"Gỡ khó" cho tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa

Kỳ cuối: Đưa hoạt động đi vào thực chất, hiệu quả

Cập nhật, 09:35, Thứ Sáu, 29/06/2018 (GMT+7)

Xây dựng hình thức, nội dung, đến cách thức tổ chức hoạt động để các cơ sở vật chất văn hóa (CS.VCVH) phát huy được “công năng, hiệu quả” đang là vấn đề đặt ra hiện nay, đòi hỏi phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền và các ngành có liên quan để thực sự đáp ứng nhu cầu hưởng thụ về tinh thần của người dân trong xây dựng nông thôn mới (NTM).

TT.VHTT xã Hựu Thành là một trong những nơi làm khá tốt công tác xã hội hóa.
TT.VHTT xã Hựu Thành là một trong những nơi làm khá tốt công tác xã hội hóa.

Cần có sự thay đổi linh hoạt

Một trong những nguyên nhân khiến các trung tâm văn hóa thể thao (TT.VHTT) xã, nhà VH xã, nhà VH- khu TT liên ấp hoạt động kém hiệu quả là “vướng” về vị trí xây dựng, đặt ở nơi không phù hợp nên khó thu hút người dân đến sinh hoạt.

“Nếu xây giữa nơi đông dân cư thì giá đất rất đắt, trong khi kinh phí có giới hạn, vả lại ở ngay đó làm sao có đất trống để xây. Vì thế, đất công ở đâu thì xây ở đó, còn mua đất rẻ thì ở nơi hẻo lánh, xa xôi. Theo tôi, khi đầu tư xây dựng, UBND tỉnh cần hỗ trợ luôn kinh phí mua đất cho địa phương”- ông Lê Văn Phúc- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, Trưởng BCĐ xây dựng NTM huyện- kiến nghị.

Trên thực tế, do yêu cầu phải có TT.VHTT xã và nhà VH- khu TT liên ấp để đạt tiêu chí số 6 về CS.VCVH trong xây dựng NTM nên nhiều địa phương “xây xong rồi... bỏ đó”.

Chính vì thế, “chủ trương của huyện là xã hội hóa điểm sinh hoạt VH ấp tại các quán cà phê. Về phía địa phương thì hỗ trợ thêm máy móc, tủ đọc sách báo, dàn âm thanh, tiền điện để điểm đó hoạt động”- ông Lê Văn Phúc cho biết.

Ông Nguyễn Thanh An- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL tỉnh- nhận định: Đối với các xã miền núi phía Bắc, từ xã này qua xã kia có khi đi cả ngày trời mới tới, nên cần có nhà VH- khu TT liên ấp.

Còn mình chỉ mất vài phút chạy xe là đã tới rồi; như vậy, việc làm theo quy định mỗi xã phải có TT.VHTT xã rồi lại có thêm nhà VH- khu TT liên ấp thì quá lãng phí, nếu cứ bổ đều các xã trong cả nước như nhau chẳng khác nào cứ đi vào cái vòng luẩn quẩn.

“Theo tôi, bình quân 3 xã chỉ cần xây chung 1 TT.VHTT để tập trung nguồn lực cho hoành tráng, về con người cũng phải được đào tạo bài bản và quyết tâm làm cho tốt, cùng với sự hỗ trợ ngân sách cần phấn đấu hoạt động như sự nghiệp có thu thì hiệu quả sẽ cao hơn”- ông Nguyễn Thanh An kiến nghị.

Qua điều tra xã hội học, đa số người dân ở nông thôn là học sinh và người cao tuổi, còn những người trong độ tuổi lao động thì chủ yếu đi làm ở khu công nghiệp và các thành phố lớn, cho nên “khi xây TT.VH TT cần gắn kết xây gần trường học để các học sinh tiện qua sinh hoạt và gắn kết với các hoạt động thể chất sẽ mang lại hiệu quả cao hơn”- ông Nguyễn Thanh An đề nghị.

Đối với những nơi có vị trí tốt như TT.VHTT xã Hựu Thành (Trà Ôn)- nằm ngay trung tâm, đông dân cư thì cần mạnh dạn có cơ chế cho tư nhân đầu tư (hồ bơi, sân bóng...), khi bỏ tiền ra xây thì họ sẽ có cách quản lý để sinh lời và thúc đẩy phong trào luyện tập thể thao có hiệu quả. Về phía Nhà nước, sẽ đỡ một phần kinh phí đầu tư.

“Đối với những TT.VHTT cấp xã, nơi nào có điều kiện tốt, gần khu dân cư và đã xây dựng rồi thì có thể làm mô hình thí điểm trước mắt giống như đơn vị sự nghiệp có thu. Nhà nước cấp kinh phí thì phải làm 5- 6 nội dung trong năm.

Còn lại thì phải tự chủ và làm cách nào để thu hút, mang lại hiệu quả. Việc xây dựng cơ chế này sẽ thực hiện ở nơi nào có điều kiện thì làm trước”- ông Nguyễn Thanh An đề xuất.

Khi xây CS.VCVH cũng cần có sân đủ rộng để đảm bảo các hoạt động ngoài trời.
Khi xây CS.VCVH cũng cần có sân đủ rộng để đảm bảo các hoạt động ngoài trời.

Những vấn đề cần quan tâm

“Nếu có điều kiện (ngân sách cân đối được) thì nâng kinh phí hoạt động cho xã, ấp là thích hợp, vấn đề là chất lượng phải được nâng lên.

Ông Nguyễn Minh Dũng- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh- cho rằng: việc xây dựng TT.VHTT là cần thiết, đối với nhà VH- khu TT liên ấp, nếu có điều kiện thì gắn với trụ sở ấp.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Dũng cũng lưu ý, cần quan tâm đối tượng quản lý: “Nếu giao cho ông trưởng ấp mà nhà ổng không gần đó, nếu mở cửa bỏ suốt thì... vài bữa thì “banh tành” hết, còn nếu đóng cửa để đảm bảo CSVC thì người dân không vào sinh hoạt được.

Do đó cần nghiên cứu về cách thức tổ chức hoạt động, chủ trương, cơ chế cho thuê và đầu tư khai thác cho hiệu quả”.

Đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- cho rằng: Việc đầu tư trang thiết bị đòi hỏi kinh phí không lớn nhưng vấn đề quan trọng là phải mang lại hiệu quả.

Về nâng mức hỗ trợ, tôi có băn khoăn là như thế nào mới đủ, cũng có khi kinh phí ít nhưng lại không sử dụng do thiếu sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền; bố trí con người không phù hợp, kỹ năng điều hành chưa tốt, không biết làm kế hoạch hoặc không biết sử dụng kinh phí đúng mục đích, hiệu quả.

Do đó, nâng kinh phí hỗ trợ cần phải hết sức thực tế, thực tiễn, nhu cầu tới đâu thì đáp ứng tới đó, chứ không bổ đều, sẽ có những xã cao hơn hay thấp hơn, chủ yếu là tính theo hiệu quả, nhưng nếu không định khung thì anh em không biết làm kế hoạch nên cũng cần có khung “cứng” và “mềm”.

“Trong hoạt động VH thì vấn đề khuyến khích xã hội hóa, cho thuê để đầu tư là hợp lý. Hiện, xã nào cũng có sân vận động nhưng ít có nhu cầu, xuất phát từ đặc điểm này, cần chú ý xây dựng sao phù hợp với nhu cầu từng đối tượng”- ông Trương Văn Sáu đề nghị và nhận định- Khó khăn hiện nay là do thiếu người, CSVC thiếu đồng bộ, thiếu kinh phí...

Do vậy, ngành VH xây dựng các mô hình đầy đủ hết mọi mặt để khẳng định một lần nữa. Nếu hoạt động có hiệu quả thì tiếp tục phát huy, nếu được đầu tư đầy đủ mà vắng hoe thì cần xem lại. Tuy nhiên, khi chọn mô hình cần chú ý vị trí phù hợp.

Qua khảo sát thực tế, ông Trần Văn Ý- Trưởng Ban Văn hóa Xã hội thuộc HĐND tỉnh- cho rằng: Cấp huyện chưa thật sự gắn kết với cơ sở, việc xây dựng trụ sở chưa gắn với ngành chuyên môn, chưa ăn nhịp được nên phát sinh nhiều vấn đề.

Điều này đã đặt nhiệm vụ cho ngành VH là phải làm sao tham mưu cho UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo cho hệ thống UBND cấp huyện và xã, khi chọn vị trí xây dựng và đầu tư CS.VC, trang thiết bị thì cần có ý kiến của ngành chuyên môn.

Vấn đề luân chuyển sách hiện nay đang gặp khó là do không phù hợp với nhu cầu cơ sở và VH đọc của người dân. Mặc dù công nghệ thông tin phát triển rộng khắp, chỉ mở mạng ra là xem ngay, tuy nhiên các loại sách về khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ, sản xuất, mô hình nông dân giỏi... sẽ đi vào lòng dân, đi vào cơ sở hơn.

Theo ông Trần Văn Ý, có được phong trào hoạt động VH ở cơ sở, vấn đề tiên quyết là con người. Tuy nhiên, cán bộ phụ trách ở cơ sở luôn biến động, nghiệp vụ không ổn định. Do đó, cần quan tâm tập huấn bồi dưỡng, cung cấp tài liệu nghiệp vụ, chuyên môn cho cán bộ VH cơ sở kể cả ban chủ nhiệm trung tâm và các CLB về kinh nghiệm, kỹ năng tổ chức các phong trào.

Bên cạnh việc đầu tư xây dựng CS.VCVH, cần có kinh phí để trang bị phương tiện làm việc.
Bên cạnh việc đầu tư xây dựng CS.VCVH, cần có kinh phí để trang bị phương tiện làm việc.

Qua phong trào sẽ chọn những người có chuyên môn, có sự đam mê để thúc đẩy hoạt động đi vào đúng bài bản.

Theo ông Trần Văn Ý, việc sáp nhập TT.VHTT và TT học tập cộng đồng các xã là cần thiết trong giai đoạn hiện nay khi thực hiện tinh gọn bộ máy, kinh phí hoạt động từ mỗi trung tâm 20 triệu đồng/năm được gộp lại sẽ thuận lợi hơn cho tổ chức các hoạt động. Song, cần có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, nhất là phải đào tạo về phương thức, mô hình hoạt động ra sao cho hiệu quả.

Bên cạnh, cần làm tốt công tác tuyên truyền để khẳng định vị trí vai trò, tầm quan trọng của các thiết chế VH đối với đời sống xã hội. Qua đó, “nhằm tạo bước nhận thức mới, nhận thức thêm đối với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân về thực hiện tốt hơn nhiệm vụ phát triển VH, thể dục- thể thao đối với cơ sở”- ông Trần Văn Ý nhấn mạnh.

Toàn tỉnh hiện có 53 TT.VHTT cấp xã, với 106 cán bộ quản lý, gần 300 cộng tác viên, chiếm tỷ lệ 48,62%, có 41 nhà VH- khu TT liên ấp (bình quân 1 nhà VH- khu TT sử dụng chung cụm, từ 3 ấp trở lên), có 23 sân bóng đá liên xã.

 

 Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- CẨM HUỆ