Về Tam Bình viếng tiền nhân, thăm di tích

Cập nhật, 17:32, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

Tam Bình không chỉ có đất lành, trái ngọt mà còn là vùng đất địa linh nhân kiệt. Đến Tam Bình viếng Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, tiền hiền Phan Công An, Ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi, Khu căn cứ cách mạng Cái Ngang,...

Về với Tam Bình, không chỉ đầy lòng ngưỡng mộ, tự hào mà còn được học hỏi truyền thống hào hùng, để sống và làm việc xứng đáng hơn với những gì cha ông để lại.

Khu lưu niệm là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.
Khu lưu niệm là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Vùng đất của những anh hùng

Anh hùng hào kiệt của Tam Bình từ thời mở đất- chính là Quan tiền hiền Phan Công An, người có công khai khẩn đất hoang từ Ba Xuyên, Giang Đạo đến Long Hồ Dinh. Vợ chồng ông là người khai khẩn đất hoang lập ấp ở vùng đất Tam Bình, được nhân dân yêu mến.

Sau khi ông bà qua đời, người dân lập miếu thờ (miếu Quan tiền hiền Phan Công An ngày nay) ở ấp Mỹ Phú 1 (xã Tường Lộc) và trở thành một di tích lịch sử cấp tỉnh kể từ năm 2000.

Miếu Quan tiền hiền Phan Công An.
Miếu Quan tiền hiền Phan Công An.

Ở Tam Bình còn có những chức sắc tôn giáo sống tốt đạo, đẹp đời, có công lớn trong cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngọc đầu sư Nguyễn Văn Ngợi (1900- 1988) quê ở Tiền Giang nhưng lớn lên, ông về Vĩnh Long dạy học.

Ông Ngợi đã đào tạo được nhiều người tài giỏi gánh vác trọng trách đất nước, trong đó có cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng. Khu lưu niệm của ông ở Khóm 3 (thị trấn Tam Bình) cũng được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2012.

Ông Ngô Tùng Châu- người bắn rơi máy bay của Pháp đầu tiên ở Vĩnh Long ngày 28/1/1949- cũng là một người con của Tam Bình. Tên ông nay được đặt cho công viên thuộc khuôn viên Trung tâm Văn hóa huyện. Vào cổng chính, khách tham quan thấy ngay bức tượng đài 12m2 gồm chân dung Ngô Tùng Châu và phù điêu các chiến sĩ Tiểu đoàn 308.

Bạn Ngô Quốc Anh (thị trấn Tam Bình) nói: “Mình nghĩ sức mạnh chính nghĩa đã giúp cho ông Ngô Tùng Châu với vũ khí thô sơ thời đó vẫn có thể bắn rơi máy bay Pháp”.

Cách đó không xa, Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa là một công trình mới, khuôn viên mở cho mọi người khi về với Tam Bình. GS.VS Trần Đại Nghĩa là Anh hùng lao động, được mệnh danh là “ông vua vũ khí Việt Nam”.

Tốt nghiệp 5 trường đại học lớn của Pháp, GS.VS Trần Đại Nghĩa là người có trí thông minh tuyệt vời: Những quyển sách vũ khí của Pháp không thể mượn về, ông đọc và thuộc tại thư viện. Nhà khoa học lớn ấy đã từ bỏ mức lương vài chục lượng vàng mỗi tháng ở Pháp để về với cách mạng Việt Nam. Ông đã cải tiến tên lửa Sam 2 bắn rơi máy bay B52.

Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa có không gian mở.
Khu lưu niệm GS.VS Trần Đại Nghĩa có không gian mở.

Thuyết minh viên của Khu lưu niệm, chị Nguyễn Thị Tuyết Lam giọng đầy tự hào: “Mỗi khi thuyết minh cho khách, tôi đem vào đó cả lòng tự hào về GS.VS Trần Đại Nghĩa. Tôi biết mình càng phải cố gắng phấn đấu hơn để xứng đáng với truyền thống quê hương”.

Giáo dục truyền thống cho bao thế hệ

Nhiều địa danh ở Tam Bình cũng là nơi giáo dục truyền thống lý tưởng cho thế hệ trẻ. Đó là Khu căn cứ cách mạng Cái Ngang ở Ấp 4 (xã Phú Lộc). Hàng năm, khu căn cứ đón hàng ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh.

Khu căn cứ rộng 10,3ha gồm 2 khu: bảo tồn và trưng bày. Khu trưng bày có hơn 300 hình ảnh và hiện vật trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Khu bảo tồn gồm các công trình phục dựng, tôn tạo như: hệ thống hầm hào công sự, hầm bí mật, hầm chông, bãi lửa,… do các chiến sĩ cách mạng bố trí để chống lại sự tấn công của giặc. Hiện nơi đây đang chuẩn bị xây dựng Khu liên hợp Văn hóa- Thể thao và Du lịch rộng 5ha.

Nhóm cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đến thăm khu căn cứ cách mạng ngay những ngày giáp tết, cho biết: “Tụi em chọn đây là địa điểm họp lớp năm nay, nhằm để hiểu thêm về truyền thống yêu nước kiên cường, bất khuất của cha ông ta”.

Nhóm cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nghe thuyết minh ở Khu căn cứ cách mạng Cái Ngang.
Nhóm cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm nghe thuyết minh ở Khu căn cứ cách mạng Cái Ngang.

Trường THPT Phan Văn Hòa là nơi đăng ký dọn dẹp vệ sinh Khu căn cứ, anh Nguyễn Quốc Vệ- Bí thư Đoàn trường cho biết: “Thông qua việc chăm sóc này, chúng tôi muốn giáo dục cho các em lịch sử địa phương và truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc”.

Ở Miếu quan tiền hiền Phan Công An, ông Huỳnh Long Vân- Phó Ban Quản lý miếu cho biết: “Hàng năm, vào ngày tết, ngày giỗ ông (rằm tháng Giêng), ngày giỗ bà (rằm tháng 10) có hàng trăm người dân đến viếng.

Có người tận Cà Mau, Bạc Liêu cũng đến nữa!” Miếu cũng thường xuyên được học sinh của các trường THCS, THPT ở thị trấn Tam Bình và các xã lân cận đến dọn dẹp, vệ sinh. Ông Huỳnh Long Vân nói thêm: “Những giáo viên dẫn học sinh đến đây còn kết hợp thêm giáo dục truyền thống”.

Các khu lưu niệm, khu căn cứ cách mạng là nơi ghi dấu những tiền nhân, những anh hùng của mảnh đất Tam Bình thật sự là nơi kết nối giữa truyền thống và hiện đại, là nơi học hỏi về tình đất, tình người cho thế hệ trẻ. Đây còn là những địa điểm văn hóa để người dân Tam Bình tụ họp vui chơi, học tập và hiểu thêm về truyền thống hào hùng của một vùng đất và con người đáng tự hào nơi đây.

Huyện Tam Bình còn có các chùa là di tích lịch sử cấp quốc gia như:

Chùa Phước Hậu (ấp Đông Hậu, xã Ngãi Tứ). Chùa là nơi nuôi chứa cách mạng qua các thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Chùa Kỳ Son (ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ) là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc Khmer.

Chùa Đại Thọ (ấp Đại Thọ, xã Loan Mỹ) là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Ngôi chùa cổ kính mang đậm nét văn hóa Khmer và là căn cứ địa cách mạng của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến.

 

Bài, ảnh: VĨNH PHÚC