Cảnh giác tai nạn sét đánh thời điểm chuyển mùa

Cập nhật, 10:43, Chủ Nhật, 26/04/2020 (GMT+7)

Sau thời gian nắng nóng gay gắt kéo dài, những ngày qua, các địa phương trong tỉnh đã xuất hiện rải rác những cơn mưa giải tỏa bớt cái nóng bức cho nhiều người và sự khô hạn của ruộng, vườn. Theo Đài Khí tượng Thủy văn, Đồng Tháp đang trong thời điểm chuyển từ mùa khô sang mùa mưa. Những cơn mưa ở thời điểm này thường kèm theo giông, sấm sét nên nguy cơ sét đánh trong những cơn mưa này rất cao. Người dân cần chủ động tránh sét, hạn chế thấp nhất các tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Theo ông Khương Lê Bình - Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, hiện tượng mưa chuyển mùa sẽ diễn ra trong nửa cuối tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, sau đó thời tiết sẽ chính thức bước vào mùa mưa trong khoảng 10 ngày giữa tháng 5. Giai đoạn này, thường thịnh hành trạng thái thời tiết có vài ngày mưa xen lẫn những ngày nắng nóng không mưa.

Những cơn mưa này có lợi là làm giảm nhiệt độ, tạo cảm giác mát mẻ và cung cấp nước tưới cho cây trồng giúp làm giảm bớt khô hạn nhưng mặt khác những cơn mưa chuyển mùa cũng thường kèm theo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sấm sét có thể làm thiệt hại về tài sản và tính mạng.

Việt Nam nằm ở tâm giông Châu Á - 1 trong 3 tâm giông trên thế giới, có hoạt động giông sét mạnh. Mùa giông ở Việt Nam tương đối dài, số ngày giông trung bình 100 ngày mỗi năm và số giờ giông trung bình là 250 giờ một năm. Mỗi năm, Việt Nam hứng chịu tới hai triệu cú sét.

Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có Đồng Tháp là một trong những nơi được coi là tâm sét. Hàng năm, trung bình toàn tỉnh có khoảng 5 - 6 trường hợp người dân bị sét đánh chết.

Ông Bình khuyến cáo, thời điểm giao mùa và mùa mưa, mọi người nên thường xuyên cập nhật bản tin dự báo, cảnh báo thời tiết để có biện pháp ứng phó, phòng tránh phù hợp, kịp thời.

Cụ thể, khi làm ở khu vực nào đó, chúng ta cần để ý trước các nơi có thể trú mưa và tránh sét an toàn, phải tính được thời gian từ chỗ làm việc đến nơi an toàn. Sét là một hiện tượng tự nhiên, diễn ra một cách ngẫu nhiên và thường đi kèm theo mưa giông.

Việc phòng, chống sét tuyệt đối là điều không thể đối với loài người hiện nay. Tuy nhiên, việc chủ động tìm nơi tránh sét có thể làm giảm đáng kể khả năng bị sét đánh.

Biện pháp phòng tránh an toàn là khi thấy trời bắt đầu chuyển mưa, giông, cần vào nhà trú mưa. Khi ở trong nhà nên đứng xa cửa sổ, cửa ra vào, các đồ dùng điện, tránh các chỗ ẩm ướt như buồng tắm, bể nước, vòi nước, không nên dùng điện thoại, trừ trường hợp rất cần thiết.

Với các đường dây điện thoại hay dây điện vì nối với lưới bên ngoài nên rất có thể bị ảnh hưởng sét đánh lan truyền.

Vì vậy, nên tránh xa các dây này và các vật dùng điện với khoảng cách ít nhất là 1m. Cần rút ăng-ten ra khỏi tivi khi có giông, rút phích cắm các thiết bị điện trước lúc có giông.

Nếu ở ngoài trời, tuyệt đối không núp dưới gốc cây cao, không đứng ở các vùng đất trống trải, tránh xa các vật dụng kim loại như xe, máy móc, hàng rào sắt...

Trong trường hợp đang ở vùng đất trống nên chụm hai chân, cúi người sát mặt đất (nhưng không chạm hay nằm xuống đất) với hai tay bịt tai... Đặc biệt, không đứng thành nhóm người gần nhau.

Cấp cứu nạn nhân do sét đánh

Theo khuyến cáo ngành y tế: Sét là những dòng điện rất mạnh ở khí quyển, khi bị sét đánh, nạn nhân có thể tử vong hoặc bị các tổn thương rất nặng các cơ quan trong cơ thể như: bị lịm đi một thời gian, rồi nhức đầu, buồn ngủ, rối loạn nhịp tim và nhịp thở... Nếu nạn nhân vẫn tỉnh thì cần được ủ ấm, cho uống nước nóng. Người bị sét đánh nếu mê man bất tỉnh nhưng còn thở, tim còn đập thì phải được kích thích bằng cách lay, gọi, giật tóc. Nếu nạn nhân ngừng tim, ngừng thở thì phải tiến hành ngay phương pháp thổi ngạt và bóp tim ngoài lồng ngực... Sau đó phải chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế để được điều trị.

Theo BÍCH LIỄU/Báo Đồng Tháp