Phát triển du lịch làng nghề

Cập nhật, 08:07, Thứ Ba, 23/02/2016 (GMT+7)

Du lịch gắn với làng nghề không phải là chuyện mới. Ở Việt Nam đã từng phát triển rất nhiều tour thành công, nhưng chưa thực sự đi vào chiều sâu của sự khám phá về văn hóa bản địa, mà thực chất chỉ đơn thuần kinh doanh sản phẩm hàng hóa.

Vĩnh Long cũng đã có đưa vào khai thác nhưng vẫn còn khá sơ sài. Trong khi du lịch làng nghề mới chính là bản sắc tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn và đa dạng của sản phẩm du lịch từng địa phương, từng vùng miền.

Du khách tham quan lò kẹo dừa.
Du khách tham quan lò kẹo dừa.

Cần đi vào chiều sâu văn hóa

Một trong những chương trình thành công nhất ở TP Hồ Chí Minh là đưa nghề gốm vào tour du lịch những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, đã đưa sản phẩm gốm Bát Tràng vào danh mục mua sắm không thể thiếu của những đoàn khách Zakka (chủ yếu khách Nhật chuyên mua sắm).

Từ đây, đã hình thành hàng loạt các cửa hàng mỹ nghệ trên các phố mua sắm thuộc quận I, rồi những cửa hàng nằm ở cửa ngõ về miền Tây Nam Bộ, để đón đầu những đoàn khách tham gia tour Mekong.

Những năm tiếp theo, đã hình thành cả những lò gốm do chính những nghệ nhân từ Bát Tràng vào chế tác sản phẩm tại chỗ.

Sau đó, là những tour đi vào chiều sâu hơn là khách tham quan những lò gốm Bình Dương và trực tiếp tham gia chế tác sản phẩm dưới sự hướng dẫn của những người thợ lành nghề. Những sản phẩm đó được hoàn thành chỉn chu để họ mang về nước.

Đây là một trong những tour tiêu biểu gắn với làng nghề truyền thống và đã được triển khai hiệu quả, kéo dài trong hàng chục năm. Sau đó, sự đi xuống và hoàn toàn vắng bóng tour này là cả câu chuyện dài...

Riêng ở Vĩnh Long, cũng đã có triển khai nhưng việc tổ chức, thực hiện chưa đi vào thực chất của tour du lịch làng nghề, du khách “tạt” qua các lò gốm một tí rồi đi. Còn ở ĐBSCL thì chỉ làm hình thức, chủ yếu để bán kẹo, cốm và các tỉnh “sao chép” lại khá giống nhau từ lò sấy cốm hay lò tráng bánh tráng.

Trong khi, hiện ở từng địa phương có khá nhiều làng nghề truyền thống mang bản sắc độc đáo riêng. Vấn đề là việc tổ chức, thực hiện, sự đầu tư đồng bộ từ khâu khảo sát, thiết kế tour, đến khâu xây dựng thành một sản phẩm du lịch là một quá trình đòi hỏi rất nhiều thứ.

Hiện Vĩnh Long có gần 100 làng có nghề và làng nghề đang hoạt động, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Trong đó, có 28 làng nghề truyền thống đã được UBND tỉnh công nhận; có thể kể đến một số làng nghề nổi tiếng được đông đảo du khách biết đến như: làng nghề bánh tráng cù lao Mây (Trà Ôn), làng nghề tàu hủ ky (Bình Minh), làng nghề đan thảm lục bình (Tam Bình), làng nghề trồng lác và chế biến sản phẩm từ cây lác (Vũng Liêm), làng nghề sản xuất gạch, gốm mỹ nghệ (Long Hồ, Mang Thít), làng mai Phước Định (Long Hồ)... Đây là cơ sở, tài nguyên quý giá để Vĩnh Long có thể đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống.

Còn nhiều vấn đề đặt ra

Gần đây nhiều doanh nghiệp, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đã chú trọng, mặn mà với tour tham quan, khám phá những giá trị của các làng nghề truyền thống, như: Công ty CP Du lịch Cửu Long (Vĩnh Long), Công ty An travel (TP Hồ Chí Minh)…

Là đơn vị khá năng động trong lĩnh vực du lịch, với nhiều ý tưởng sáng tạo, cách làm mới, Công ty CP Du lịch Cửu Long đã thiết kế xây dựng nhiều sản phẩm đặc thù phục vụ khách du lịch, trong đó có tham quan làng nghề truyền thống.

Điển hình với tour “Về miền quê”, “Vòng tay thiên nhiên”, “Đêm thôn dã” tạo điều kiện cho du khách khám phá Chợ nổi Cái Bè, tham quan lò cốm, kẹo Cửu Long, làng mai vàng Phước Định, tìm hiểu quy trình làm gạch gốm từ nguồn đất sét với kỹ thuật và sự khéo léo của người dân địa phương.

Hệ thống làng nghề là một trong những nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, phát triển du lịch làng nghề không chỉ mang lại lợi nhuận về kinh tế mà còn là cơ hội để quảng bá hình ảnh thiên nhiên, bản sắc văn hóa và con người ở địa phương. Tuy nhiên, những năm gần đây do tác động của nền kinh tế thị trường nên một số làng nghề truyền thống có nguy cơ bị mai một.

Quan trọng hơn, quá trình phát triển làng nghề gắn với du lịch ở Vĩnh Long chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa làng nghề với nghệ nhân, thợ thủ công và các doanh nghiệp trong việc mở rộng quy mô sản xuất, truyền nghề; chưa khai thác tốt tiềm năng của du lịch trong việc quảng bá và tiêu thụ sản phẩm của làng nghề.

Để giải quyết vấn đề này, sắp tới Sở VH, TT và DL Vĩnh Long sẽ xây dựng kế hoạch hành động để cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết số 01 của Tỉnh ủy.

Trong đó, đề xuất một “nhạc trưởng” có đủ tầm ảnh hưởng để kết nối sợi dây liên lạc giữa du lịch với hoạt động của các làng nghề gần lại nhau hơn, để cùng nhau phát triển xa hơn trong tương lai.

Từ đó, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch, các cá nhân, hộ sản xuất và cả cộng đồng dân cư có ngành nghề tiểu thủ công nghiệp cùng phối hợp tham gia phát triển du lịch thông qua thiết kế các tour du lịch sinh thái kết hợp tham quan làng nghề, giới thiệu những nghề truyền thống, văn hóa dân gian đến với du khách, đặt những cửa hàng trưng bày, bán sản phẩm tại làng nghề để tạo điều kiện cho du khách lưu lại địa phương lâu hơn, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ quan tâm với các ngành liên quan tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị các sản phẩm làng nghề.

Lò tàu hủ ky Mỹ Hòa (Bình Minh).
Lò tàu hủ ky Mỹ Hòa (Bình Minh).

Một yếu tố khá quan trọng quyết định đến sự thành công hay mai một của một làng nghề đó là lao động. Hiện rất cần quan tâm nâng cao tay nghề, kỹ năng chuyên môn cho lao động ở làng nghề, từng bước nâng lên trình độ tinh xảo, tay nghề cao, mang tính chuyên nghiệp để tạo ra những sản phẩm phong phú, có chất lượng, phục vụ khách du lịch.

Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức và tạo điều kiện thuận lợi để kết hợp với phát triển du lịch, chúng ta vừa bảo tồn được bản sắc văn hóa của làng nghề, vừa khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế hiện có của các làng nghề truyền thống; góp phần làm phong phú, đặc sắc hơn sản phẩm du lịch địa phương.

 

Cơ sở hạ tầng nông thôn ở các làng nghề như đường giao thông, điện, nước sạch… được Nhà nước đầu tư tạo điều kiện cho bà con đi lại, giao dịch thuận tiện. Vì vậy, một số làng nghề đưa cơ giới hóa vào sản xuất, năng suất tăng lên, chất lượng sản phẩm tốt hơn và thu nhập của bà con làng nghề cũng khá và ổn định hơn.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- MINH TÂM