Nhiều hướng mở cho xuất khẩu lao động

Cập nhật, 20:26, Thứ Tư, 18/09/2019 (GMT+7)

Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long phối hợp Công ty CP Đầu tư xây dựng và Cung ứng nhân lực Hoàng Long chi nhánh TP Hồ Chí Minh (Công ty Hoàng Long) tổ chức lễ phái cử 119 thực tập sinh qua Nhật Bản làm việc hôm 12/9/2019.

Đại diện Vụ Đào tạo thường xuyên, lãnh đạo UBND tỉnh và công ty cung ứng nhân lực trao giấy phái cử và động viên các thực tập sinh trước khi sang Nhật Bản làm việc.
Đại diện Vụ Đào tạo thường xuyên, lãnh đạo UBND tỉnh và công ty cung ứng nhân lực trao giấy phái cử và động viên các thực tập sinh trước khi sang Nhật Bản làm việc.

Tính từ tháng 1/2017, khi đơn vị có văn phòng tư vấn tại Vĩnh Long và qua kênh xuất khẩu lao động này, đã có khoảng 500 lao động được phái cử sang Nhật làm việc theo chương trình thực tập sinh.

Huỳnh Thị Hồng Ngọc (sinh năm 1999, ngụ xã Tích Thiện- Trà Ôn) tham gia học tiếng Nhật và được đào tạo nghề giặt ủi. Đậu vòng phỏng vấn, Ngọc có mặt trong 119 bạn trẻ tại lễ phái cử sang Nhật.

“Em còn đợi học tiếp thời gian nữa để thi lấy chứng chỉ N5 tiếng Nhật. Em tin sẽ qua và dự kiến làm thủ tục xuất cảnh qua Nhật cuối năm này”- Ngọc chia sẻ và nói em đăng ký thời hạn lao động 3 năm và sau đó mới tính gia hạn làm việc thêm hay không.

Võ Văn Hùng (sinh năm 1995, ngụ xã Thới Hòa- Trà Ôn) cũng có mặt tại lễ phái cử, tham gia lao động nghề lắp ráp linh kiện điện tử.

Hùng nói: “Em tính phải qua 6 tháng mới tới thời điểm được phái cử này. Như các bạn, em tiếp tục hoàn thành việc học tiếng để thi lấy chứng chỉ N4 tiếng Nhật và cũng dự kiến “bay” sang Nhật tháng 11 năm nay.

Hùng đăng ký thời gian lao động 3 năm và “em cố gắng làm tốt công việc để có kiến thức, kinh nghiệm, sau đó về xin làm việc ở tỉnh nhà”.

Phạm Kim Hương rất trẻ (sinh năm 2000, quê huyện Càng Long- Trà Vinh) tham gia xuất khẩu lao động Nhật Bản với nghề hộ lý và “dự định làm việc lâu dài”.

Ngọc nói: “Qua công ty cung ứng nhân lực, chúng em không chỉ được học tập kiến thức mà còn là cơ hội rèn luyện nếp sống kỷ luật, quan tâm và chia sẻ nhau. Đó là điều kiện để chúng em đón nhận thách thức mới”.

Theo ông Nguyễn Công Trung- Phó Giám đốc chi nhánh Công ty Hoàng Long, tính từ tháng 1/2017 đến nay, đơn vị phối hợp các ngành chức năng Vĩnh Long đã đưa đi khoảng 500 lao động của tỉnh qua Nhật Bản làm việc theo chương trình thực tập sinh ở rất nhiều ngành nghề. Và hiện tại, công việc, thu nhập, cuộc sống của lao động rất ổn định.

Theo công ty, các ngành nghề hiện nay thu hút thực tập sinh sang Nhật làm việc đa dạng như: điều dưỡng- chăm sóc người cao tuổi, cơ khí, sơn, giặt ủi, lắp ráp thiết bị máy móc điện tử, tái chế đồ phế thải, san ủi mặt bằng, gia công thịt bò- heo...

Tại lễ phái cử mới đây, thực tập sinh trải đều hết các ngành nghề. Cần nói thêm về nghề chăm sóc người cao tuổi. Đây là nghề mới mà Nhật Bản cho phép tiếp nhận lao động Việt Nam từ năm 2018 và đang có nhu cầu cao.

Có 13 đơn vị xuất khẩu lao động được Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cấp phép phái cử lao động qua Nhật làm ngành nghề này.

Đó là cơ hội cho lao động mà nhất là sinh viên học nghề điều dưỡng và các ngành liên quan có nguyện vọng sang Nhật làm việc.

Một nữ thực tập sinh tại lễ phái cử sang Nhật làm nghề điều dưỡng- chăm sóc người cao tuổi.
Một nữ thực tập sinh tại lễ phái cử sang Nhật làm nghề điều dưỡng- chăm sóc người cao tuổi.

Kế hoạch xuất khẩu lao động năm 2019 của tỉnh là 1.610 người. Báo cáo đến tháng 8, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị chức năng đã phối hợp tổ chức đưa xuất khẩu 1.046 lao động ở các thị trường.

Thuận lợi của công tác này thời gian qua là sự phối hợp, gắn kết với các sở ngành tỉnh, quan tâm tuyên truyền chính sách dạy nghề, giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay của công tác này được chỉ ra là do phía Nhật Bản thay đổi chính sách tiếp nhận người lao động, doanh nghiệp tiếp nhận lao động nghiêng về tuyển chọn lao động có kỹ năng đặc định; lao động được gia hạn hợp đồng nên vị trí việc làm mới sẽ không còn nhiều. 

Bên cạnh, việc huy động vốn cho vay xuất khẩu lao động còn khó khăn trong khi nhu cầu của lao động lại cao.

Để xuất cảnh sang Nhật Bản làm việc, lao động phải được trang bị cơ bản về ngoại ngữ, văn hóa, phong cách sống của người Nhật, luật pháp của nước sở tại.

Xuất phát từ nguyện vọng của người lao động, sự phối hợp ngành chức năng và đơn vị xuất khẩu lao động vừa nêu, các năm qua đã có kết quả khá khả quan khi lực lượng lao động địa phương sang Nhật làm việc theo chương trình phái cử thực tập sinh.

Đồng thời sau khi hoàn thành hợp đồng lao động, người lao động xuất khẩu về sẽ có vốn sống, kinh nghiệm để tiếp tục làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh xuất khẩu lao động là một chỉ tiêu cơ yếu trong công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm, thì tiếp nhận và giải quyết việc làm cho lao động hợp tác khi về nước cũng là một nhiệm vụ chuyên môn quan trọng.

Bài, ảnh: MINH THÁI