Ngành công tác xã hội- nghề giúp người yếu thế

Cập nhật, 14:02, Thứ Sáu, 30/03/2018 (GMT+7)

Một giảng viên giải thích về ngành công tác xã hội (CTXH): Là ngành chuyên giúp đỡ người yếu thế. Chúng ta hay nghe nói về việc “trao cần câu hay xâu cá” thì người làm CTXH sẽ nghiên cứu xem đối tượng có “khả năng câu cá” không và hướng dẫn cho đối tượng “cách câu cá”.

Hiện tại ở Vĩnh Long, có 2 trường: ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long và ĐH Cửu Long đào tạo chuyên ngành này.

Tiết học về giới của các bạn sinh viên ngành công tác xã hội Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.
Tiết học về giới của các bạn sinh viên ngành công tác xã hội Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Không phải làm từ thiện

CTXH là một nghề chuyên hỗ trợ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoặc những người yếu thế (người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già...). Sứ mạng của ngành CTXH là nỗ lực hành động nhằm giảm thiểu: những rào cản trong xã hội, sự bất công và sự bất bình đẳng.

Rất nhiều người lầm tưởng ngành CTXH là ngành học ra để làm từ thiện. Bạn Bùi Thị Kim Yến- SV năm 2, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- chia sẻ: “Khi em quyết định chuyển từ ngành công nghệ kỹ thuật ô tô sang ngành CTXH, gia đình em đã phản đối vì cho là học ngành CTXH sẽ đi vận động suốt ngày, xin tiền suốt ngày”.

Khi theo học, Yến biết mình đã chọn đúng ngành vì bạn: “Cảm thấy hạnh phúc khi được tham gia những chương trình giúp đỡ người khó khăn, yếu thế”.

Bạn học cùng lớp của Yến, Nguyễn Thái Minh Thiện cho biết: “Em đang nôn đến đợt thực tập ở trung tâm CTXH vào tháng 4 tới, chắc là sẽ khó khăn nhưng em tin mình làm được”.

Điều cốt yếu của người làm CTXH là phải yêu nghề, say mê với nghề và luôn mong muốn khám phá về các vấn đề của con người và cuộc sống.

Cô Trần Đại Phước- giảng viên ngành CTXH- Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long- cho rằng: “Ngành CTXH đòi hỏi cái tâm và trong tương lai gần thì: Đây không phải là ngành làm giàu được!”

Cô Phước tốt nghiệp chuyên ngành CTXH- ĐH Đà Nẵng và từng có thời gian làm việc ở một tổ chức phi chính phủ. Cô cho rằng: “Ngoài kỹ năng giao tiếp, tính nhẫn nại, lòng thương người thì ngành này còn cần vốn ngoại ngữ tốt”.

Thời gian cô tiếp xúc và dạy cho một bé bị tự kỷ và câm điếc bẩm sinh là kỷ niệm đáng nhớ nhất.

“Em bé đó muốn thu hút sự chú ý của người khác bằng hành vi bạo lực vì em không nói và không nghe được, cũng không ai hiểu em nói gì. Cha mẹ em đã ly hôn và ít quan tâm đến em”.

Cô Phước đã đến tận nhà tặng cho em quyển sách về ngôn ngữ ký kiệu, qua quá trình học tập trong trung tâm và phối hợp với phụ huynh bé đã giao tiếp tốt với gia đình.

“Niềm hạnh phúc lớn lao của người làm CTXH không phải là tiền mà chính là hạnh phúc khi nhận được trái ngọt từ việc làm của mình”- cô Phước cười thật tươi.

Hành trang chọn ngành

Ngành CTXH có nhiều tổ hợp để học sinh chọn lựa, trong đó, Trường ĐH Cửu Long xét tuyển dựa trên 4 tổ hợp: Toán, Lý, Tiếng Anh; Văn, Sử, Địa; Văn, Toán, Lý và Toán, Văn, Tiếng Anh. Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long xét tuyển điểm thi THPT quốc gia với 4 tổ hợp: Toán, Lý, Tiếng Anh; Toán, Văn, Tiếng Anh; Văn, Sử, Địa và Văn, Sử, Giáo dục công dân.

Điểm xét tuyển dự kiến của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long là 15 điểm cho tất cả tổ hợp. Song song đó, cả 2 trường này đều có phương án tuyển sinh riêng bằng phương pháp xét tuyển bằng kết quả học tập.

Sinh viên Trường ĐH Cửu Long thực tập ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Có đến 5 chuyến thực tập, thực tế tại cơ sở cho chuyên ngành này.
Sinh viên Trường ĐH Cửu Long thực tập ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh. Có đến 5 chuyến thực tập, thực tế tại cơ sở cho chuyên ngành này.

Nói về kỹ năng cần có cũng như năng lực cần thiết cho ngành CTXH, Ths. Định Thị Tân- Giảng viên Trường ĐH Cửu Long- cho rằng: “Khối C là thích hợp nhất (Văn, Sử, Địa), điều kiện cần là các em có nền tảng học tốt môn Ngữ văn”.

Thời gian học ngành CTXH hiện nay đang theo hướng tinh gọn, còn khoảng 125- 135 tín chỉ và các em có thể ra trường sau 3,5 năm học. Chương trình đào tạo không thiên về học bài mà chủ yếu rèn luyện kỹ năng nhóm, thuyết trình, thực tế, thực tập.

Được đi thực tế tại Trung tâm Y tế TP Vĩnh Long vào mùa hè vừa qua, SV Trần Văn Hợp, năm 2 ngành CTXH, ĐH Cửu Long cho biết: “Đây là một ngành cho nhiều hơn nhận và khi đi tiếp xúc trực tiếp thì em đã cảm nhận được những khó khăn của nghề: gặp đối tượng trái tính trái nết, khó chăm sóc,… ”.

Bên cạnh những chương trình thực tập, thực tế tại các trung tâm y tế hay trung tâm CTXH, nhóm bạn của Hợp còn đi đến các bệnh viện tâm thần, trại trẻ mồ côi để làm quen và tiếp xúc với nhiều
đối tượng.

Xa hơn nữa, CTXH không dừng lại ở giúp đỡ người yếu thế mà sẽ phát triển thành các dịch vụ xã hội. ThS. Nguyễn Cao Đạt- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Cửu Long cho rằng: “CTXH là một nghề và cần được nhìn nhận ở một vị trí quan trọng.

Đất nước càng phát triển thì nhu cầu nhân lực ngành này càng lớn và các dịch vụ CTXH sẽ được đẩy mạnh, đây là ngành có cơ hội việc làm cao trong tương lai. Trường ĐH Cửu Long mong muốn hợp tác với các trung tâm, đơn vị để đào tạo nhân lực trong lĩnh vực này”.

Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, ngày 23/3/2010 phê duyệt Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2010- 2020, chính thức công nhận một ngành nghề mới ở Việt Nam- nghề CTXH. Giai đoạn 2015- 2020, Đề án 32 cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống hành lang pháp lý. Các địa phương lồng ghép nội dung phát triển nghề CTXH vào kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, chú trọng phát triển mạnh mạng lưới cung cấp các dịch vụ CTXH ở cơ sở, cộng tác viên CTXH tại các trường học, bệnh viện, hệ thống tư pháp. Ưu tiên phát triển cung cấp các dịch vụ CTXH đối với trẻ em, người khuyết tật, người già, tham gia giải quyết các vấn đề nghèo đói, nhân rộng các mô hình trung tâm cung cấp dịch vụ xã hội tại các quận- huyện, xã- phường.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN