Khôi phục chợ nổi, hướng đi quá hay!

Cập nhật, 13:59, Thứ Ba, 03/03/2020 (GMT+7)

Những người làm nghề du lịch lâu năm luôn đau đáu câu chuyện chợ nổi ở đồng bằng, một sản phẩm mang đậm nét văn hóa riêng biệt miền sông nước. Không ít những câu hỏi đặt ra như trách nhiệm chung, tại sao Thái Lan họ không hề có chợ nổi lại có sản phẩm du lịch ăn khách, trong khi ĐBSCL mình thì loại hình này ngày càng trở nên đìu hiu và có nguy cơ khai tử?

Mênh mông sông nước chợ nổi Cái Bè.
Mênh mông sông nước chợ nổi Cái Bè.

Và đã có những dự án đang ấp ủ, cùng dự án đã triển khai được xem là hướng đi tuyệt vời, đáng quan tâm, được sự ủng hộ từ địa phương, các doanh nghiệp lẫn người dân.

Nhưng phải khẳng định trước tiên rằng đây là hướng đi quá khó! Không nhiều người nghĩ đến vì nó “bất khả thi”. Chỉ những ai đủ tâm, đủ tầm và lực mới dám khởi phát ý tưởng này.

Bởi chợ nổi nó gắn liền với hoạt động buôn bán truyền thống lâu đời của vùng sông nước Nam Bộ và nó cũng sẽ tự bị đào thải khi xã hội phát triển mạnh mẽ các loại hình giao thông khác, nhất là đường bộ, mua bán trên sông không còn phù hợp nữa thì bà con cũng phải… kéo ghe lên bờ tìm kế mưu sinh khác thôi.

Tại ITE TP Hồ Chí Minh năm 2019, Phó Tổng Giám đốc Bến Thành Tourist đã đặt vấn đề phối hợp với địa phương xây dựng dự án giữ gìn và phát triển mạnh mẽ chợ nổi Ngã Năm; tuy nhiên về vị trí địa lý đây sẽ là câu chuyện của… tương lai.

Bởi chỉ khi nào có định hướng chiến lược kéo dài các tour chiều sâu thâm nhập dài ngày mới có thể khai thác về miệt dưới, nói theo hướng khai thác nguồn khách chính qua cửa ngõ TP Hồ Chí Minh bởi đoạn đường quá xa.

Dù sao, khi địa phương và doanh nghiệp cùng có ý tưởng “gặp nhau” cũng là điều đáng mừng, ít nhiều mở ra hy vọng khôi phục, giữ gìn một nét đẹp văn hóa đồng bằng xưa.

Trong khi đó, có một “ông chủ” doanh nghiệp du lịch tầm cỡ đã lặng lẽ xúc tiến việc khôi phục lại chợ nổi Cái Bè từ khoảng giữa năm ngoái và giờ thì nó đã bắt đầu đi vào hoạt động.

Ông Phan Xuân Anh- Chủ tịch HĐTV Công ty Du Ngoạn Việt- đã tìm đủ đường để đưa bà con “lên bờ” trở lại với chợ nổi. Trong giới du lịch đều biết tiếng ông Xuân Anh là chủ doanh nghiệp rất thành công trong việc khai thác nguồn khách tàu biển và chính bản thân ông cũng đau đáu về sản phẩm chợ nổi miền Tây.

Du khách thích thú dạo chợ nổi.
Du khách thích thú dạo chợ nổi.

Việc chọn chợ nổi Cái Bè là lẽ đương nhiên trong bài toán xây dựng và khai thác tour bắt đầu từ TP Hồ Chí Minh, bởi quãng đường không xa và có đoạn cao tốc đã giúp cho các gói tour đi về trong ngày là vô cùng thuận lợi.

Mặt khác, chợ nổi Cái Bè nằm ngay trên liên tuyến du thuyền Đông Dương và từ đây có thể mở rộng khai thác các gói tour truyền thống phong phú.

Đó là làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè), cùng các cụm cù lao Tân Phong, các cù lao thuộc huyện Long Hồ (Vĩnh Long), nơi có nhiều dịch vụ sinh thái và homestay khá
hoàn chỉnh.

Được biết, khi manh nha ý tưởng này thì có một số hướng dẫn viên lâu năm cũng không tin dự án này thành công, các doanh nghiệp khác thì ủng hộ nhưng không ai mặn mà tham gia.

Tuy nhiên, là doanh nghiệp có tiềm lực và nguồn khách to lớn với hơn 70.000 khách tàu biển mỗi năm, nên ông chủ Du Ngoạn Việt quyết tâm đi đến cùng dự án này.

Dự án ban đầu tài trợ cả nguồn thu nhập cho những bà con tham gia với mức 3 triệu đồng/người/tháng. Hỗ trợ phương tiện ghe lớn và các xuồng loại nhỏ; những chiếc ghe lớn loại 18 tấn- 30 tấn được mua và sửa chữa lại với giá trong khoảng 60 triệu đến 80 triệu đồng, để cho bà con mượn là 16 chiếc cùng 10 chiếc ghe loại nhỏ.

Sau một thời gian, đã có một số doanh nghiệp du lịch của Tiền Giang và Vĩnh Long cũng tham gia dự án này.

Khi việc mua bán bước đầu ổn định sẽ tiếp tục được triển khai nhiều dịch vụ, hoạt động khác nhằm làm tăng thêm sinh khí, sắc thái, sự nhộn nhịp của chợ nổi, hấp dẫn du khách hơn.

Theo dự báo, nếu không có gì bất ngờ thì đợt khách cao điểm cuối năm nay cũng sẽ là giai đoạn chợ nổi Cái Bè đã dần đi vào ổn định. Cũng là sự thu hút mạnh mẽ nguồn khách của những năm tiếp theo. Lúc đó, nguồn thu từ du lịch sẽ chính là động lực và nguồn thu nhập tăng thêm cho bà con tham gia dự án này.

Những chiếc ghe cũ được mua từ các tỉnh: Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng… loại 60- 80 tấn, có giá khoảng 60- 80 triệu đồng/chiếc, được sửa chữa lại cho bà con mượn. Bà con tham gia dự án sẽ được hỗ trợ ban đầu 3 triệu đồng/người/tháng.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG