Dự báo làn sóng du khách tương lai

Cập nhật, 11:45, Thứ Năm, 20/02/2020 (GMT+7)
Đoàn 18 du khách Australia, ghé thăm trang trại trồng rẫy và chăn nuôi của hộ dân ở ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu (Long Hồ), ngày 13/2/2020.
Đoàn 18 du khách Australia, ghé thăm trang trại trồng rẫy và chăn nuôi của hộ dân ở ấp Phước Hanh A, xã Phước Hậu (Long Hồ), ngày 13/2/2020.

Du lịch Việt Nam đã nhiều lần diễn biến theo biểu đồ hình sin, sau những đợt đi xuống là làn sóng du khách mới ồ ạt đổ vào Việt Nam. Mỗi lần biến động tăng giảm đều có lý do của nó.

Lần này, nội ngành dự đoán giảm trên 7 tỷ USD do ảnh hưởng dịch Covid-19; nhưng từ thực tế tình hình phòng, chống dịch bệnh được thế giới đánh giá cao, du khách an tâm ngay khi dịch bệnh đang cao điểm. Đây là cơ sở để dự báo chúng ta sẽ đón nguồn du khách mới theo chiều hướng tăng, nếu biết cách tận dụng cơ hội và cơ cấu lại ngành du lịch một cách hợp lý hơn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã “nhấn mạnh với toàn xã hội” về tình hình phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam đã đạt hiệu quả cao, chứng tỏ với thế giới đất nước chúng ta đang là điểm đến an toàn ở cả 2 khía cạnh: an toàn trong côngtác phòng, chống dịch và an toàn tự nhiên, là về mặt khí hậu, địa lý vô cùng thuận lợi.

Dịch bệnh đã ảnh hưởng ngay tức thì đến ngành du lịch, trong đó lượng khách đến từ vùng dịch và việc hủy tour của nhiều du khách do lo ngại sự lây nhiễm trong quá trình xuất nhập cảnh. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tốt để Việt Nam tạo nên niềm tin và tâm lý an toàn, đồng thời mở ra xu hướng khai thác thị trường mới trong tương lai.

Kinh nghiệm của những đợt sụt giảm nguồn khách trong quá khứ như những năm thập niên 90 của thế kỷ trước và những đợt tăng đột biến những năm 2000, 2005…, chúng ta nhận thấy, ngay trong thời điểm này việc cân đối lại nguồn khách, cơ cấu lại thị trường du lịch là bước đi kịp thời và đúng đắn, đó là sự nhạy bén, điều chỉnh linh hoạt của những nhà quản lý, các doanh nghiệp du lịch.

Bên cạnh việc khai thác thị trường truyền thống, thị trường chủ lực, du lịch cần không ngừng mở rộng thị trường mới, nguồn khách mới đa dạng, sẽ tạo nên biểu đồ phát triển bền vững, một khi có sự biến động của một thị trường nào đó, hoặc có sự ảnh hưởng của những yếu tố mang tính toàn cầu, điển hình như dịch Covid-19 đang diễn biến.

Thêm một thực tế, là sau khi dịch bệnh chấm dứt thì nhiều tháng sau thị trường du lịch mới phục hồi; đặc biệt là nguồn khách quốc tế, luôn chậm từ 6 tháng đến 1 năm. Do đó, khủng hoảng của ngành sẽ còn kéo dài. Tuy nhiên, cũng từ kinh nghiệm quá khứ chúng ta nhận thấy, lượng khách sụt giảm là sự “nén lại” của nguồn khách, nhưng sau đó thường sẽ là những “làn sóng” du khách tăng đột biến.

Do đó, ngay trong thời điểm này, cùng với công tác nỗ lực, quyết liệt phòng, chống dịch, thì ngành du lịch đã sớm tính toán chuyện cơ cấu ngành và mở rộng thị trường là hướng đi hợp lý, nhanh nhạy với thị trường.

Do đó, ông Lê Thanh Phong- Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch ĐBSCL- cho rằng, du lịch đồng bằng sẽ hưởng ứng kích cầu du lịch ngay trong thời điểm này, mà không đợi đến hết dịch mới triển khai sẽ trở nên chậm trễ.

Du lịch Vĩnh Long trong những ngày qua cũng đã liên tục triển khai nhiều cuộc họp, hội nghị đánh giá tình hình và triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tại hội nghị mới đây, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Long Phan Văn Giàu đã thông báo tổng quan tình hình dịch bệnh và công tác triển khai phòng chống dịch Covid-19 của ngành.

Vĩnh Long là địa phương không có ca nhiễm bệnh hay ca nghi ngờ nhiễm bệnh nào cho tới thời điểm này, nhưng ngành du lịch không hề chủ quan, ngược lại chúng ta cũng không hoang mang, lo sợ quá đáng. Thời tiết ấm áp, nhiều nắng ở phía Nam là lợi thế an toàn tự nhiên đối với đặc tính của Covid-19.

Du thuyền mang quốc tịch nước ngoài đang neo đậu trên sông Cổ Chiên và cho khách tham quan 4 xã cù lao Long Hồ, ngày 10/2/2020.
Du thuyền mang quốc tịch nước ngoài đang neo đậu trên sông Cổ Chiên và cho khách tham quan 4 xã cù lao Long Hồ, ngày 10/2/2020.

GS. bác sĩ Phùng Văn Hải- nguyên cố vấn cao cấp của Bộ Y tế Australia, chuyên gia về phòng chống dịch bệnh, cùng vợ cũng là bác sĩ, đã có chuyến du lịch dài ngày hơn 1 tuần lễ tại Vĩnh Long đã tỏ ra rất thoải mái và an tâm, trải nghiệm đến rất nhiều điểm tham quan, du lịch; đồng thời ông đã tiếp đón một đoàn khách quen cũng đến từ Australia về Vĩnh Long trong vài ngày.

Với tư cách là một khách du lịch, ông Hải đánh giá cao công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam và cảm thấy rất an toàn khi ghé thăm các điểm du lịch sinh thái ở 4 xã cù lao Long Hồ, Khu du lịch Hoàng Hảo (60ha) ở xã Thanh Đức, khu trồng rẫy, chăn nuôi của hộ dân ở xã Phước Hậu (Long Hồ)…

Ông Phan Văn Giàu cho biết, ngay trong năm 2020 ngành du lịch Vĩnh Long sẽ tập trung giải quyết 2 “nút thắt” lớn nhất và đã kéo dài hàng chục năm qua, đó là xây dựng bến tàu du lịch đạt chuẩn và công tác khảo sát nạo vét kinh Cái Muối, là huyết mạch chính của tour sông nước ở 4 xã cù lao.

Từ trong cuộc khủng hoảng chung của ngành du lịch do dịch Covid-19, ngành du lịch Vĩnh Long cũng đã cho thấy những tín hiệu lạc quan. Cùng với đó, Vĩnh Long đang xuất hiện nhiều nhà đầu tư, nhiều điểm du lịch mới mang lại sự đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều nguồn khách trong, ngoài nước.

™Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG