Hút thuốc lá nơi công cộng: Cấm cứ cấm, hút cứ hút

Cập nhật, 11:18, Thứ Sáu, 19/10/2018 (GMT+7)

Hút thuốc lá nơi công cộng là hành vi bị cấm và đã có quy định xử phạt rõ ràng trong Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá. Tuy vậy, việc xử phạt trên thực tế còn rất nhiều hạn chế. Tại Vĩnh Long chưa có trường hợp nào mà hút thuốc lá nơi công cộng bị xử phạt hành chính.

Nhiều người hút thuốc lá khi qua phà Đình Khao.
Nhiều người hút thuốc lá khi qua phà Đình Khao.

Vô tư “phả” khói nơi công cộng

Nhà chờ bến phà và trên phà là những nơi công cộng đã được quy định cấm hút thuốc lá nhưng những hình ảnh người hút thuốc cứ vô tư “phả” khói khi đi trên phà.

Những người hút thuốc dường như không quan tâm đến những tấm biển mà cơ quan chủ quản đã treo để nhắc nhở hành khách và hành vi bị cấm này chỉ dừng lại ở việc nhắc nhở còn xử lý hành chính thì không ai thực hiện.

Ông Đỗ Thành Ha- Bến trưởng Bến phà Đình Khao- cho biết: “Từ khi có quy định về phòng chống thuốc lá, chúng tôi thực hiện theo quy định của Nhà nước bằng cách tuyên truyền, treo những bảng cấm hút thuốc lá nơi công cộng trên nhà chờ và dưới các phà nhằm động viên người dân thực hiện.

Riêng phần xử lý vi phạm, mình không có chức năng mà chỉ có nhiệm vụ nhắc nhở thôi. Tuy nhiên, nhiều người qua phà vẫn hút thuốc nhiều lắm”.

Trên bến phà qua cù lao Mây (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) ken cứng người và xe, chị Trúc Ly (thị trấn Trà Ôn) bức xúc: “Trưa nắng nóng hầm hập, tôi mang 2 lớp khẩu trang mà mùi thuốc vẫn xộc vào mũi rất khó chịu. Lúc nãy, tôi có nhắc chú đứng kế bên vui lòng đừng hút, do tui đang mang bầu.

Chú lịch sự xin lỗi rồi dụi thuốc. Giờ phà chạy ken cứng như vậy, tôi ra phía sau đứng cho thoáng, mà xung quanh 3- 4 người hút, tôi ráng chịu đựng 5 phút qua bên kia mà ngộp muốn xỉu”.

Hút thuốc lá trong bệnh viện là hành vi bị cấm và có thể bị phạt từ 100.000- 300.000đ. Mặc dù những biển cấm hút thuốc lá, những hình ảnh khuyến cáo hút thuốc có hại cho sức khỏe được treo nhiều nơi dễ thấy nhưng nhiều người vẫn hút thuốc.

Không khó thấy người nuôi bệnh hút thuốc lá và đầu lọc thuốc lá tại các bệnh viện trong tỉnh. Điều đáng nói, đối tượng hút thuốc trải đều từ thanh niên cho đến trung niên và cả những người trên 70 tuổi.

Không khó để bắt gặp hình ảnh cha ẵm con đi khám bệnh mà trên miệng vẫn còn điếu thuốc. Một vài người “san sẻ” cho nhau “mồi lửa” châm điếu thuốc “rít vài hơi”.

Luật Phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực gần 5 năm nhưng việc xử phạt mới chỉ dừng lại ở từ “nhắc nhở”. Thực tế cho thấy, tình trạng hút thuốc lá ở những nơi bị cấm vẫn diễn ra phổ biến nhưng người vi phạm không bị xử lý.

Chị Lê Ngọc Hân (Phường 3- TP Vĩnh Long) thông tin, mặc dù một số quán cà phê, quán ăn có khu vực phòng kín được gắn máy lạnh và treo bảng cấm hút thuốc lá nhưng nhiều người vẫn phớt lờ, coi như không biết. Khi bị nhắc nhở, họ tỏ vẻ khó chịu, nói quán không biết chiều khách.

Theo BS CK2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh: “Vẫn còn rải rác một số người nhà ra hành lang và chỗ khuất của bệnh viện hút thuốc dù nhân viên thấy có nhắc nhở.

Việc nhận thức và quyết tâm không hút thuốc lá trong bệnh viện của một bộ phận người dân chưa tốt. Hiện nay chúng tôi chưa xử phạt hành chính về vấn đề này”.

Thuốc lá và bệnh tim mạch

Theo chuyên gia y tế, với trên 4.000 chất độc hại có trong thuốc lá, mỗi năm cả nước có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá tại Việt Nam là 96,8%; rồi các bệnh liên quan đến tim và các mạch máu;...

Khi khói thuốc đi vào cơ thể, nó sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến tim. Chỉ sau 10 phút, nhịp tim sẽ tăng lên 30%. Những người hút thuốc tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim từ 2- 6 lần. Cứ 3 người tử vong vì bệnh tim mạch thì có 1 người do hút thuốc lá.

Nguy cơ đột quỵ do đau tim là bằng chứng cho thấy trái tim của chúng ta rất dễ bị tổn hại nghiêm trọng do thói quen hút thuốc.

Những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao không chỉ là người hút thuốc, người hút thuốc thụ động cũng bị ảnh hưởng. Nguyên nhân là do việc hút thuốc gây ảnh hưởng tiêu cực tới các hoạt động của động mạch.

Do đó, nếu những người nghiện thuốc lá bỏ thuốc thì nguy cơ mắc bệnh nhồi máu cơ tim sẽ giảm đi đáng kể và ngừng hút thuốc chính là cách tốt nhất để duy trì cuộc sống khỏe mạnh.

Để phòng bệnh tim mạch và đột quỵ, các chuyên gia y tế khuyên mọi người dân cần: kiểm soát tốt huyết áp của mình; kiểm soát cholesterol máu;

bỏ thuốc lá hoặc không bắt đầu hút thuốc; tránh hút thuốc thụ động; ăn ít chất béo, ít muối, ăn nhiều trái cây, rau quả; giữ số cân hợp lý; vận động thường xuyên; hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích khác; kiểm soát các bệnh khác như đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid.

Thiết nghĩ, để giảm tác hại của thuốc lá đến sức khỏe con người và môi trường sống, trước khi người hút thuốc lá nhận thức đúng về thói quen và hành vi của mình, thì các ngành chức năng cần có các biện pháp tuyên truyền và thực hiện nghiêm quy định xử phạt các trường hợp vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, đối với người thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc, dù là ở nơi làm việc hay ở nhà, nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao gấp đôi so với người bình thường.

Bài, ảnh: MAI ANH