Cái kết có hậu từ chuyện tặng vé số trong tiệc nhậu

Cập nhật, 05:15, Thứ Sáu, 20/09/2019 (GMT+7)

Mừng lễ Quốc khánh, trưa 2/9/2019, bác Tư Hóa- cán bộ hưu trí của một cơ quan nhà nước ở TX Vĩnh Long trước đây (tên các nhân vật xin được thay đổi vì lý do tế nhị)- cùng các “bạn già” tổ chức tiệc nhậu ở vùng ven TP Vĩnh Long.

Tham dự buổi tiệc có khoảng 8- 9 người, đa số đều là cán bộ hưu và một số vị cao niên trong xóm. Gần về chiều, không khí bàn nhậu đang râm ran thì có một phụ nữ bán vé số bước vào chào mời: “Dạ! Các bác, các chú mua vé số giúp cháu, gần đến giờ xổ rồi mà cháu còn ế nhiều quá”.

Đang cầm ly rượu trên tay định mời bạn cùng uống, chú Hai Lan khựng lại, thoáng nhìn người bán vé số rồi để ly rượu xuống bàn, nói: “Cô còn bao nhiêu vé, vào đây tui mua”.

Xong, chú Hai quay vào bàn phân bua: “Hai đứa con tui làm việc ở thành phố. Nghỉ lễ đợt này, tụi nó mới về, mỗi đứa cho tui 4 triệu chi tiêu. Hôm nay, gặp bạn cũ, tui mua vé số tặng mọi người. Biết đâu nếu trúng thì chúng ta lại có dịp nhậu nữa. Khà… Khà!...”

Nói là làm, chú Hai Lan mua hết bốn mươi mấy tờ vé số đài Đồng Tháp còn lại của người bán vé số luôn. Sau đó chú chia cho mỗi người trong bàn 5 tờ, chú còn khoảng 10 tờ. Nhận đủ tiền vé, chị bán vé số cúi đầu cảm ơn rồi ra về trong niềm vui. Tiệc rượu lại tiếp tục…

… Chạng vạng tối hôm sau, bác Tư Hóa đang lui cui nhóm bếp nấu cơm chiều ở phía sau nhà thì bất chợt có tiếng gọi văng vẳng ngoài cổng rào. Bước ra, bác Tư thấy người phụ nữ bán vé số hôm qua nét mặt hối hả, giọng run run: “Bác Tư ơi, hôm qua bác có lấy số 414 không? 439414 đó, trúng đặc biệt rồi bác ơi”.

“Vậy hả, để tao vào lấy coi, hôm qua thằng Hai Lan nó cho 4- 5 tờ, tao cũng không nhớ số mấy nữa”- bác Tư vừa nói vừa bước vào trong tìm mấy tờ vé số ra dò lại.

Và… niềm vui đến thật hết sức bất ngờ, bác Tư có tới 2 vé có số trùng với giải đặc biệt. Bác nhanh tay lấy chiếc điện thoại, bấm số gọi ngay cho bạn: “A lô! A lô! Chú Hai Lan phải không, vé số chú cho anh hôm qua trúng độc đắc rồi nghen! Số 414 đó, chú xem trúng được mấy tờ?”

Đầu dây bên kia, giọng buồn hiu: “Em hay tin này rồi, nhưng hôm đó vé chiều, số lộn xộn, em chia cho mọi người hết, còn mấy tờ em giữ lại thì không có trúng anh Tư ơi!”

Bác Tư hơi “khựng” lại nhưng sau đó quyết định: “A lô! Sáng mai, chú lấy xe qua nhà anh, anh với chú đi đổi số trúng”.

“Thôi! Anh đi một mình đi”- Hai Lan từ chối.

Bác Tư giọng cương quyết: “Qua đây đi cho có anh, có em. Hôm qua, chú cho anh 5 tờ, trúng được 2 tờ thì bây giờ mình chia, anh 1 tờ, chú 1 tờ. Quyết định vậy nghe, không bàn cãi”. Rồi bác Tư cúp máy.

Sáng hôm sau, 2 “ông bạn già” đèo nhau trên chiếc xe máy của chú Hai Lan đến đại lý đổi số trúng. Sau khi trừ chi phí và các khoản thuế phải nộp, bác Tư và chú Hai chia nhau mỗi người hơn 1,8 tỷ đồng.

Có người biết chuyện, hỏi nhỏ bác Tư Hóa rằng số tiền tỷ trúng đặc biệt đó nếu so với lương hưu chỉ khoảng 4- 5 triệu/tháng của bác thì thật sự lớn.

Nếu “thơm thảo”, bác chỉ cần “lại quả” cho chú Hai một phần là được rồi, đâu cần phải “tặng” lại cả một tờ vé trúng như thế thì bác tròn mắt trả lời rất gọn: “Trước đó, Hai Lan không tặng vé số cho tao thì giờ đây lấy đâu có số trúng mà đổi. Người tặng không trúng mà người được tặng trúng thì hỏi mình có vui được không?”

Thực tế cho thấy, ở một số nơi đã từng xảy ra tranh chấp từ những tờ vé số trúng giải đặc biệt, hoặc rộng hơn là những mâu thuẫn trong tiền bạc, đất đai đôi lúc làm cho người trong cuộc không đủ tỉnh táo, dẫn đến những vụ án mạng thương tâm!

Trong bối cảnh đó, việc bác Tư Hóa chọn cách giải quyết “có tình, có lý” như trên đã thật sự mang lại niềm vui cho cả 2 gia đình, thắt chặt hơn nữa tình “bằng hữu chi giao” của 2 người bạn già.

Cái kết thật sự “có hậu” đó đã mang lại một bài học rất đẹp để mọi người cùng suy ngẫm, học tập về cách cư xử nghĩa tình giữa bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm láng giềng và giữa mọi người với nhau trong xây dựng xã hội mới tươi đẹp, văn minh, văn hóa.

MINH TẤN