“Trái ngọt” của thầy

Cập nhật, 13:06, Thứ Tư, 27/11/2013 (GMT+7)

Có những người thầy được học trò yêu mến không chỉ đơn giản là dạy hay, có kiến thức chuyên môn cao mà cốt yếu là ở lương tâm của một người làm thầy. Tình yêu nghề, yêu trò đủ sức mạnh để thầy tha thứ cho trò những lỗi lầm, từ đó đem về bao nhiêu quả ngọt.


Sự bao dung của người thầy làm nên thành công cho nhiều học sinh.
Ảnh minh họa

Hãy thứ tha

“Em là một học sinh (HS) cá biệt”- bạn Chí Tài tự nhận về mình như thế khi còn học phổ thông. Nếu thời gian cho nghỉ học tối đa của một HS là 44 tiết thì số tiết nghỉ học của Tài luôn ngót nghét 43! Đó là chưa kể đến những lần cúp cua trót lọt hay những tiết cuối giả bệnh để xin về.

Lên lớp 10, Tài trở thành gánh nặng cho thi đua của lớp. Bởi không chỉ nghỉ học, bạn còn là nhân vật nổi tiếng trong trường bởi những trận ẩu đả với HS trong và ngoài trường. Đến tiết chủ nhiệm những tuần đầu năm lớp 10 với cô Nguyễn Thị Hồng Cúc (giáo viên Trường THPT Trần Đại Nghĩa ở Tam Bình), bạn đã sẵn sàng “nghe dũa”.

Nhưng không, cô Cúc đã không như nhiều giáo viên khác chỉ biết có la mắng mà thay vào đó là gương mặt đượm buồn của cô. Cô không trách Tài trước mặt bạn bè mà chỉ “gọi em lên nói chuyện riêng”. Cô hỏi: “Tại sao em hay nghỉ học, tại sao em đánh bạn để cả mình cũng đau? Vậy nên em đừng đánh nữa nhen…”- Tài kể.

Vẫn những âm thanh nhẹ nhàng, cô khuyên bạn nên cố gắng hơn trong học tập. Tài vẫn nhớ rõ lời khen của cô, lời khen nhẹ nhàng là động lực cho bạn tiến bộ hơn trong học tập: “Em rất thông minh, cô tin nếu cố gắng em sẽ học tốt!”

Là một HS có học lực khá, tuy nhiên do “vướng” phải chuyện tình cảm tuổi học trò mà N.T.T. Minh (cựu HS một trường THPT ở TP Vĩnh Long) có học lực xuống… dần đều.
 
T. Minh nhớ lại, thật sự lúc đó mình nghĩ sẽ cân bằng được chuyện học tập và tình cảm nhưng dường như đã vượt quá khả năng. Khi đó, cô chủ nhiệm đã ân cần chia sẻ và động viên. Đồng thời phân tích chuyện tình cảm ở tuổi mới lớn.
 
“Chính cô là người đã định hướng được đường đi cho em. Cô không bắt phải rời xa chuyện tình cảm mà chỉ phân tích cái nào đúng, cái nào sai, cái nào là quan trọng nhất trong lúc này. Bây giờ em đã có việc làm ổn định và tình thầy trò như 2 chị em trong gia đình…”

Không trách, cũng không tỏ vẻ “gia trưởng” là yếu tố để gần gũi hơn với học trò. Đó cũng là cách để người thầy nắm bắt được những diễn biến tâm lý của tuổi mới lớn, những biến động trong cuộc sống hay những khó khăn mà các em chưa hề tâm sự với ai.
 
Một thầy giáo ở Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm chia sẻ, bản thân người thầy cũng có xuất phát điểm là một HS. Do đó, có thể hiểu các em cần gì, muốn gì. Trách nhiệm của người thầy không chỉ là lên lớp đem con chữ mà còn là nguồn động viên, định hướng cho các em đi theo con đường đúng nhất…


Đằng sau những bước đi trên con đường học vấn luôn có ánh mắt dõi theo của người thầy (ảnh minh họa)

“Trái ngọt” cho thầy

Nhờ lời khen nhẹ nhàng, những lời nói dịu dàng và tế nhị của cô chủ nhiệm, Chí Tài đã phấn đấu hơn trong học tập. Thành tích của tập thể nhờ đó ngày càng được nâng cao. Giờ đây, cậu học trò hay phá phách ngày nào đã tốt nghiệp trung cấp, có việc làm và một gia đình hạnh phúc. Tài nói: “Mình biết ơn cô thật nhiều, nhờ có cô mà có mình hôm nay”.

Anh Bùi Tuấn Anh- hiện là kỹ sư công nghệ thông tin cho một tập đoàn lớn ở TP Hồ Chí Minh không khỏi bồi hồi khi nhắc đến người cô giáo năm lớp 9. Anh cho biết, ngày đó trẻ người ham chơi, cô sẵn sàng “kềm kẹp” và định hướng con đường đi phía trước. Ngày nay, có nghề nghiệp ổn định, dù công việc khá vất vả và chiếm nhiều thời gian nhưng vẫn đều đặn về thăm cô. “Đối với tôi, cô như người mẹ thứ hai”- anh nói.

Đối với thầy cô giáo, không phải HS nào cũng ngoan, học giỏi, cũng thành công. Nhưng chính vào sự vị tha, chia sẻ mà các em dù có thành công hay thất bại trong công việc, dù nghèo hay giàu thì nhiều người vẫn tự xem mình vẫn còn là cô, cậu học trò nhỏ của ngày nào.

Các thầy cô mong sao các học trò của mình trở thành người công dân có ích, không vi phạm pháp luật… Đó cũng chính là những “trái ngọt” mà các em dành tặng cho thầy cô giáo.

Nhiều HS ngày xưa nay đã tốt nghiệp từ các trường CĐ, ĐH, có việc làm ổn định, cũng có khi làm “ông này, bà nọ” nhưng hình ảnh người thầy ân cần, trìu mến vẫn hằn sâu trong ký ức.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY- CAO HUYỀN