Di sản văn hóa đậm đà bản sắc

Cập nhật, 08:10, Thứ Ba, 02/02/2016 (GMT+7)

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, cha ông ta đã gầy dựng nên một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong đó, di sản văn hóa phi vật thể đã được lưu truyền từ những bàn tay, khối óc và tâm hồn của những nghệ nhân tài hoa, tiếp nối nhau liên tục qua nhiều thế hệ. Để hôm nay, chúng ta có thể tự hào về gia tài đồ sộ, góp phần vào nền văn hóa, tinh hoa của nhân loại.

Trích đoạn trong vở tuồng cổ: “Trảm Trịnh Ân”.
Trích đoạn trong vở tuồng cổ: “Trảm Trịnh Ân”.

Sự ghi nhận xứng đáng

“Nghệ nhân ưu tú” là danh hiệu vinh dự Nhà nước, được xem là niềm tự hào của những lớp người thầm lặng, giữ gìn và lưu truyền vốn quý của dân tộc.

Với tỉnh Vĩnh Long, ngay trong lần phong tặng đầu tiên năm 2015 được xem là mùa “bội thu” khi tất cả 24 bộ hồ sơ do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT & DL) dày công chuẩn bị đã được đền đáp xứng đáng, với 23 nghệ nhân được phong tặng và 1 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu cao quý này.

Có được điều này, như ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, tự hào khẳng định: Trước hết là chính “Vĩnh Long đã tạo nên vóc dáng hình hài của một vùng đất địa linh nhân kiệt. Di sản văn hóa Vĩnh Long bao gồm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể luôn đóng vai trò quan trọng trong lịch sử phát triển của tỉnh nhà”.

Di sản này không là của riêng tỉnh Vĩnh Long mà chính là tài sản của quốc gia, đã phản ánh một cách trung thực nhất, tiêu biểu nhất của di sản văn hóa Nam Bộ, là nền tảng quan trọng để tạo nên bản sắc văn hóa của Việt Nam.

Do đó, sự đóng góp công sức, trí tuệ, tài năng của các nghệ nhân dân gian là vô cùng to lớn và đáng quý biết bao; dù trải qua bao nhiêu biến đổi thăng trầm, bao nhiêu khó khăn riêng chung, họ vẫn âm thầm “nhóm lửa và giữ lửa” cho tình yêu đối với di sản văn hóa của dân tộc. “Nghệ nhân ưu tú” là sự ghi nhận kịp thời, sự tưởng thưởng xứng đáng cho những nghệ nhân đã một đời tận tâm và cống hiến.

Ở tuổi 90, thầy đờn Năm Thê đã có vẻ yếu đi nhiều, nhưng khi nghe nhắc tới đờn ca tài tử, (ĐCTT) thì vẫn giọng nói sang sảng say sưa như có “lửa”: “Cung thương hòa điệu hàng thế kỷ mênh mang tài tử Nam Bộ, từng cung, từng điệu, từng bản như tiếng tơ lòng khi réo rắc, lúc sầu thương trầm bổng trong những khúc tự tình của dân tộc”.

Chẳng thế mà cả một đời thầy đờn Năm Thê, không nguôi cái cảm xúc trào dâng “mỗi khi ôm cây đàn, nó sướng còn hơn... ôm người đẹp”.

Thầy đờn nổi tiếng xứ Trà Ôn, sinh ra đã được “tắm mình” trong không gian tài tử của hai bên nội ngoại. 15 tuổi, ông được đưa về Bạc Liêu thọ giáo các danh cầm thời bấy giờ trong suốt 8 năm trời, rồi 27 năm “lang bạt kỳ hồ” qua biết bao nhiêu đoàn hát, tiếng đàn tài hoa đã nâng bước cho biết bao nhiêu những nghệ sĩ tài danh, giờ ở tuổi thượng thọ nhưng tình yêu ấy, tài hoa ấy chưa hề phai nhạt.

Hồi 2 năm trước gặp ông, tôi thầm ao ước thầy đờn Năm Thê mạnh giỏi cho đến ngày được vinh danh; giờ đây thấy dáng đi chậm chạp của ông ôm cái bằng Nghệ nhân ưu tú, tôi mừng quá. Còn ông thì bảo: “Ôi thôi, nó mừng vô kể!” Đó cũng là cảm xúc chung của tất cả 23 nghệ nhân ưu tú có mặt trong ngày vui này.

Cần tiếp tục giữ gìn, phát huy

Nghệ nhân ưu tú Hai Quýt bày tỏ niềm xúc động chân thành: “Đây là vinh dự, sự tưởng thưởng, động viên cho từng cá nhân chúng tôi, cho bạn bè, gia đình và tất cả những ai đã và đang đeo đuổi các loại hình nghệ thuật dân tộc.

Tỉnh Vĩnh Long có 3 dân tộc Kinh- Hoa- Khmer cùng cộng cư; mỗi dân tộc có phong tục tập quán riêng, nhưng thường xuyên có sự giao lưu về văn hóa làm cho bộ mặt văn hóa thêm phong phú, đa dạng và có truyền thống lâu đời.

Chúng tôi chỉ là những người lao động bình thương, mưu sinh bằng những ngành nghề khác nhau, song chúng tôi có điểm tương đồng là những người đam mê cái chân thật, thánh thiện, cái đẹp trong cuộc sống”.

Chính niềm đam mê này đã làm vơi đi nỗi nhọc nhằn, vất vả trong cuộc mưu sinh, làm cho cuộc sống bản thân từng nghệ nhân và những người xung quanh có thêm nhiều niềm vui, làm cho cuộc đời này có thêm nhiều ý nghĩa và đáng sống hơn.

Tuy nhiên, các nghệ nhân cho rằng việc học nghề chỉ là sự truyền miệng trong dân gian, truyền nghề theo lối chỉ dạy trực tiếp thầy- trò, có những loại hình chỉ được giữ gìn trong trí nhớ, do đó rất dễ bị thất truyền, khó truyền bá rộng rãi.

Ông Lữ Quang Ngời cho rằng: “Di sản văn hóa phi vật thể tồn tại trong trí nhớ, được lưu truyền bằng con đường truyền miệng của các nghệ nhân và trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình phát triển, quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, nên các di sản này rất dễ bị mai một và luôn tiềm ẩn nguy cơ bị biến mất nhanh chóng.

Do đó, cần có các giải pháp để bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa trong sự phát triển toàn diện của tỉnh Vĩnh Long. Làm cho các di sản văn hóa tiếp tục được tỏa sáng, là nhiệm vụ hết sức quan trọng và có nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn”.

Trước hết, chính các nghệ nhân đang nắm giữ những tri thức, kiến thức, kỹ năng, kỹ thuật của di sản văn hóa phi vật thể cần phát huy hết năng lực niềm đam mê, trao truyền cho các thế hệ trẻ tiếp theo.

Phát huy sức sáng tạo để làm giàu thêm kho tàng văn hóa dân tộc. Sự quan tâm, hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với những nghệ sĩ, nghệ nhân là một trong những việc làm cần thiết và quan trọng để tạo sức lan tỏa mạnh mẽ sự trân trọng, niềm đam mê nghệ thuật dân tộc.

Ông Lưu Hoàng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin- Xúc tiến du lịch cho biết: Trong năm 2016, trung tâm dành ra một khoảng kinh phí để thử nghiệm mô hình hát bộ dưới mái đình Nam Bộ; sau đó có sự khảo sát, nhận xét từ các ngành, các công ty du lịch, phản hồi từ du lịch để đánh giá tính khả thi. Đây cũng là một trong những cách làm thiết thực góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa phi vật thể của tỉnh Vĩnh Long.

Triển khai Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử giai đoạn 2015- 2020”

Sở VH, TT và DL tỉnh Vĩnh Long vừa triển khai Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020”.

Vĩnh Long hiện có khoảng 200 CLB ĐCTT, với hơn 1.700 nghệ nhân được phân bổ ở khắp các địa phương trong tỉnh. Hàng tháng, các CLB này đều duy trì sinh hoạt định kỳ để giao lưu, trao đổi, nâng cao trình độ, kỹ năng đờn, ca.

Ông Nguyễn Xuân Hoanh- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL cho biết: Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT giai đoạn 2015- 2020” được UBND tỉnh ban hành, đồng thời lần đầu tiên Vĩnh Long có 24 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng và truy tặng “Nghệ nhân ưu tú” trên lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể, là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình nghệ thuật ĐCTT ở địa phương.

Thời gian tới, ngành VH, TT và DL phối hợp Hội Văn học nghệ thuật tổ chức nhiều lớp tập huấn ĐCTT, cuộc thi sáng tác lời mới về 20 bài bản Tổ ĐCTT và tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung của đề án đến với quần chúng nhân dân, để đạt được nhiều hiệu quả thiết thực.

NGỌC TRẢNG-MINH TRIẾT

 

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG