, đánh giá như thế nào.
 
Đa số đang chờ văn bản hướng dẫn. Cái khó thứ hai là thói quen của phụ huynh khi vẫn thích điểm số con mình cao, thể hiện học lực tốt.
 
“Những cái khó hiện nay là thế, nếu Bộ GD-ĐT ra hướng dẫn chính thức hoặc Sở GD-ĐT ra văn bản hướng dẫn tạm thời thì trường sẽ tổ chức mời phụ huynh, nhất là phụ huynh lớp 1 đến để phổ biến”.

Ngoài ra, một giáo viên tiểu học cho rằng, đối với HS lớp 1, nếu giáo viên không nhận xét từng câu, từng chữ, vô tình có thể làm các em bị tổn thương, tự ti, mặc cảm. Giáo viên sẽ dành giờ ra chơi hoặc về nhà để nhận xét, theo dõi quá trình tiến bộ, điều này khiến người giáo viên phải vất vả hơn…

Theo Nhà giáo Nhân dân, Tiến sĩ Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT, điểm số hiện nay chưa thể hiện đúng học lực của các em. Qua đó, thay bằng hình thức cho điểm bằng nhận xét sẽ góp phần đổi mới cho ngành giáo dục tiến bộ hơn.

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN