Gia đình văn hóa- "Pháo đài" đẩy lùi tệ nạn xã hội

Cập nhật, 12:06, Thứ Hai, 08/10/2018 (GMT+7)

 

Động viên, khen thưởng kịp thời sẽ tiếp thêm động lực và cũng là tấm gương để phát triển gia đình văn hóa.
Động viên, khen thưởng kịp thời sẽ tiếp thêm động lực và cũng là tấm gương để phát triển gia đình văn hóa.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tạo được sức lan tỏa, dần thấm sâu vào toàn bộ đời sống, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, góp phần ngăn chặn các hủ tục, tệ nạn xã hội.

Trước những đổi thay trong thời kỳ mới, xây dựng gia đình văn hóa vẫn là mục tiêu quan trọng, trở thành “pháo đài” chống lại sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội và những tiêu cực làm mất đi giá trị tốt đẹp của dân tộc.

Gìn giữ giá trị gia đình truyền thống

Thời gian qua, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa” đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình trong xây dựng đời sống văn hóa, kinh tế, xã hội.

Điều đó thể hiện rõ trong phong trào thi đua yêu nước, hoạt động ở địa phương như: phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, phòng chống tội phạm và trật tự an toàn xã hội, trong phát triển, sản xuất, kinh doanh; đặc biệt là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, giảm nghèo bền vững,…

Ở tỉnh Vĩnh Long, phong trào xây dựng gia đình văn hóa được tổ chức thực hiện từ năm 1996, thông qua cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Qua 18 năm (2000- 2018) thực hiện, phong trào đã góp phần nâng cao vai trò, vị trí của gia đình.

Năm 2000, toàn tỉnh có 72.071/213.042 hộ đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”, chiếm 33,82%, và đến tháng 8/2018, toàn tỉnh có 249.820/ 263.993 hộ đạt chuẩn “Gia đình văn hóa”, chiếm 94,63%.

Qua thực hiện phong trào, nhiều gia đình duy trì lối ứng xử có văn hóa đã tạo ra nề nếp, kỷ cương để mọi người cùng noi theo.

Những nét đẹp ứng xử trong gia đình đã hình thành nên nhiều giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt như: hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, tôn trọng, hiếu để với cha mẹ, anh em,…

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định sự tôn trọng giá trị ứng xử từ gia đình truyền thống: “Ba trụ cột của ý thức cộng đồng người Việt, đó là gia đình (nhà), làng và nước. Ngày nay, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh đòi hỏi chúng ta phải trở lại với những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp từ gia đình”.

Vừa nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2015- 2018, chú Trương Hồng Sơn (ấp Thuận Phú B, xã Thuận An- TX Bình Minh) chia sẻ: “Gia đình tôi luôn tích cực, gương mẫu trong các phong trào hành động cách mạng ở địa phương: góp ngày công, vật chất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng đường làng ngõ xóm sạch đẹp, chăm sóc khuôn viên nhà…

Chú khẳng định: “Xây dựng gia đình văn hóa là gốc rễ trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Gia đình tôi bắt đầu từ việc giáo dục con cháu phát huy, giữ gìn truyền thống gia đình, chăm chỉ trong học tập, lao động, đoàn kết, tương thân tương ái với mọi người,…”

Vượt qua những thách thức khi hội nhập

Xã hội hiện đại, kinh tế phát triển và đi đôi với nó là xuất hiện kiểu sinh hoạt gia đình theo lối sống công nghiệp, tiếp xúc với các tiện nghi công nghệ hiện đại đã tác động mạnh mẽ đến đời sống gia đình.

Nề nếp gia phong và các giá trị đạo đức truyền thống có nguy cơ bị phá vỡ và đặt ra nhiều khó khăn, thách thức mới trong công tác xây dựng gia đình văn hóa: tình trạng ly hôn, tội phạm có chiều hướng ngày càng tăng; đạo đức, lối sống trong gia đình xuống cấp; ý thức công dân kém, lý tưởng cách mạng, nhân cách, đạo đức, lối sống văn hóa của thế hệ trẻ ngày càng có chiều hướng đi xuống,…

Liên tục trong nhiều năm, tình hình bạo lực gia đình ở Vĩnh Long có chiều hướng diễn biến phức tạp. Năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 91 vụ bạo lực gia đình; cụ thể: bạo lực tinh thần 35 vụ, thân thể 48 vụ, tình dục 2 vụ và kinh tế 6 vụ.

Các địa phương đã xử lý 82 vụ bạo lực gia đình, trong đó, góp ý phê bình trong cộng đồng dân cư 41 vụ, áp dụng các biện pháp giáo dục 23 vụ, xử phạt hành chính 16 vụ, xử lý hình sự 2 vụ.

Từ thực tế trên, việc phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình truyền thống trong công tác xây dựng gia đình văn hóa là yêu cầu bức thiết của toàn xã hội. Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và đẩy mạnh xây dựng “Gia đình văn hóa” là không thể tách rời.

Trong giai đoạn hiện nay, “xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” cần sự chung tay góp sức của toàn xã hội, mà xét đến cùng, đó là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi con người cụ thể.

Ông Lữ Quang Ngời- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Gia đình hiện nay đang đứng trước những thách thức mới, đặc biệt là tác động của mặt trái trong cơ chế thị trường.

Do đó, việc xây dựng gia đình văn hóa là vô cùng quan trọng, vừa giữ gìn và phát huy được những giá trị văn hóa, bản sắc tốt đẹp của gia đình truyền thống; vừa góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh.

Để phát huy kết quả đạt được và thực hiện có hiệu quả nội dung này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cần đẩy mạnh tuyên truyền trong cán bộ, công chức và nhân dân về vai trò, vị trí của gia đình trong xã hội; phổ biến nội dung về gia đình, kiến thức khoa học kỹ thuật, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; kiên quyết đấu tranh xóa bỏ những tập tục lạc hậu trong hôn nhân và gia đình; phòng ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình.

Bên cạnh đó là việc tập trung đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với xây dựng nông thôn mới; khuyến khích gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống để thực hiện đạo nghĩa của con cháu đối với người cao tuổi, cũng như nêu cao trách nhiệm của ông, bà trong việc giáo dục, truyền thụ những nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam đối với thế hệ tương lai của đất nước…

Bài, ảnh: KIM KHÁNH- PHƯƠNG THÚY