Cần thực thi nghiêm Luật phòng, chống tác hại thuốc lá

Cập nhật, 14:35, Thứ Sáu, 05/10/2018 (GMT+7)

Sau 5 năm ban hành, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) đã từng bước đi vào cuộc sống. Song, việc triển khai thực thi Luật PCTHTL hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, do người dân chưa có ý thức đầy đủ về tác hại của TL và cố tình “phớt lờ” những quy định của luật.

Thản nhiên hút thuốc tại khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.
Thản nhiên hút thuốc tại khuôn viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long.

Thản nhiên hút thuốc

Đi một lượt ở các bệnh viện, trung tâm y tế, tình trạng bệnh nhân, thân nhân người bệnh còn thản nhiên hút TL vẫn rất phổ biến, trong khi trong các cơ sở này có đầy bảng cấm hút thuốc.

Nhiều tàn thuốc vương vãi trên khuôn viên bệnh viện. Nhiều người vô tư nhả khói thuốc trước bệnh nhân, trẻ em và những chỗ đông người. Nhiều bệnh nhân cũng hút thuốc dù người đang mang bệnh. Xem ra vẫn thật khó để có được môi trường “không thuốc lá” tại các địa điểm này.

Hầu như khi được đề cập đến việc hút thuốc có hại cho sức khỏe người hút lẫn người hít khói thuốc, không ít người hút thuốc đều mơ hồ cho rằng là thói quen “ghiền” rồi khó bỏ lắm hay “hút cả chục năm rồi có sao đâu”.

Ngồi ghế đá trong khuôn viên Trung tâm y tế TP Vĩnh Long, người cha (xã Tân Hạnh- Long Hồ) vô tư rít thuốc; con gái nhỏ học lớp 2, tay băng bột do bị té ngồi kế bên mân mê búp bê. Chúng tôi hỏi vì sao anh hút thuốc ngay trong bệnh viện,  người cha ngượng ngùng: “Con nằm viện trong đây, chẳng lẽ trông con mấy ngày thì nhịn thuốc cả mấy ngày. Thèm quá nên ra làm một điếu cho đỡ thèm”.

Các khu vui chơi dành cho trẻ em cũng tràn ngập khói TL, nhiều phụ huynh vô ý thức, thản nhiên hút thuốc trong khi đợi con chơi đùa.

Chị Trần Thảo Hân (Phường 2- TP Vĩnh Long) bức xúc: “Đưa con đi vui chơi ở Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu niên mà gặp người vô ý thức hút bực mình lắm. Tôi thấy là tôi nhắc nhở, anh ơi đừng hút thuốc chỗ trẻ con vui chơi. Có người lịch sự vụi liền tàn thuốc. Có người nói mà cũng hút. Gặp vậy, tôi dẫn con chơi trò khác, để tránh xa khói thuốc”.

Việc hút TL nơi công cộng sẽ gây ảnh hưởng tới sức khỏe của nhiều người, làm cho những người không sử dụng TL cũng bị hút TL một cách thụ động, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ em và phụ nữ đang mang thai.

Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, hút TL thụ động có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, suy tim, ung thư phổi, giảm chức năng hô hấp, sinh sản… Do vậy, việc áp dụng các quy định về cấm hút TL nơi công cộng là vô cùng cần thiết. 

Cần thực thi nghiêm Luật phòng, chống tác hại thuốc lá

Luật Phòng chống tác hại của TL (có hiệu lực từ năm 2013) nghiêm cấm người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán TL; bán, cung cấp TL cho người chưa đủ 18 tuổi; hút TL tại địa điểm có quy định cấm.

Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tác hại của TL thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật; cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Thế nhưng, thực tế hầu như rất hiếm trường hợp vi phạm bị xử lý.

Hiện tại, ở Việt Nam có đến 45,3% nam giới hút TL. Theo Quỹ Phòng, chống tác hại của TL (Bộ Y tế), để đạt mục tiêu của Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại TL đến năm 2020 là giảm tỷ lệ sử dụng TL trong nam giới còn 39%, Việt Nam cần tăng thuế tiêu thụ thuốc lá, đồng thời tăng cường hiệu quả của việc xử phạt. 

Quy định xử lý vi phạm khá rõ, tuy nhiên, việc chấp hành và xử lý vẫn chưa cao, do không có ai thực thi nhiệm vụ xử phạt, trong khi đó chế tài chưa có tính răn đe nghiêm khắc như các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.

Tại Thái Lan, quy định cấm hút thuốc trong trường học, công sở và thậm chí là nơi ăn uống khá nghiêm khắc. Dù quán ăn, nhà hàng ở ngoài trời, nhưng khi có biển “Khu vực không hút thuốc”, chủ doanh nghiệp rất kiên quyết vận động, nhắc nhở và sẵn sàng không phục vụ.

Trong khi đó, biện pháp ở nước ta chỉ là nhắc nhở, vận động. Rất cần có phân công nhân sự chuyên trách xử phạt những người có hành vi hút TL tại những điểm quy định cấm hút TL; đẩy mạnh việc chống buôn lậu thuốc lá và các hoạt động kinh doanh TL vi phạm luật.

Việt Nam hiện là nước có mức rủi ro về bệnh tật và tử vong do TL cao với 40.000 ca tử vong hàng năm do nguyên nhân từ sử dụng TL. Nếu không có những hành động kịp thời và cụ thể ngay từ bây giờ, ngay từ Tuần lễ quốc gia không khói TL, Luật Phòng, chống tác hại của TL không biết đến bao giờ mới được thực thi nghiêm túc.

Luật quy định cấm hút TL nơi công cộng, gồm cơ sở y tế, trường học, nơi làm việc, bến xe… Tại Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14-11-2013 về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế, có các quy định về phòng, chống tác hại của TL. 

Điều 22 của nghị định này quy định: Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với một trong các hành vi như hút TL tại địa điểm có quy định cấm; bỏ mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định khi hút TL ở những địa điểm được phép hút TL…

Bài, ảnh: MAI ANH