Tiềm năng du lịch từ dòng sông Măng

Cập nhật, 18:13, Thứ Bảy, 13/02/2016 (GMT+7)

Nằm giáp 2 dòng sông lớn là sông Tiền (sông Cổ Chiên) và sông Măng Thít (còn gọi là sông Măng) cùng với con người thân thiện, cởi mở- là lợi thế để phát triển du lịch vùng sông nước của huyện Mang Thít.

Từ sông Măng, rẽ vào gạch Tân Qui sẽ có một số điểm đón khách, đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch hướng tới ở nhà dân.
Từ sông Măng, rẽ vào gạch Tân Qui sẽ có một số điểm đón khách, đây cũng là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch hướng tới ở nhà dân.

Tỉnh Vĩnh Long nói chung, huyện Mang Thít nói riêng là một vùng đất nằm giữa ĐBSCL với 2 con sông Tiền, sông Hậu như đôi cánh tay chở che, góp thêm phù sa trù phú. Nếu nhìn từ trên cao thì Vĩnh Long thật sự là vùng đất đặc biệt khi được thiên nhiên ưu đãi, giáp với 7 tỉnh- thành trong khu vực.

Huyện Mang Thít cũng thế, được bao bọc bởi sông Măng và sông Cổ Chiên. Đặc biệt, tàu thuyền muốn đi từ sông Tiền qua sông Hậu đều phải đi dọc theo dòng sông Măng- đây chính là đường sông “độc đạo” để đi từ Cà Mau tới TP Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá, tiềm năng du lịch cặp tuyến sông Măng là rất lớn. Trong những năm qua, các hãng lữ hành kinh doanh tàu du lịch đã khai thác khá hiệu quả các điểm vườn thuộc các huyện Trà Ôn, Tam Bình. Trong đó có xã Tân An Hội của huyện Mang Thít.

Với địa thế này, sông Măng là lựa chọn lý tưởng cho các hãng lữ hành ở TP Cần Thơ khai thác và rất hiệu quả, bằng chứng là càng ngày càng có nhiều tàu du lịch chạy dọc tuyến sông này.

Cho đến nay, có khoảng 10 du thuyền lớn nhỏ gồm: Bac Sac, Mekong eyes, Dragon eyes,… đều có chương trình dừng chân thưởng thức trái cây, kết hợp đi bộ quanh làng tham quan vườn và nét sinh hoạt nông thôn. Nhắc đến đây, xã Tân An Hội của Mang Thít đã nổi lên với các điểm vườn dừng chân cho khách nước ngoài với hơn 10 năm đón khách.

Theo rạch Tân Qui, len lỏi vào nhà cô Trần Thị Hòa (ấp Tân Hội)- một điểm dừng chân để đón khách du lịch từ các tàu lớn, đang neo đậu bên ngoài sông Măng Thít.

Cô cho biết, điểm đón khách của gia đình đã có hơn chục năm và rất được lòng du khách.

“Họ đến đây tham quan nhà cửa, cây trái, ruộng vườn, đặc biệt là vào những ngày mùa lúa chín. Du khách rất thích thú với những sinh hoạt chân quê, thân thiện, cũng không quên chụp những bức ảnh đồng quê làm kỷ niệm khi về nước. Khi khách đến, mình đãi họ nhiều món trái cây miệt vườn, rồi dẫn đi tham quan ruộng vườn. Nguồn thu từ du lịch cũng phần nào làm tăng kinh tế gia đình”- cô Hòa cho biết.

Khách du lịch nước ngoài dừng chân ở nhà chú Nguyễn Văn Út.
Khách du lịch nước ngoài dừng chân ở nhà chú Nguyễn Văn Út.

Không chỉ dừng lại là trái cây, ruộng vườn, tại điểm đón khách của chú Nguyễn Văn Út (ấp An Hội) còn dẫn du khách nước ngoài tham quan hồ cá hay quan sát cách chăm sóc bầy heo sau nhà.

Chú Út bảo, thuận lợi là xã Tân An Hội nằm sát sông Măng, các con rạch cũng rất tiện cho du khách ghé thăm. Quang cảnh còn mang nhiều nét thôn quê nên khách du lịch nước ngoài rất thích. “Mà nói đến cái thích nhất là cảnh đồng lúa chín vàng, máy gặt đập liên hợp thu hoạch mùa vụ. Tất cả là cảnh đẹp trong mắt những du khách nước ngoài”.

Hiện xã Tân An Hội có 4 điểm đón khách với lượng khách tương đối ổn định, đến từ rất nhiều quốc gia trên thế giới như: Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ, Canada, Hà Lan,… Đây cũng là điều kiện để quảng bá hình ảnh du lịch miệt vườn Vĩnh Long đến bạn bè thế giới.

Nếu nhìn rộng ra, dọc tuyến sông Măng trên địa bàn huyện còn có các xã Chánh An, Tân Long Hội. Đây là các xã có các điều kiện địa lý, tập quán canh tác và có thêm nhiều mô hình sản xuất kinh tế, làng nghề, việc phát triển các điểm dừng chân cho khách du lịch cũng là một khả năng có thể thực hiện.

Theo ông Lưu Hoàng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Vĩnh Long (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) thì trong định hướng phát triển du lịch của tỉnh sẽ có 3 trục sông gồm: sông Tiền, sông Hậu và sông Măng.

Quang cảnh thôn quê nằm sát bên dòng sông Măng chính là điểm hấp dẫn du khách dừng chân.
Quang cảnh thôn quê nằm sát bên dòng sông Măng chính là điểm hấp dẫn du khách dừng chân.

Riêng ở xã Tân Long Hội, nếu nhìn trên bản đồ, cho thấy đây là một vị trí rất tốt khi có một cái doi lớn từ hướng xã Tân An Luông (Vũng Liêm). “Nếu quảng bá tốt các điểm dừng chân thì sẽ thu hút nhiều khách du lịch”. Tuy nhiên, theo ông, để làm được điều đó, cần phải có quy hoạch, mà quy hoạch phải định hình, tính toán tiềm năng tương lai.

“Trong điều kiện có sẵn, thì đây là một tour du lịch sông nước độc đáo, lạ mà chỉ có dòng sông Măng mới có, bởi dọc tuyến sông vẫn còn những nét hoang sơ rất thú vị. Định hướng là bắt đầu từ những điểm dừng chân tham quan sẽ dần hướng tới loại hình du lịch lưu trú nhà dân…”

 

Theo ông Lưu Hoàng Minh- Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch Vĩnh Long, nếu phát triển loại hình du lịch homestay thì trung tâm sẽ hỗ trợ giới thiệu, quảng bá. Hỗ trợ các thủ tục, tập huấn nghiệp vụ về: giao tiếp, đón khách, ăn, ngủ, ngoại ngữ,…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY