Đào tạo nghề nông thôn theo nhu cầu doanh nghiệp

Cập nhật, 15:29, Thứ Ba, 08/12/2020 (GMT+7)

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) đã bám sát chỉ đạo của ngành chức năng là đào tạo nghề khi xác định được việc làm cho người lao động và tăng cường đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp.

Hoạt động vận tải sôi động trên dòng sông Măng Thít. Các địa bàn qua đây đã kết nối, tổ chức một số lớp nghề lĩnh vực cơ khí, hàn.
Hoạt động vận tải sôi động trên dòng sông Măng Thít. Các địa bàn qua đây đã kết nối, tổ chức một số lớp nghề lĩnh vực cơ khí, hàn.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long (Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) vừa phối hợp với các doanh nghiệp may mặc, cơ khí mở các lớp nghề cho LĐNT như vậy.

Đó là 5 lớp đào tạo nghề cho người LĐNT theo đặt hàng của doanh nghiệp với tổng cộng 90 học viên. Cụ thể gồm 2 lớp nghề may ở Công ty TNHH 1TV VL Huy Hoàng (Mang Thít); 2 lớp may của Công ty TNHH May gia công Nghĩa Tiến (Trà Ôn); 1 lớp hàn của Công ty TNHH 1TV Trí Toàn (Mang Thít).

Với nguồn lao động có sẵn và nhu cầu đào tạo nâng cao kỹ năng, tay nghề cho người lao động của các doanh nghiệp, sau khi học nghề người lao động được cấp chứng chỉ, tay nghề nâng cao, khi đó chế độ tiền lương sẽ được nâng lên. Dự kiến, 5 lớp đào tạo nghề này sẽ kết thúc trong tháng 12/2020.

Trước đó, công tác đào tạo nghề cho LĐNT theo nhu cầu doanh nghiệp cũng đã mở lớp may tại cơ sở may mặc và lớp nghề hàn đã mở tại doanh nghiệp tư nhân vận tải trong tỉnh.

Làm việc tại cơ sở sửa chữa tàu thuyền đã 5 năm nay, anh Nguyễn Hoài Hận (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) đăng ký tham gia lớp dạy nghề hàn như vậy tại... trường học là nơi làm việc hàng ngày của mình. Anh bày tỏ: “Học chuyên môn từ thầy sẽ giúp mình có kiến thức căn bản hơn, làm tốt hơn công việc lắp ráp đang làm”.

Theo các công ty, doanh nghiệp, điểm thuận lợi của các lớp đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp là hầu hết học viên LĐNT ở cơ sở, học tại nơi làm việc với nguyên liệu tại chỗ cũng như đã và đang được giải quyết việc làm.

Theo các trung tâm, “một công đôi ba việc” như vậy đã nâng số lớp nghề được mở nhiều, LĐNT học đông, góp phần giải quyết việc làm và nâng thu nhập cho lao động ở các địa bàn.

Đầu năm đến nay, trung tâm đã phối hợp tổ chức được 20 lớp may công nghiệp và 5 lớp hàn với tổng số 450 học viên LĐNT và hầu hết các lớp nghề này đều gắn với nhu cầu đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp.

Lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại một cơ sở may ở địa bàn huyện Mang Thít mở cho người LĐNT.
Lớp đào tạo nghề may công nghiệp tại một cơ sở may ở địa bàn huyện Mang Thít mở cho người LĐNT.

Đó cũng là bám sát tinh thần chỉ đạo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội với phương châm: “Đào tạo nghề khi xác định được việc làm cho người lao động” và “Tăng cường đào tạo nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp”.

Theo ông Đặng Vinh Hiển- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm, qua 10 năm triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh” đến nay, đơn vị đã phối hợp các tổ chức hội, đoàn thể, công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tổ chức tuyển sinh đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 6.000 LĐNT.

Các mô hình điển hình đào tạo nghề cho LĐNT đã được phát huy như nghề: xây dựng dân dụng, cơ khí- hàn, may công nghiệp...

Có các điểm nhấn trong công tác này được ghi nhận, là: chất lượng đào tạo của trung tâm được nâng cao hơn do phối hợp, hỗ trợ đào tạo từ doanh nghiệp; các doanh nghiệp, công ty có được đội ngũ lao động có chuyên môn tay nghề cao để nâng hiệu quả công việc, sản xuất kinh doanh; đào tạo nghề gắn với nhu cầu doanh nghiệp là một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề và của nguồn nhân lực.

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội báo cáo năm 2020, ở lĩnh vực đào tạo nghề cho LĐNT cho biết, đã tổ chức 270 lớp đào tạo nghề cho 5.816 LĐNT, đã đạt 83,08% kế hoạch năm và tăng 7,6% so năm 2019.

Bằng các giải pháp đã nêu, các trung tâm, cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ tiếp tục kết nối, đẩy mạnh hơn công tác đào tạo nghề theo nhu cầu đặt hàng của doanh nghiệp; cập nhật nâng cao trình độ và kỹ năng tay nghề cho người lao động ở các địa phương trong thời gian tới.

Bài, ảnh: MINH THÁI