Vĩnh Long hướng đến sản phẩm du lịch văn hóa

Cập nhật, 14:00, Thứ Tư, 30/12/2020 (GMT+7)

 

Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh ở Vũng Liêm sẽ mở ra cơ hội giới thiệu nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer.
Xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, tâm linh ở Vũng Liêm sẽ mở ra cơ hội giới thiệu nét văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer.

(VLO) Ông Nguyễn Khắc Khoan- Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Vĩnh Long- cho biết: “Trong Đề án Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, Vĩnh Long xác định du lịch văn hóa là sản phẩm định hướng phát triển trong tương lai. Và chúng ta có đầy đủ khả năng, tiềm năng đẩy mạnh sản phẩm du lịch theo hướng văn hóa, có thể thu hút nguồn khách lớn trong, ngoài nước”.

Theo đó, phát triển du lịch văn hóa dựa trên việc khai thác đặc điểm lịch sử của các di tích và thân thế sự nghiệp các vị nguyên thủ, nhà khoa học, học giả, trí thức có tầm ảnh hưởng quốc gia qua các thời kỳ, qua đó khẳng định Vĩnh Long là vùng đất học, vùng địa linh nhân kiệt. Đồng thời, khai thác các giá trị lễ hội, văn hóa tại các di tích để quảng bá thu hút du khách.

Sắp tới, Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch sẽ hỗ trợ các cơ sở, doanh nghiệp thiết kế chương trình tham quan đến các di tích tiêu biểu của tỉnh gắn với các sự kiện lễ hội hàng năm tổ chức tại các di tích.

Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa- một trong những điểm đến của du lịch văn hóa ở huyện Tam Bình.
Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa- một trong những điểm đến của du lịch văn hóa ở huyện Tam Bình.

Trong đó, xác định nét độc đáo của từng di tích để quảng bá, tạo điều kiện cho các cơ sở kinh doanh du lịch giới thiệu đến du khách, xây dựng tour du lịch như: Văn Thánh miếu (1 trong 3 Văn Miếu còn lại ở Việt Nam còn giữ nguyên bản) là điểm nhấn quan trọng trong việc giới thiệu quảng bá về đất học Vĩnh Long; Công Thần miếu với nét độc đáo là nơi lưu giữ 85 đạo sắc phong của nhà Nguyễn cấp thời Thiệu Trị và Tự Đức; Thất Phủ miếu (chùa Ông) là nơi ghi dấu ấn người Hoa định cư tại Vĩnh Long,… Tập trung chọn lọc các di tích cấp quốc gia thuận lợi tuyến đường đi để đưa vào phục vụ khách du lịch.

Trưởng Phòng Quản lý du lịch- Nguyễn Trọng Tín thì cho biết: “Sau những chuyến khảo sát tổng quan tình hình hoạt động, nắm lại thực tế các cơ sở, điểm- tuyến du lịch trong tỉnh thì các bộ phận chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổ chức biên soạn, xây dựng các bài thuyết minh sắc nét về các di tích, về vùng đất địa linh nhân kiệt và đất học Vĩnh Long để đội ngũ thuyết minh có nguồn kiến thức phong phú về địa phương, truyền đạt thật tốt đến với du khách”.

Đồng thời, nâng cao chất lượng hoạt động và kết hợp xây dựng “câu chuyện điểm đến” cho Bảo tàng tỉnh, các di tích quốc gia nhằm phát huy vai trò của yếu tố tín ngưỡng trong việc định hướng phát triển du lịch tâm linh trong thời gian tới.

Đa dạng hóa các hình thức phục vụ khách tại Bảo tàng và các di tích thông qua việc bổ sung các buổi trình diễn đờn ca tài tử, nghệ thuật hát bội vào hoạt động định kỳ (tháng hoặc quý), góp phần khai thác có hiệu quả tài nguyên du lịch văn hóa, tạo nét đặc trưng riêng của du lịch Vĩnh Long.

Đối với việc đưa sản phẩm du lịch văn hóa vào định hướng phát triển, sẽ giúp cho các tour- tuyến du lịch của Vĩnh Long mở rộng ra ngoài địa bàn 4 xã cù lao, nối tour vào các tuyến đường thủy và đường bộ giữa 2 địa bàn Long Hồ và Vũng Liêm.

Có thể đưa văn hóa ẩm thực Khmer vào thực đơn tại các điểm du lịch.
Có thể đưa văn hóa ẩm thực Khmer vào thực đơn tại các điểm du lịch.

Đặc biệt tuyến đường sông có 2 hướng là sông Long Hồ và sông Cổ Chiên kết nối 4 xã cù lao Long Hồ và cù lao Dài của Vũng Liêm. Hiện Vũng Liêm đang phát triển nhiều điểm homestay và resort đủ điều kiện phục vụ đa dạng các nguồn khách trong, ngoài nước.

Tương lai Vũng Liêm cũng sẽ là điểm dừng chân mới với những gói tour khám phá sâu về du lịch văn hóa, tâm linh. Với nhiều di tích, công trình văn hóa, lịch sử, các di tích lớn, đa dạng, phong phú có thể xây dựng thành nhiều gói tour hấp dẫn.

Theo nhận xét của các hãng lữ hành lớn, thì Vũng Liêm sẽ là trung tâm kết nối lý tưởng với các hướng Long Hồ- Cần Thơ- Trà Vinh và Bến Tre, theo các tuyến đường bộ lẫn đường sông. Đây cũng sẽ là địa bàn có lợi thế nhất để đón nguồn khách mở rộng theo tuyến đường ven biển trong tương lai.

Do đó, đưa sản phẩm du lịch văn hóa vào định hướng phát triển là bước đi đón đầu, nắm bắt cơ hội mở rộng nhiều tour- tuyến và sự kết nối mạnh mẽ giữa du lịch Vĩnh Long với các tỉnh lân cận.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG