Rộn rã nông thôn ngày giáp tết

Cập nhật, 23:23, Thứ Năm, 11/02/2021 (GMT+7)

Lúc này không khí mừng xuân đón tết đang về khắp nơi. Mặc dù lo lắng dịch COVID-19 vẫn còn dai dẳng, nhưng ở nông thôn, bà con cũng đang tất bật trang hoàng nhà cửa, sân vườn. Trước đó, nhiều hộ đã tích cực tăng gia sản xuất, chuẩn bị các hoạt động dịch vụ, kinh doanh để vừa kiếm thêm thu nhập, vừa làm đẹp thêm nét Xuân ở vùng quê ngày giáp tết.

Nghề trồng hoa tết đem lại thu nhập kha khá cho nhiều hộ ở nông thôn.
Nghề trồng hoa tết đem lại thu nhập kha khá cho nhiều hộ ở nông thôn.

Trồng thêm hoa, kiểng bán dịp tết.

Ngày thường, chỉ thấy hoa, cây cảnh ven đường, những xã lên nông thôn mới còn những tháng gần tết theo những con đường về vùng quê thì hầu hết đều có những liếp hoa vạn thọ, mồng gà, cúc rực sắc đỏ, vàng, tím được trồng ven 2 bên lề đường, trước hiên, bên hông nhà hoặc trên bờ đê, bờ thửa... Cảnh quan nông thôn trông tươi tắn hẳn lên.

Ở ấp Thạnh Trí (xã Hòa Thạnh- Tam Bình), có khoảng 20 chục nóc gia sống 2 bên QL53 (đoạn cách cầu Phó Mùi khoảng 3km về hướng Trà Vinh) thì có trên 10 hộ đang chăm sóc khoảng 10 thiên chậu hoa các loại để chờ bán trong những ngày tết sắp đến. Mỗi hộ có chừng 300m2 trồng khoảng 1 thiên chậu hoa tết (1.000 cây) như hoa vạn thọ, mồng gà và cúc Đà Lạt trồng bán tại chỗ. Mấy năm trước chỉ có 2- 3 hộ làm nghề này, 2 năm nay tăng lên chục hộ, mà có hộ gắn bảng hiệu bán hoa tết hẳn hoi.

Anh Huỳnh Văn Thái- người đã trên 10 năm trồng hoa ở đây- cho biết: “Gắng chịu khó bỏ công trồng hoa bán tết, kiếm được cũng khá và dành dụm chút đỉnh. Năm ngoái, anh mạnh dạn dành 300m2 đất ven đường và sau nhà để trồng 700 chậu vạn thọ Pháp và 300 cây vạn thọ ta nhổ bán được gần 15 triệu đồng. Năm nay, anh cũng trồng với số lượng đó nhưng giá bán có thể tăng hơn năm ngoái”.

Ông Năm Thanh (Nguyễn văn Thanh) ở xóm Rạch Dày (xã Tân An Luông- Vũng Liêm) có hơn 100 chậu mai vàng lớn nhỏ, khoảng 400 chậu cúc và hơn 1.500 chậu vạn thọ. Từ đầu tháng 10 âm lịch là ông bắt đầu “sửa soạn” chúng lại cho “đàng hoàng” để tung ra thị trường tết. Chỉ tính riêng tiền bông, mỗi cái tết ông bán được khoảng 20 triệu đồng, lời được vài triệu đồng xài tết.

Anh Phạm Chí Nghi ở ấp Tân Thới (xã Tân Hạnh- Long Hồ) cũng đang chuẩn bị sẵn 2.000 chậu hoa gồm 1.500 vạn thọ Pháp, 500 mào gà, hoa hướng dương tại sân vận động cụm xã Tân Hạnh chờ cận tết sẽ bán cho dân qua lại trong xã. Trên 10 năm nay, năm nào cũng mang về cho anh thu nhập khoảng 30 triệu đồng, dư ăn tết. Anh cho biết, tuy bị mưa trái mùa vào ngày 23- 24/1 nhưng do cây hoa đã lớn nên số cây bị đổ ngã không nhiều, phải đỡ cây và tưới rửa, nhưng nhìn chung hoa phát triển tốt, chắc ngày giáp tết hoa ra bông đẹp. Anh dự tính giá bán khoảng 30.000 đ/chậu hoa mồng gà, hướng dương và 20.000 đ/chậu hoa vạn thọ.

 Rôm rả các hoạt động dịch vụ tết

Lúc này, các dịch vụ ở nông thôn bắt đầu nở rộ. Các nghề như sơn sửa nhà, cổng, hàng rào, sửa kiểng, chùi lư, lau kiếng, bán bánh phồng, bánh tráng, bán chổi lông quét trần nhà, bán thuốc chùi lư, vàng mã,… tất tả vào vụ.

Các dịch vụ ở nông thôn tất bật vào vụ.
Các dịch vụ ở nông thôn tất bật vào vụ.

Có nhiều người, ngày bình thường làm ruộng, dịp này cũng tranh thủ làm thêm nghề dịch vụ nào đó hoặc gom góp những rau, củ, con gà, con vịt còn dư đem ra chợ bán để có thêm thu nhập. Nhiều tiểu thương ở các chợ xã cho biết, các hoạt động mua bán ở chợ quê sôi động hẳn lên và đông đúc hơn sau ngày đưa Ông Táo về trời.

Lúc này, nhiều hàng hóa cho dịp tết được chuyển về nông thôn. Nhờ hệ thống giao thông bộ phát triển và các hình thức giao dịch đa dạng, thuận tiện nên hàng về rất nhanh chóng.

Các mặt hàng ở chợ quê được bày bán rất đa dạng, phong phú, chất lượng không thua kém chợ thị thành. Từ những mặt hàng dân dã như gạo, khô, rau, củ, trái cây, heo, gà, vịt, trứng, bánh tráng, bánh phồng, hàng giấy (như giấy vàng bạc giả, bao lì xì, giấy màu dán lên trái cây…), hoa và trái cây chưng mâm ngũ quả giả… đến những mặt hàng sang trọng như hàng chế biến, đóng gói, vô hộp, đóng chai, đóng lon sẵn (như bánh, kẹo, mứt, lạp xưởng, củ kiệu…), hàng trang trí (như đèn, hoa giả…), hàng may sẵn (như quần áo, khăn, giày dép, thảm, chiếu, mặt bàn…), rượu mạnh, bia lon, nước ngọt đóng lon…

Năm nay, nhiều cửa hàng Bách hóa xanh mọc lên ở các xã, hầu như ở trung tâm xã nào cũng có, góp phần cung ứng lượng hàng tiêu dùng phong phú cho những ngày tết ở nông thôn.

Chuẩn bị các hoạt động vui chơi, giải trí

Những bãi đất trống vừa mới san lấp cát gần khu dân cư, khu chợ đang là tầm ngắm của những bầu xô chọn làm điểm hội chợ, ca nhạc tạp kỹ, trò chơi lô tô, quay xổ số,… vào những ngày Tết.

Ông Huỳnh văn Bảy ở ấp Rạch Rô (xã Trung Chánh- Vũng Liêm) cho hay, những đoàn biểu diễn nghệ thuật ngày càng vắng bóng ở nông thôn trong những năm gần đầy, nhưng các hoạt động vui chơi, giải trí như trò chơi lô tô, hội chợ vẫn còn lác đác. Ông cũng đang dọn lại dàn karaoke, dân quê bây giờ thích chơi loại này hơn.

 Người dân quê gom góp những rau, củ, con gà, con vịt còn dư đem ra chợ bán để có thêm thu nhập.
Người dân quê gom góp những rau, củ, con gà, con vịt còn dư đem ra chợ bán để có thêm thu nhập.

Các đội lân hiện đang ngày đêm tập dượt, sẵn sàng múa. Các hàng quán bán nước, quay phim chụp ảnh, khu du lịch nhỏ cũng được trang hoàng đẹp mắt để thu hút khách trong những ngày đón xuân. Anh Chín Kịp ở ấp Mỹ Điền (xã Mỹ Phước- Mang Thít) đang sửa sang lại quán Hữu Tình ven Đường tỉnh 902 để đưa vào hoạt động trong những ngày tết. Những tay đá gà chuyên nghiệp hoặc nghiệp dư cũng đang ráo riết “o bế” những chú gà chiến sẵn sàng thi đấu, lén lút đợi thời cơ là xúm lại đá gà ăn tiền.

…Còn nhiều lắm những hoạt động trong những ngày giáp tết, mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi nhà mỗi kiểu nhưng tựu trung dân quê đều ước mong cố gắng kiếm thêm thu nhập để có tiền ăn tết vui vẻ. Ai cũng hối hả, thấy mệt nhưng mà vui. Đây là hoạt động mang nét truyền thống lâu đời của dân thôn quê.

Bài, ảnh: MỸ TRUNG