Nhà giáo tâm tư góp sức cho giáo dục

Cập nhật, 05:18, Thứ Năm, 23/11/2017 (GMT+7)

Giáo dục là nền tảng để phát triển kinh tế- xã hội của mỗi quốc gia, dân tộc. Hơn ai hết, nhà giáo là những người có nhiều tâm tư với sự nghiệp trồng người.

Làm sao để tất cả các cấp học đều đi vào nề nếp, chất lượng nhưng không nặng nề với học sinh? Làm sao để phát triển nguồn nhân lực, cho ĐBSCL vươn cao, bay xa.

Nhà giáo nhân dân, TS. Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT.
Nhà giáo nhân dân, TS. Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT.

1. Nhà giáo nhân dân, TS. Đặng Huỳnh Mai- nguyên Thứ trưởng Bộ GD- ĐT cho rằng, mô hình Giáo dục STEM là mô hình mới hay đang được nhiều nước áp dụng

Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.

Các kiến thức và kỹ năng này phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hàng ngày.

Giáo dục STEM sẽ thu hẹp khoảng cách giữa hàn lâm và thực tiễn, tạo ra những con người có năng lực làm việc “tức thì” trong môi trường có tính sáng tạo cao và sử dụng trí óc có tính chất công việc ít lặp lại trong thế kỷ XXI.

Xét về góc độ lý thuyết, mô hình STEM tạo điều kiện để học sinh có kiến thức tổng hợp về: Các môn học Khoa học (S), Công nghệ (T), Kỹ thuật (E) và Toán học (M).

Song song đó, STEM hình thành kỹ năng sống cho học sinh tích hợp trong mô hình giáo dục gồm: tư duy phản biện và giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc theo nhóm và giao tiếp, kỹ năng tư duy chiến lược và định hướng mục tiêu, kỹ năng quản lý thời gian.

Có thể nói một nền giáo dục không có công nghệ và kỹ thuật thì học sinh chỉ được trang bị lý thuyết, khái niệm, nguyên lý, công thức, định luật mà không được trang bị kiến thức để áp dụng vào thực tiễn.

Vì vậy, nhiều nhà khoa học đã cho là việc kết hợp các kỹ năng STEM trong giáo dục nói chung và trong giáo dục phổ thông nói riêng là thật sự cần thiết trong quá trình thực hiện đổi mới giáo dục của Việt Nam để đạt mục tiêu giáo dục toàn diện.

Nhà giáo nhân dân, GS.TS. Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ.
Nhà giáo nhân dân, GS.TS. Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ.

2. Anh hùng lao động, Nhà giáo nhân dân, GS.TS. Võ Tòng Xuân- Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, nói về vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho ĐBSCL, tại hội thảo liên quan được tổ chức ở Cần Thơ, tháng 10/2017

Mặc dù là cái nôi sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa gạo của cả nước và xuất khẩu, vùng ĐBSCL vẫn còn là “vùng trũng” của cả nước về học vấn và chất lượng nhân lực.

Đây là một nhận xét chúng ta thường nghe và thấy. Vì cho đến nay, sau hơn 40 năm sống trong hòa bình thống nhất, đại bộ phận người dân của đồng bằng- nông dân- vẫn là bộ phận nghèo nhất làm ăn trong những môi trường không bền vững. Suy cho cùng, cái gốc của vấn đề là giáo dục.

Các quốc gia giàu có hiện nay đã qua một lịch sử lâu dài mà trong đó Nhà nước và nhân dân đã rất chú trọng đầu tư cho giáo dục:

Nhà nước và người dân đầu tư xây dựng trường học; người dân dành dụm tiền cho con cái học hành; người trẻ quyết tâm phấn đấu học thật tốt để giúp đỡ gia đình, xã hội.

Quốc gia tiêu biểu nhất là Hà Lan, một quốc gia có diện tích, dân số gần bằng ĐBSCL nhưng giá trị nông sản xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, sau Hoa Kỳ.

Hiện nay, chất lượng nguồn nhân lực ĐBSCL còn quá thấp. Nổi tiếng là “vùng trũng” giáo dục do điều kiện cho người học chưa tốt, chưa được đầu tư đến nơi, đến chốn và cũng do người học chưa cố gắng học thật tình.

Thực trạng giáo dục của Việt Nam đang đứng trước một thử thách hệ trọng.

Trình độ và chất lượng của sinh viên tốt nghiệp ĐH ngày càng kém hơn các lớp đàn anh,… Đảng ta đã thấy điều này và đã đưa ra những nghị quyết cho giáo dục phát triển.

Ở ĐBSCL, tình trạng này còn bi đát hơn và viễn cảnh đến năm 2030 thì quả thật công việc đào tạo phải vượt qua nhiều thách thức.

Ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng Giáo dục Nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên, Sở GD- ĐT Vĩnh Long.
Ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng Giáo dục Nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên, Sở GD- ĐT Vĩnh Long.

3. Ông Nguyễn Ngọc Khương- Trưởng Phòng Giáo dục Nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên thuộc Sở GD- ĐT Vĩnh Long: Cần đẩy mạnh phân luồng và dạy nghề cho học sinh

Công tác phân luồng cho học sinh được thực hiện theo Quyết định số 780/QĐ-UBND tỉnh Vĩnh Long năm 2013.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện kết quả chưa đạt như mong muốn, năm học 2017- 2018, có 82% học sinh sau THCS vào THPT, 7,6% vào giáo dục thường xuyên (GDTX), giáo dục nghề nghiệp và 3,8% luồng khác.

Chúng tôi đã xây dựng đề án học văn hóa kết hợp học trung cấp cho học sinh ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- GDTX và mới áp dụng được 1 năm.

Thực hiện đề án này, học sinh ở các trung tâm sẽ vừa được học song song 2 chương trình, sau 3 năm, nếu đủ các điều kiện các em sẽ có bằng tốt nghiệp THPT và bằng trung cấp nghề.

Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện thì số học sinh học chương trình này bỏ học hơn 30%, hiện chúng tôi đang rà soát lại chương trình.

Hướng tới, giảm lý thuyết tăng thực hành để chương trình gần gũi và gắn với đối tượng học sinh hơn.

Tạo hứng thú cho các em ngay từ đầu bằng phương pháp dạy thích hợp. Các trường CĐ kết hợp với trung tâm tháo gỡ những khó khăn để hạn chế học sinh bỏ học.

Thêm vào đó, chúng tôi phối hợp với các cơ quan liên quan thông tin, tuyên truyền, tư vấn để đẩy mạnh việc thực hiện đề án này.

Xác định đây là đề án hay, giúp phân luồng và đào tạo học sinh theo đúng năng lực, sở trường của mình, góp phần đào tạo nguồn lao động lành nghề.

Đây cũng không phải là công việc có thể thực hiện một sớm, một chiều cần có thời gian và lộ trình mỗi năm chúng tôi đều họp để rút kinh nghiệm.

CAO HUYỀN (lược ghi)