Góc nhìn giải pháp đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Cập nhật, 14:51, Thứ Sáu, 04/10/2019 (GMT+7)

Những khó khăn hạn chế trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) hiện nay được nêu như: nguồn LĐNT trong độ tuổi lao động còn ít (bão hòa); người ngoài độ tuổi lao động hoặc hưu trí vẫn có nhu cầu học nghề để có việc làm thêm nhưng không thuộc đối tượng tham gia theo quy định của đề án; lao động muốn công ty tuyển dụng làm có lương ngay nên ít quan tâm đến học nghề...

Một lớp đào tạo nghề bonsai cho lao động nông thôn ở xã Hiếu Phụng khai giảng cuối tháng 9/2019. Một trong những nghề mở theo nhu cầu học và làm nghề của bà con.
Một lớp đào tạo nghề bonsai cho lao động nông thôn ở xã Hiếu Phụng khai giảng cuối tháng 9/2019. Một trong những nghề mở theo nhu cầu học và làm nghề của bà con.

Tại cuộc họp sơ kết 9 tháng năm nay của ngành, đại diện Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội các huyện nêu một số hạn chế này đối với thực hiện nhiệm vụ phối hợp, tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT hiện nay.

Theo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Long Hồ, từ đầu năm đến nay, địa bàn đã mở được 2 lớp dạy nghề. Dự kiến tháng 10 này đơn vị phối hợp cơ sở đào tạo và chính quyền các xã tổ chức khai giảng tiếp 5 lớp. Dẫu vậy, ngành huyện cho hay khả năng khó đạt chỉ tiêu được giao 1.100 LĐNT đào tạo năm nay.

Huyện Mang Thít có kết quả đào tạo nghề cho LĐNT đến nay theo báo cáo cũng khá nhưng còn thấp: 28 lớp với 579 học viên; đạt lần lượt 64,33% chỉ tiêu huyện giao và 52,6% chỉ tiêu tỉnh giao. Khó khăn hiện nay là số lao động trong độ tuổi muốn đi làm có lương ngay.

Rồi đơn vị tuyển dụng có khuynh hướng tuyển lao động có thể đi làm liền. Nên dẫn tới việc tuyên truyền đối tượng trong độ tuổi để tuyển sinh đào tạo nghề còn gặp khó.

Theo lãnh đạo Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Vũng Liêm, đến tháng 9 năm nay, toàn huyện đã mở 19 lớp dạy nghề với 373 học viên. Và theo đó trên cơ sở giao 1.000 chỉ tiêu tới cuối năm nay... sẽ không đạt.

Ngoài khó khăn như các địa bàn, Vũng Liêm còn nêu do: lao động trong độ tuổi đào tạo nghề theo quy định ít có mặt ở địa phương (có thể đi học, đi làm ăn xa); người ngoài độ tuổi lao động hoặc hưu trí vẫn còn sức khỏe và có nguyện vọng học nghề, làm việc nhưng không nằm trong đối tượng tham gia theo chính sách đề án đào tạo nghề...

Với 11 lớp đào tạo nghề và 360 LĐNT đã mở đầu năm đến nay, huyện Trà Ôn đạt 36% chỉ tiêu kế hoạch. Phòng chức năng huyện cho biết, trong tháng 10 này dự kiến mở 2 lớp nữa và đạt 42% kế hoạch năm. Khó khăn nêu cũng tương tự: vận động dạy học nghề rất khó!

Theo báo cáo công tác giáo dục nghề nghiệp của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội, 9 tháng qua đã tuyển sinh đào tạo nghề cho 27.843 người, đạt 84,37% kế hoạch năm (giảm 4,08% so với cùng kỳ 2018). Trong đó tổ chức 188 lớp đào tạo nghề cho 4.452 LĐNT, đạt 68,49% kế hoạch năm (giảm 37,51% so cùng kỳ năm 2018).

Theo đánh giá chung, một số địa phương, cơ sở đào tạo gặp khó khăn trong tổ chức mở lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Nguyên nhân của hạn chế này là do... khó khăn trong vận động người lao động tham gia học nghề. Và hầu hết địa phương nêu hạn chế trong đào tạo nghề LĐNT cũng là khó khăn trong bối cảnh chung của tỉnh.

Kế hoạch quý cuối năm nay, ngành chức năng đặt yêu cầu tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp 6.750 người, trong đó mở lớp hỗ trợ đào tạo nghề cho 2.050 LĐNT.

Giải pháp thời gian tới, ngành sẽ phối hợp với các đoàn thể tổ chức tập huấn tuyên truyền, nâng cao năng lực triển khai công tác dạy nghề cho LĐNT cho cán bộ, hội viên các đoàn thể; đôn đốc xúc tiến, hỗ trợ mở lớp đào tạo nghề LĐNT, trong đó mở lớp đào tạo nghề lĩnh vực dịch vụ du lịch ở một số địa phương.

Tại hội nghị, nhiều địa phương kiến nghị thêm các giải pháp, từ những khó khăn trong đào tạo nghề cho LĐNT, sở cần phối hợp khảo sát chặt chẽ nhu cầu (học nghề) để mở lớp đào tạo cho người lao động; có hướng đào tạo một số ngành nghề ngắn hạn; mở rộng đối tượng để đa dạng người học (như người ngoài độ tuổi lao động đã nêu) vì họ còn sức khỏe lao động và có nhu cầu học nghề để có việc làm thêm...

Bài, ảnh: TƯỜNG VÂN