Kết nối hành trình "Đất phương Nam"

Cập nhật, 11:31, Thứ Bảy, 10/02/2024 (GMT+7)

(VLO) TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL đang hướng tới xây dựng không gian vùng du lịch phía Nam tạo nên một chuỗi liên kết đa dạng từ Cần Giờ (TP Hồ Chí Minh) cho đến mũi Cà Mau. Đó là quyết tâm, là cam kết, cũng là khát vọng của các địa phương cho thương hiệu du lịch chung trong mối liên kết mang tính “sống còn” giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Cần hướng tới xây dựng một không gian chung vùng du lịch phía Nam kéo dài từ Cần Giờ cho đến mũi Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện
Cần hướng tới xây dựng một không gian chung vùng du lịch phía Nam kéo dài từ Cần Giờ cho đến mũi Cà Mau. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện

Tiềm năng và hạn chế

Từ thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch của ngành du lịch TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành ĐBSCL năm 2019, đến nay các đơn vị đã cụ thể hóa rất nhiều chương trình, kế hoạch hợp tác thiết thực, sâu rộng dựa trên 5 trụ cột chính, đó là: công tác quản lý nhà nước về du lịch; công tác quảng bá du lịch; phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch; hợp tác xúc tiến kêu gọi đầu tư về du lịch.

Kết quả hợp tác bước đầu đã đạt hiệu quả, tạo nên xung lực phát triển liên vùng. Tổng kết, đánh giá năm 2022 cho thấy những con số “biết nói”, khu vực liên kết này đã chiếm 46% khách nội địa của cả nước, trong đó khách du lịch nội địa đến TP Hồ Chí Minh đạt 31,2 triệu lượt khách, khách nội địa đến ĐBSCL đạt 30,619 triệu lượt khách.

Tuy nhiên, qua đánh giá chung, quá trình liên kết phát triển vẫn còn hạn chế, chưa có sản phẩm nổi bật, chưa khai thác tốt để tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng.

Tại hội nghị tổng kết vào tháng 10/2023 ở TP Bạc Liêu các doanh nghiệp du lịch và các đơn vị thành viên đã chỉ rõ vấn đề này; đồng thời có nhiều đề xuất, góp ý, giải pháp khai thác hiệu quả hơn các chương trình du lịch liên kết.

Ông Phan Đông Nhựt- đại diện Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, phân tích những tồn tại có tính chất chung của toàn vùng, như: các cơ sở lưu trú gắn với thiên nhiên, các khách sạn chuẩn 4 sao trở lên, các nhà hàng cao cấp… nhằm đáp ứng yêu cầu cao của phân khúc khách giàu, siêu giàu thì còn rất thiếu.

Mỗi địa phương cần xây dựng những sản phẩm đặc thù, tạo nên sự trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện
Mỗi địa phương cần xây dựng những sản phẩm đặc thù, tạo nên sự trải nghiệm hấp dẫn cho du khách. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện

Do đó, phải hủy nhiều tour chuẩn cao cấp rất đáng tiếc phải chuyển đoàn ra khỏi khu vực liên kết. Điểm đến mới chưa được đầu tư phát triển; chưa khai thác và kết nối trên tuyến; thiếu sản phẩm, dịch vụ trải nghiệm về đêm; các cơ sở ăn uống phục vụ thị trường chuyên biệt chưa đáp ứng; công tác quảng bá, truyền thông còn yếu và thiếu.

Xây dựng vùng du lịch phía Nam với 3 trục tuyến nhằm mở rộng không gian cho phát triển sản phẩm và cả không gian di chuyển, hiện ngoài tuyến QL1 truyền thống thì tuyến đường ven biển và tuyến đường dọc biên giới Tây Nam chưa thực sự hoàn thiện.

Do đó, cung đường nối tỉnh Trà Vinh và tỉnh Sóc Trăng chưa thông suốt nên không thể kéo dài hành trình. Giao thông đường bộ chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển khách đoàn; các hoạt động “giao thương mậu biên” chưa được khai thác; sản phẩm mới trên cung đường.

Cùng với đó, phát triển sản phẩm chủ yếu theo không gian, trùng lắp, chưa đặc thù, thiếu chiều sâu: chất lượng dịch vụ các điểm đến còn yếu, chưa đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng; chưa định hình chuỗi giá trị du lịch để liên kết chuỗi giá trị trong xây dựng sản phẩm du lịch; chưa xây dựng những chính sách cộng hưởng giữa các địa phương trong liên kết.

Liên kết tạo nên “xung lực” mới cho vùng

Chỉ ra tiềm năng và hạn chế để các đơn vị, doanh nghiệp cùng đặt niềm tin cho tương lai phát triển tốt đẹp tạo nên bức tranh Vùng du lịch phía Nam với nhiều gam màu sáng hơn, nếu giải quyết tốt các vấn đề, sự liên kết chặt chẽ hơn, quyết tâm nhiều hơn. Chúng ta còn rất nhiều dư địa phát triển trong mối liên kết này.

Nhận định chung của các doanh nghiệp lữ hành, thì du khách trong nước của ĐBSCL trong thời gian tới chủ yếu vẫn sẽ đến từ Hà Nội, Đà Nẵng, Tây Nguyên, TP Hồ Chí Minh và Đông Nam Bộ; cùng với đó, thị trường quốc tế du khách chủ yếu đến từ khu vực Đông Bắc Á, Tây Âu và các nước như: Mỹ, Úc, Newzealand, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Campuchia...

TP Hồ Chí Minh cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa liên kết để phát triển sản phẩm du lịch liên kết theo không gian, liên kết hợp tác quốc tế, liên kết vùng. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện
TP Hồ Chí Minh cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa liên kết để phát triển sản phẩm du lịch liên kết theo không gian, liên kết hợp tác quốc tế, liên kết vùng. Ảnh: Huỳnh Thanh Thiện

Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đề nghị, TP Hồ Chí Minh cùng 13 tỉnh, thành ĐBSCL cần quan tâm thực hiện tốt hơn nữa định hướng liên kết để phát triển sản phẩm du lịch liên kết theo không gian, liên kết hợp tác quốc tế, liên kết vùng, liên kết cụm du lịch, liên kết theo nội dung, liên kết phát triển sản phẩm, liên kết thị trường, liên kết quảng bá xúc tiến và liên kết giữa doanh nghiệp du lịch.

Ông Lê Thanh Phong- Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, cho rằng mối liên kết này không phải là “hai đối tác” giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL, mà chúng ta nên nghĩ đến khái niệm đây là một không gian chung vùng du lịch phía Nam kéo dài từ Cần Giờ cho đến mũi Cà Mau.

Bà Bùi Thị Ngọc Hiếu- Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, nhìn nhận: “Đánh giá điểm đến, đề xuất phát triển các chương trình du lịch liên kết TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL trong kết nối giao thông, thương mại, văn hóa, du lịch… đã đi vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thực tế, góp phần phục hồi hoạt động du lịch và tăng trưởng kinh tế của ĐBSCL nói riêng, cả nước nói chung.

Đồng thời, thúc đẩy phát triển du lịch của từng địa phương, từng bước xây dựng, phát triển thương hiệu du lịch vùng. Thúc đẩy, tạo sự liên kết lan tỏa, tổng thể trên nhiều lĩnh vực giữa TP Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành ĐBSCL theo hướng bền vững, cùng nhau phát triển”.

NGỌC TRẢNG