Dân số "vàng" và già hóa dân số

Cập nhật, 08:13, Thứ Năm, 11/07/2019 (GMT+7)

Năm 2018, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã công bố một bản báo cáo về số người già hiện đang sống chiếm 13% trong tổng số người trên Trái đất. Trong đó, Châu Âu có 25%; Bắc Mỹ 22%; Châu Đại dương 17%; Châu Mỹ Latin và Caribbean 12%; Châu Á 12% và Châu Phi 5%. 

Đội quân “tóc muối tiêu” ngày càng gia tăng đã chứng minh điều kiện sống của con người đang được cải thiện tốt hơn nhưng cũng đặt ra cho xã hội những vấn đề mới, trong đó thời kỳ “dân số vàng” đang trôi qua ở nhiều quốc gia phát triển và nạn khan hiếm lực lượng lao động trẻ đang tới gần...

 

Việt Nam đang đứng trước những thách thức về dân số vàng và già hóa dân số. Ảnh: VINH HIỂN
Việt Nam đang đứng trước những thách thức về dân số vàng và già hóa dân số. Ảnh: VINH HIỂN

Vấn đề người cao tuổi

Hội nghị Cairo cách đây 12 năm từng đưa ra một chương trình hành động dành cho người già. Theo đó, do mức sinh giảm, mức tử vong được hạn chế liên tục đã làm cho số người già hiện nay tăng lên với mức độ kỷ lục. Ở những nước phát triển, cứ khoảng 6 người thì có một người già 60 tuổi.

Tỷ lệ này đã tăng lên 4 người có 1 người già 60 tuổi vào năm 2010. Phụ nữ thường sống thọ hơn nam giới, vì vậy họ chiếm phần lớn trong số người già. Tuy vậy, phụ nữ già ở nước nghèo cũng dễ bị tổn thương nhất.

Do tác động kinh tế và xã hội, sự “già hóa dân số” hiện nay vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với tất cả các quốc gia. Nhiều nước hiện nay đang xem xét lại các chính sách của mình theo nguyên tắc: Người già là một nguồn nhân lực có giá trị và quan trọng của xã hội. Khuyến khích sự tự lực của người già để tạo điều kiện cho họ tiếp tục tham gia hoạt động xã hội.

Ở nước ta, từ năm 1995, BCH Trung ương Đảng đã có Chỉ thị số 59/CT-TW về chăm sóc người cao tuổi. Mới đây Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 BCH Trung ương khóa XII (Nghị quyết số 21- NQ/TW) về công tác dân số trong tình hình mới đánh giá chất lượng dân số nước ta thời gian qua được cải thiện về nhiều mặt.

Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,4 tuổi năm 2016, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người… Tuy nhiên, tuổi thọ bình quân tăng nhưng số năm sống khỏe mạnh của người cao tuổi lại thấp so với nhiều nước. Vì vậy, nâng cao chất lượng sống của người cao tuổi là trách nhiệm không chỉ của gia đình, của ngành y tế mà phải trở thành mối quan tâm chung của cả xã hội.

Năm 2010, ở nước ta, số người già từ 60 tuổi trở lên chỉ chiếm hơn 13% dân số cả nước và khoảng gần 90% dân số còn lại thuộc lực lượng dân số trẻ (dân số vàng). Tuy nhiên hiện Việt Nam đã bước vào quá trình già hóa dân số, dự báo nước ta sẽ mất không tới 20 năm để tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 7% lên 14% tổng dân số, một tốc độ thuộc hàng cao nhất trên thế giới. Điều này sẽ đặt ra những thách thức lớn cho việc đảm bảo hạ tầng an sinh xã hội.

Nhận định chung là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam hiện nay ngày càng tăng cao. Số người già không ngừng gia tăng về mặt số lượng. Đây là những bậc sinh thành đã có công nuôi dạy con cháu, giữ gìn và phát triển giống nòi, giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam về nhân cách, phẩm chất và lòng yêu nước.

Một bộ phận đông đảo người cao tuổi Việt Nam đã đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Do vậy chăm sóc và phát huy năng lực của người cao tuổi là sự thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ ta và nền đạo đức dân tộc Việt Nam.

Tốc độ già hóa

Hiện nay, số người cao tuổi trên thế giới ngày càng tăng, đặc biệt ở các nước đang phát triển, số người già tăng với tốc độ rất nhanh, bình quân thêm 9,6 triệu người già mỗi năm. Tại các nước công nghiệp phát triển, hiện có khoảng 330 triệu người già đang sinh sống.

Theo tính toán của các nhà dân số học thế giới, tuổi thọ bình quân của con người vào năm 2020 là 72 tuổi. Dự báo năm 2025, Châu Âu sẽ được gọi là “Lục địa già”. Mỗi năm người già ở đây tăng khoảng 25%. Hiện nay cứ mỗi tháng trên toàn thế giới tăng thêm khoảng 1,1 triệu người già.

Theo Cục Thống kê Hoa Kỳ, Trung tâm Nghiên cứu và cơ sở dữ liệu Quốc tế, thì hiện nay Châu Âu là khu vực già nhất và Châu Phi là lãnh thổ có dân số trẻ nhất thế giới. Thụy Điển là nước “già nhất” với tỷ lệ 18% người già trên 65 tuổi.

Sau Thụy Điển là 19 nước khác có tỷ lệ người già nhiều nhất thế giới như: Na Uy, Anh, Bỉ, Đan Mạch, Áo, Ý, Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Hy Lạp, Tây Ban Nha, Phần Lan, Lucxembourg, Bulgari, Hungary, Bồ Đào Nha, Hà Lan, Nhật Bản và Hoa Kỳ.

Tại lục địa Châu Á, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản do mức sinh ngày càng giảm nhanh nên tỷ trọng dân số người già từ 65 tuổi trở lên đang tăng từ 7 - 14%/năm.

Sự già hóa dân số một mặt là sự biểu hiện chất lượng cuộc sống người dân được tăng lên, nhưng mặt khác cũng tạo ra những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe, BHXH và sự công bằng giữa các thế hệ như đã từng xuất hiện ở Châu Âu và Bắc Mỹ.

Từ năm 2000-2018, người 80 tuổi trở lên chiếm khoảng 20% số người già trên thế giới. Ở một số nước Châu Âu như Pháp, Đức, Thụy Điển, các cụ ông, cụ bà 80 tuổi trở lên chiếm đến 1/4 tổng số người già trong cả nước.

Số lượng người già ngày càng tăng đòi hỏi những nhà quản lý và chính phủ phải quan tâm nhiều hơn, vì những người già thường là đối tượng có nhu cầu cao về dịch vụ sức khỏe và sự chăm sóc. Trước đây, các dự báo dân số thường đánh giá thấp tình hình cải thiện tử vong trong số những người già nhất.

Nếu các tỷ suất chết giảm với tốc độ nhanh hơn các mô hình dự báo, thì số lượng người già trong tương lai gần sẽ cao hơn hiện nay rất nhiều. Việt Nam cũng đang xuất hiện hiện tượng “già hóa dân số” trong những năm gần đây, điều đó đang đặt ra cho toàn xã hội những vấn đề thách thức mới về nhiều mặt, đặc biệt là lực lượng “dân số vàng” không đủ đáp ứng cho công cuộc hiện đại hóa đất nước trong thế kỷ XXI…

NGUYỄN TẤN TUẤN

(Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc- UNPFA)