Nhiều điểm mới trong thực hiện Luật Bảo hiểm y tế

Cập nhật, 07:00, Thứ Tư, 19/12/2018 (GMT+7)

Ngày 17/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 146 để quy định và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT và có hiệu lực từ ngày 1/12/2018. Nghị định này bổ sung nhiều điểm mới thay thế Nghị định 105 của Chính phủ với mục tiêu cập nhật chính sách cho phù hợp tình hình mới, đồng thời tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình triển khai thời gian qua.

Nghị định 146 với nhiều quy định mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thẻ BHYT cũng như các cơ sở khám chữa bệnh.
Nghị định 146 với nhiều quy định mới tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thẻ BHYT cũng như các cơ sở khám chữa bệnh.

Chia thành 6 nhóm đối tượng

Nghị định 146 quy định, đối tượng tham gia BHYT thành 6 nhóm: Nhóm do người lao động và người sử dụng lao động đóng; nhóm do cơ quan BHXH đóng; nhóm do ngân sách nhà nước đóng; nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; nhóm do người sử dụng lao động đóng.

Trong đó, nghị định quy định thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT do người sử dụng lao động đóng, gồm: thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng đang phục vụ trong Quân đội; thân nhân của công nhân công an đang phục vụ trong Công an nhân dân; thân nhân của người làm công tác khác trong ngành cơ yếu.

Nghị định 146 bổ sung nhóm đối tượng tham gia BHYT được Nhà nước đóng gồm dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế; thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.

Nghị định cũng quy định thêm nhóm đối tượng tham gia BHYT theo hình thức hộ gia đình, gồm: chức sắc, chức việc, nhà tu hành; người sinh sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội (một số đối tượng); nhóm do người sử dụng lao động đóng BHYT là thân nhân của công nhân, viên chức quốc phòng phục vụ trong quân đội, công an, cơ yếu.

Về giảm trừ mức đóng đối với người tham gia theo hộ gia đình, Nghị định 146 quy định không bắt buộc toàn bộ thành viên hộ gia đình phải tham gia BHYT cùng một thời điểm mà có thể chia nhiều thời điểm trong năm và việc giảm trừ mức đóng khi thành viên thứ 2 tham gia năm tài chính. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT theo hộ gia đình, góp phần mở rộng đối tượng tham gia BHYT.

Gia hạn thanh toán khi đang nằm viện nhưng thẻ BHYT hết hạn

Trường hợp người có thẻ BHYT đang điều trị nội trú nhưng thẻ BHYT hết hạn sử dụng thì được thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng và mức hưởng cho đến khi ra viện nhưng tối đa không quá 15 ngày kể từ ngày thẻ hết hạn sử dụng. Cơ quan BHXH có trách nhiệm thực hiện việc cấp hoặc gia hạn thẻ cho người bệnh trong thời gian điều trị tại cơ sở KCB.

Hỗ trợ mức đóng người thuộc hộ gia đình cận nghèo

Nghị định quy định rõ 3 mức hưởng BHYT đối với từng đối tượng là 80%, 95% và 100%, trong đó có 5 trường hợp được hưởng toàn bộ chi phí khám, chữa bệnh (KCB) BHYT.

Cụ thể: Hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB với các đối tượng gồm người có công với cách mạng; cựu chiến binh; người được hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng; người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; thân nhân của người có công với cách mạng; người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng.

Hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật đối với người hoạt động cách mạng trước năm 1945, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên, trẻ em dưới 6 tuổi.

Hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB tại tuyến xã. Hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB đối với các trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% lương cơ sở. Và hỗ trợ toàn bộ chi phí KCB khi người bệnh tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí KCB trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở, trừ khi tự đi KCB không đúng tuyến.

Nghị định cũng quy định rõ mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng tham gia BHYT. Theo đó, từ ngày 1/12/2018, mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách nhà nước cho một số đối tượng như sau: Hỗ trợ toàn bộ mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo đang sinh sống tại các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ.

Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng BHYT đối với người thuộc hộ gia đình cận nghèo theo tiêu chí chuẩn cận nghèo theo quy định của Chính phủ; người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều không thuộc trường hợp người thuộc hộ gia đình nghèo theo tiêu chí về thu nhập, người thuộc hộ nghèo đa chiều có thiếu hụt về BHYT quy định tại Quyết định số 59 của Thủ tướng Chính phủ. 

Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT đối với học sinh, sinh viên; người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

“Cởi trói” cho y tế xã

Theo Nghị định 146, BHXH sẽ không giao cho cơ sở có người đăng ký KCB ban đầu dựa trên số thu BHYT của những người có thẻ đăng ký tại đây hiện nay. Theo đó, các trạm y tế cũng không bị rào cản về việc bị khống chế tỷ lệ quỹ được sử dụng tại trạm y tế là dưới 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT như hiện nay.

Trong trường hợp người có thẻ BHYT tự đi KCB không đúng tuyến sau đó được cơ sở nơi tiếp nhận chuyển tuyến đến cơ sở KCB khác thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB theo như đi trái tuyến, trừ các trường hợp cấp cứu, đang điều trị nội trú được phát hiện bệnh ngoài phạm vi chuyên môn của cơ sở KCB, tình trạng bệnh diễn biến vượt quá khả năng chuyên môn của cơ sở KCB.

Bài, ảnh: BÙI THANH

 

“Cởi trói” cho y tế xã

Theo Nghị định 146, BHXH sẽ không giao cho cơ sở có người đăng ký KCB ban đầu dựa trên số thu BHYT của những người có thẻ đăng ký tại đây hiện nay. Theo đó, các trạm y tế cũng không bị rào cản về việc bị khống chế tỷ lệ quỹ được sử dụng tại trạm y tế là dưới 20% quỹ khám chữa bệnh BHYT như hiện nay.