Đồng Tháp làm "cách mạng du lịch"

Cập nhật, 05:15, Thứ Hai, 16/01/2017 (GMT+7)

Về Đồng Tháp, đâu đâu cũng nghe chuyện làm du lịch. Bầu không khí phấn khích từ lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp đến người dân.

Cuộc “cách mạng du lịch” ở Đồng Tháp mới bắt đầu với sự đồng tâm hiệp lực từ lãnh đạo, doanh nghiệp đến người dân. Tất cả cùng sát cánh, dốc sức cho mục tiêu 10 năm tới Đồng Tháp trở thành “Thủ phủ du lịch miền Tây”.

Làng hoa Sa Đéc là nét riêng mà chỉ Đồng Tháp có được ở miền Tây.
Làng hoa Sa Đéc là nét riêng mà chỉ Đồng Tháp có được ở miền Tây.

Từ “cách mạng du lịch”

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ X, nhiệm kỳ 2015- 2020 đã xác định mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh này, do Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Minh Hoan làm Trưởng BCĐ.

Mục tiêu chung là phát triển du lịch Đồng Tháp với các nét văn hóa, lợi thế đặc trưng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm với từng định vị rõ ràng. Qua đó, tạo nên một bức tranh du lịch Đồng Tháp hoàn thiện và khác biệt, không trùng lặp với các địa phương khác.

Đến năm 2020: vươn lên tốp đầu khu vực ĐBSCL về lượt khách tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng và tổng doanh thu từ du lịch. Phát triển du lịch Đồng Tháp trở thành 1 trong 3 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực ĐBSCL, là ưu tiên lựa chọn hàng đầu của du khách trong và ngoài nước.

Do đó, Đồng Tháp đang chung tay làm một cuộc cách mạng du lịch từ xuất phát còn nhiều khó khăn. Nói như đại diện Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch tỉnh này thì: Du lịch Đồng Tháp chưa lan tỏa, hình ảnh còn mờ nhạt, chưa có nhiều người biết đến.

Tuy nhiên, tỉnh có những thế mạnh và những điểm đến hấp dẫn như Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Gò Tháp; Khu du lịch Văn hóa Phương Nam; Làng hoa kiểng và các làng nghề thủ công.

Mỗi năm, Đồng Tháp thu hút khoảng 2,5 triệu lượt khách, chủ yếu là khách hành hương, doanh thu thấp (khoảng 500 tỷ đồng), bình quân mỗi khách du lịch đến Đồng Tháp chỉ chi tiêu khoảng 500.000đ.

Ẩm thực Đồng Tháp cũng khá nổi tiếng với nhiều món ăn độc đáo: nem Lai Vung, nhãn Châu Thành, hủ tiếu Bà Sẫm,… Ông Nguyễn Văn Dương- Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Chúng tôi xác định du lịch là mũi nhọn phát triển song hành cùng nông nghiệp”.

Bằng sự quyết tâm, đoàn kết và hết lòng cho sự phát triển du lịch của tỉnh nhà, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã có những cách làm mới vì lợi ích chung của người dân.

Hình ảnh lãnh đạo tỉnh đồng hành trong những hoạt động đã gây ấn tượng mạnh với nhiều chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành.

Ông Nguyễn Văn Mỹ- Chủ tịch Lửa Việt Tours nói: “Đồng Tháp có sự ăn ý, năng động, cầu thị, quyết tâm làm cách mạng du lịch với cặp bài trùng là Bí thư Tỉnh ủy và Chủ tịch UBND tỉnh”.

Ông Mỹ bị chinh phục bởi sự nhiệt thành của Đồng Tháp khi được cả Bí thư và Chủ tịch tỉnh dẫn đi “thị sát tình hình”, được tai nghe mắt thấy. Trong bài tham luận của mình, ông nhấn mạnh: “… Sẵn sàng “làm chết bỏ” vì Đồng Tháp nghĩa tình, cầu thị và ưu ái hết mình”.

Để thực hiện cuộc cách mạng này, Đồng Tháp không bao cấp đầu tư mà chỉ hỗ trợ kinh phí tư vấn các công trình chung và cho vay ưu đãi rồi trừ dần vào sản phẩm. Đặc biệt, mọi thứ phải minh bạch và được quản lý theo quy hoạch cung- cầu của thị trường.

Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng thu hút du khách.
Khu du lịch sinh thái Gáo Giồng thu hút du khách.

Đến “Du lịch trách nhiệm”

Du lịch trách nhiệm là loại hình du lịch lý tưởng, chủ động từ nhà tổ chức và các đơn vị cung cấp dịch vụ cho đến khách hàng và người dân tại chỗ.

Ông Nguyễn Văn Dương cho rằng: Từ mong muốn tới hiện thực còn rất nhiều thách thức, trở ngại; Đồng Tháp rất mong sự góp sức của nhiều nhà đầu tư, các doanh nghiệp lữ hành, truyền thông. Ông cũng mong muốn được nghe những góp ý chân thành những hiến kế đồng hành cùng du lịch Đồng Tháp.

Mỗi cá nhân và tập thể đều có ý thức để thực hiện các phần việc của mình. Nói rộng hơn, trách nhiệm còn ở cả du khách và người dân địa phương. 

Du khách không chỉ biết hưởng thụ mà còn làm ra các giá trị sản phẩm thông qua các hoạt động đóng góp cho lợi ích cộng đồng tại điểm đến, tham gia bảo vệ môi trường sống, tự nhiên, văn hóa.

Từ góc nhìn của người quản lý doanh nghiệp, ông Trần Việt Hùng- Tổng Giám đốc Saigontourist cho rằng: “Tôi thật sự ấn tượng với chỉ số năng lực cạnh tranh PCI của Đồng Tháp”.

Ông cũng cho rằng Đồng Tháp và nhiều nơi khác khi phát triển du lịch đã, đang và sẽ đối diện với rất nhiều vấn đề liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, liên quan đến trách nhiệm của ngành trước nền kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường.

Du lịch trách nhiệm là phương cách tái đầu tư cho ngành du lịch, liên quan nhiều vấn đề bảo tồn sự đa dạng của văn hóa và thiên nhiên.

Do đó trong quá trình khai thác cần đảm bảo những nguyên tắc để du lịch phát triển bền vững và muốn làm được điều này cần có sự hợp tác giữa cơ quan ban ngành, các tổ chức xã hội, cộng đồng người dân và du khách.

Ông Trần Việt Hùng góp ý thêm: cần xây dựng các chiến lược kinh doanh, chính sách thu hút đào tạo nhân lực phù hợp với nguyên tắc có trách nhiệm, nghiên cứu đề xuất các sản phẩm đặc thù. Bên cạnh đó, công tác giáo dục phải đặt lên hàng đầu vì giáo dục để nâng cao nhận thức là rất quan trọng.

Đồng Tháp xác định làm du lịch gắn với giảm nghèo cho nhân dân. Ông Nguyễn Văn Dương cho biết: Đồng Tháp sẽ tiên phong đột phá “du lịch trách nhiệm” để thực hiện khát vọng của mình.

Nhiều năm liền, Đồng Tháp xếp thứ hạng cao về năng lực cạnh tranh: năm 2012 xếp thứ nhất, 2014 và 2015 xếp thứ 2 so với 63 tỉnh- thành trong cả nước.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- CAO HUYỀN