Chương trình Tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020: Nắm khó khăn để triển khai tốt

Cập nhật, 13:46, Thứ Tư, 13/12/2017 (GMT+7)

 

Chất lượng dạy và học Tiếng Anh được nâng lên, thể hiện ngay trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.
Chất lượng dạy và học Tiếng Anh được nâng lên, thể hiện ngay trong kỳ thi THPT quốc gia 2017.

Sau 3 năm triển khai, chương trình Tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 trên địa bàn tỉnh bước đầu đã có kết quả. Tuy nhiên, vẫn còn cần nhiều sự quan tâm để duy trì và đạt kết quả tốt hơn…

Nâng chất lượng Tiếng Anh

Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD- ĐT về việc triển khai dạy Tiếng Anh cấp THCS và THPT theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020, từ năm học 2014- 2015 đến nay, Vĩnh Long đã bắt đầu qua năm thực hiện thứ 4.

Ngày đầu triển khai, chỉ có 4 lớp 10 với 149 học sinh và 18 lớp 6 với 806 học sinh. Năm học 2017- 2018, cấp THCS có 216 lớp với 7.244 học sinh, ở cấp THPT có 146 lớp với 5.045 học sinh.

Theo đánh giá của Sở GD- ĐT, hiệu quả có thể nhận thấy nhất là qua kỳ thi THPT quốc gia 2017, tỷ lệ học sinh đạt từ điểm 5 trở lên đạt 88,89%, trong đó đạt loại khá giỏi là 54%.

Các em học sinh theo học chương trình thì kỹ năng nghe, nói, đọc, viết (đặc biệt là nghe, nói) trội hơn so với học sinh học chương trình bình thường vốn nặng về đọc hiểu, ngữ pháp.

Theo cô Phạm Thị Anh Thư (Phòng GD- ĐT TP Vĩnh Long), ưu điểm của chương trình mới là phân phối đều thời gian cho dạy học, ôn tập, kiểm tra định kỳ, trả sửa bài và thời gian dự phòng. Thực hiện đề án, các học sinh luôn đạt chất lượng khá, giỏi từ 80% trở lên.

Một trong những ưu điểm của chương trình, chính là sách giáo khoa mới. “Chương trình hay, trang bị nhiều kiến thức bổ ích, phát huy được khả năng sáng tạo, khơi dậy và bồi dưỡng năng khiếu học ngoại ngữ cho các em học sinh…”- cô Anh Thư cho biết.

Trong khi đó, tại Trường THPT Mang Thít, các số liệu cho thấy hiệu quả từ việc triển khai chương trình mới. Hiện nay, toàn trường có hai giáo viên đạt chứng nhận C1, số giáo viên còn lại đều đạt chuẩn B2, đủ điều kiện để dạy các lớp Tiếng Anh theo đề án.

Theo thầy Huỳnh Công Toàn- giáo viên nhà trường, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT quốc gia của các lớp đề án cao hơn những lớp bình thường.

Cụ thể, tỷ lệ giỏi trội hơn 31%; khá trội hơn gần 6%, đậu tốt nghiệp trội hơn 43%. “Học sinh học môn Tiếng Anh theo đề án thì các kỹ năng đều tốt hơn. Đồng thời khả năng tự học, làm việc nhóm cũng tốt hơn do các em phải đi thực tế để thu thập thông tin, làm bài tập…”- thầy Công Toàn chia sẻ.

Nắm khó khăn để triển khai tốt

Tuy đã có những kết quả rất đáng khích lệ nhưng việc triển khai cũng phát sinh nhiều khó khăn cho các nhà quản lý, giáo viên và học sinh.

Cụ thể như vấn đề đảm bảo yêu cầu về năng lực của học sinh đầu vào, năng lực và điều kiện học tập của học sinh vùng khó khăn, tình trạng cơ sở vật chất còn hạn chế, chương trình sách giáo khoa còn nặng…

Theo cô Phạm Thị Anh Thư, mặc dù có những ưu điểm nhưng sách giáo khoa mới cũng có những hạn chế: “So với sách cũ thì sách mới có sự thay đổi khá đột ngột về lượng và chất. Nội dung này cần tính đến việc quy hoạch cả lớp học.

Mỗi lớp chỉ nên từ 20 học sinh trở xuống và sơ đồ chỗ ngồi không thể theo quy cách truyền thống. Muốn làm được điều này cần có diện tích phòng học thích ứng (nhưng rất khó)”.

Cô Nguyễn Thị Phí- Trường THPT Lê Thanh Mừng- cũng chia sẻ một số khó khăn trong việc triển khai chương trình. Theo cô, trang thiết bị phục vụ cho giảng dạy vẫn còn thiếu, chưa có phòng nghe, chưa có máy chiếu. Bên cạnh đó, chất lượng đầu vào của học sinh, khả năng tự học và tâm lý còn e dè vì sợ chương trình nặng.

Còn cô Nguyễn Lê Bích Hiền- Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm- cho rằng, khối lượng kiến thức được phân bổ cho mỗi tiết dạy rất nặng, cho nên giáo viên phải dạy nhanh và không sâu được ở các điểm ngữ pháp và từ vựng.

Nhưng đây lại là phần quan trọng và chiếm nhiều điểm nhất trong kỳ thi THPT quốc gia. “Nếu các em học sinh không hiểu sâu bài thì các em tỏ ra chán nản, và chỉ học đối phó…”- cô Bích Hiền chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Hoài Dung- Trường THPT Vĩnh Xuân (Trà Ôn)- đề xuất: Thời gian tới, cần có sự định hướng của Hội đồng bộ môn trong việc giảng dạy chương trình ngay từ đầu năm học.

Song song đó, cũng tạo điều kiện để giáo viên dự giờ, trao đổi kinh nghiệm về giảng dạy, tài liệu tham khảo giữa các trường…

Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian tới cần quan tâm nhiều hơn đến cơ sở vật chất, nhất là các phương tiện ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học, bồi dưỡng và tạo điều kiện để giáo viên học tập, trao đổi kinh nghiệm nhiều hơn.

Từ đó nắm rõ những khó khăn, hạn chế để triển khai các giải pháp đồng bộ, giúp cho việc triển khai chương trình được tốt và đạt hiệu quả cao hơn...

Theo thầy Huỳnh Công Toàn, Sở GD- ĐT cần ra đề kiểm tra học kỳ theo đúng nội dung chương trình các em đang học (sách Tiếng Anh theo đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020). Tránh tình trạng học theo chương trình theo đề án lại phải kiểm tra theo chương trình cơ bản, bởi nội dung khác nhau về cả chủ đề bài dạy và kiến thức ngôn ngữ…

 

 

  • Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN